Từ một đơn vị khá có tiếng tăm trong lĩnh vực lắp ráp, hoán cải các loại xe chở khách, Damco liên tục lao dốc, lỗ lớn. |
Níu kéo
Hai đơn xin cứu xét khẩn cấp vừa được lãnh đạo Damco đồng thời gửi tới Tòa án Nhân dân quận Liên Chiểu (đơn vị thụ lý vụ kiện đòi nợ khoản nợ thuê lại đất, hạ tầng) và chủ nợ - Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Đà Nẵng (Daizico).
Theo đó, Damco đề nghị Daizico cho gia hạn số tiền nợ thuê lại đất và sử dụng hạ tầng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh trong 2 năm (2018, 2019) với số tiền 4,394 tỷ đồng (trong đó, nợ gốc là 3,976 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp là 418 triệu đồng) đến ngày 31/3/2021. Lãnh đạo Damco cam kết, sau khi bán doanh nghiệp, sẽ ưu tiên trích một phần để thanh toán toàn bộ số nợ cho Daizico.
Cùng nội dung tương tự, Damco cũng đề nghị Tòa án Nhân dân quận Liên Chiểu gia hạn việc giải quyết vụ kiện thêm một thời gian nữa, để Công ty hoàn thành việc bán doanh nghiệp theo Thông báo của Văn phòng Chính phủ về ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Damco cũng cam kết với Tòa án là đến ngày 31/3/2021, sau khi hoàn tất thủ tục mua doanh nghiệp, nhà đầu tư trúng đấu giá mua Damco sẽ thanh toán toàn bộ tiền nợ cho đơn vị khai thác Khu công nghiệp Hòa Khánh.
Được biết, Damco vốn là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP. Đà Nẵng. Năm 2006, Damco được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tiếp nhận nguyên trạng về làm đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor). Tại thời điểm này, Damco là một đơn vị khá có tiếng tăm trong lĩnh vực lắp ráp, hoán cải các loại xe chở khách tại khu vực miền Trung.
Trước đó, năm 1996, Damco có kế hoạch tham gia liên danh xây dựng 1 nhà máy sản xuất ô tô với Nissan (Nhật Bản) với số vốn điều lệ lên tới 110 triệu USD. Dự án này bị đổ vỡ vào năm 2001 do Nissan gặp khó khăn tại thị trường Nhật Bản, buộc phải hủy cam kết hợp tác với Damco.
Vận đen tiếp tục đeo đẳng Damco khi tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị liên tục lao dốc do ảnh hưởng của những lần sáp nhập, di dời địa điểm sản xuất theo chủ trương của UBND TP. Đà Nẵng cùng với sự tàn phá nặng nề của cơn bão số 6 (năm 2006) và số 9 (năm 2009). Những khoản lỗ lũy kế rất lớn được tích tụ nhiều năm đã khiến kế hoạch cổ phần hóa Damco (được Bộ GTVT khởi động từ năm 2011) không thể thực hiện được.
Năm 2014, khi tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ - Vinamotor, Bộ GTVT đã tách riêng Damco để thực hiện tái cơ cấu tài chính theo hình thức mua bán nợ với đơn vị nhận nợ là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC).
Do vướng mắc thủ tục về đất đai, nên quá trình cổ phần hóa Damco đã kéo dài suốt 10 năm qua với 5 lần tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp. Tại lần xác định giá trị doanh nghiệp vào tháng 9/2018, giá trị thực tế của Damco tại thời điểm 31/12/2017 là 87,7 tỷ đồng nhưng tổng nợ thực tế phải trả là 143,7 tỷ đồng, nên giá trị thực tế phần vốn nhà nước âm 56 tỷ đồng.
Sau khi bán một phần nợ cho Công ty TNHH Tập đoàn Thành Đạt - đơn vị từng được chọn là cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa Damco, tổng dư nợ phải thu của DATC tại công ty này vẫn còn tới 62,8 tỷ đồng. Đây là số tiền mà DATC đã bỏ ra trong quá trình tái cơ cấu tài chính phục vụ cổ phần hóa Damco theo hình thức mua bán nợ nhưng bất thành trong những năm trước đó.
Tuy nhiên, do Nhà máy Cơ khí ô tô (đơn vị thuộc Damco) là nơi tạo ra nguồn doanh thu chủ yếu đã dừng hoạt động từ cuối năm 2014, nên Damco không thể bố trí được nguồn để thanh toán tiền thuê lại đất và sử dụng hạ tầng năm 2018 và 2019 đúng hạn cho Daizico.
Bất lực
Điều đáng nói là, do quá trình tái cơ cấu quá dài (gần 10 năm), lại không được bơm thêm nguồn lực để phục hồi, hoạt động của Damco tiếp tục lao dốc trong những năm qua. Năm 2019, Damco với 82 lao động trong danh sách chỉ tạo ra được 1,9 tỷ đồng doanh thu, lỗ thêm 4,68 tỷ đồng, đẩy khoản lỗ lũy kế vọt lên 166 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 124 tỷ đồng; nợ bảo hiểm xã hội 10,1 tỷ đồng; nợ tiền thuê đất tại Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Hòa Khánh Đà Nẵng 4,4 tỷ đồng. Do nợ bảo hiểm xã hội, nhiều cán bộ Damco không nhận được các chế độ hưu trí dù đã đến tuổi nghỉ ngơi.
Cũng do chưa xác định được hình thức tái cơ cấu, nên trong giai đoạn 2018 - 2020, Công ty TNHH Tập đoàn Thành Đạt không có cơ sở để tiếp tục hỗ trợ trả tiền thuê đất, khiến Damco rơi sâu hơn vào vực xoáy nợ nần.
Trong nỗ lực tìm lối thoát cho Damco, ngày 14/10/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8621/VPCP-DMDN về hình thức chuyển đổi Damco.
Cụ thể, tại công văn này, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn Damco thực hiện chuyển đổi sang loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Sau bước này, Bộ GTVT sẽ thực hiện chuyển đổi Damco với hình thức bán toàn bộ doanh nghiệp theo phương thức bán đấu giá toàn bộ Damco có kế thừa công nợ. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 128/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, lợi ích cao nhất cho Nhà nước.
Trước đó, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hình thức chuyển đổi đối với Damco là bán toàn bộ doanh nghiệp theo phương thức bán đấu giá có kế thừa công nợ. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán Damco sẽ áp dụng theo quy định tại Nghị định số 128/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Thời hạn hoàn thành việc bán Damco dự kiến trong thời hạn 9 tháng kể từ ngày được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt chủ trương.
“Việc chuyển đổi đối với Damco theo hình thức bán toàn bộ doanh nghiệp hiện là lựa chọn khả thi duy nhất, giúp công ty có khả năng khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, thanh toán được các khoản nợ cho ngân sách nhà nước”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch HĐQT Damco, phương án bán toàn bộ doanh nghiệp có kế thừa công nợ chỉ có thể thực hiện được nếu Damco được Daizico và Tòa án cho giãn nợ.
Vào giữa tháng 6/2020, Bộ GTVT đã có Công văn số 5879/BGTVT-QLDN đề nghị UBND TP. Đà Nẵng, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Daizico xem xét, cho Damco được giãn khoản nợ tiền thuê lại đất và sử dụng hạ tầng năm 2018 và 2019 cho đến khi Công ty hoàn thành việc tái cơ cấu chuyển đổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, Công ty sẽ thanh toán dứt điểm khoản tiền nợ trên
“Đây là tiền đề để Damco giảm áp lực khó khăn về tài chính, tập trung để hoàn thành việc tái cơ cấu chuyển đổi, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm và đời sống của người lao động, đồng thời thực hiện được các nghĩa vụ về tài chính”, công văn do ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.
Hiện “cửa” xin giãn nợ của Damco rất hẹp, bởi trong Công văn số 6289/UBND-BQL ngày 21/9/2020 phúc đáp đề xuất của Bộ GTVT, UBND TP. Đà Nẵng đã khẳng định, không có cơ sở để giải quyết việc giãn nợ tiền thuê lại đất và sử dụng hạ tầng năm 2018, 2019 cho Damco cho đến khi công ty này hoàn thành việc tái cơ cấu.
Trên thực tế, UBND TP. Đà Nẵng dù có muốn cũng khó có thể giúp Damco, khi trong Báo cáo kiểm toán 6 tháng đầu năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng chấm dứt tình trạng cho gia hạn tiền thuê đất, giảm tiền phạt nộp chậm không đúng quy định của Luật Quản lý thuế.
Theo lãnh đạo Damco, Công ty đang ở tình thế đặc biệt khó khăn khi lối thoát tái cơ cấu của Chính phủ vừa được hé mở.
“Nếu bị thua kiện, mất quyền thuê đất, Damco chính thức bị phá sản khiến nỗ lực buông phao giải cứu của Chính phủ thành vô ích. Nhà nước và nhà đầu tư có thể mất trắng các khoản đầu tư vào Damco”, ông Sơn cho biết.
Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch HĐQT Damco, ngày 15/6/2020, Tòa án đã mở phiên hòa giải lần đầu, nhưng không thành. Phiên hòa giải thứ hai dự kiến diễn ra vào ngày 30/6/2020 phải tạm hoãn vì người đại diện pháp luật của Damco bị ốm. Vụ án đang chờ phán quyết của Tòa, nhưng bất lợi đã thấy rõ thuộc về phía “con nợ” - Damco.