Hoạt động của Công ty Cơ khí ô tô và Thiết bị điện Đà Nẵng đã gần như tê liệt trong gần chục năm qua. Ảnh: A.M |
Nợ chất chồng
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ phương án tái cơ cấu Công ty Cơ khí ô tô và Thiết bị điện Đà Nẵng (Damco) sau gần 10 năm cổ phần hóa bất thành.
Trong Công văn số 7764/BGTVT-QLDN, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng phê duyệt hình thức chuyển đổi đối với Damco là bán toàn bộ doanh nghiệp theo phương thức bán đấu giá có kế thừa công nợ. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán Damco sẽ áp dụng theo quy định tại Nghị định số 128/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Việc bán Damco dự kiến hoàn thành trong 9 tháng kể từ ngày được Thủ tướng phê duyệt chủ trương.
Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao bộ này phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, hướng dẫn Damco thực hiện chuyển đổi sang loại hình công ty TNHH một thành viên cho phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, phương án đề xuất của Bộ GTVT đã nhận được sự thống nhất của đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) và Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại cuộc họp ngày 15/7.
Cần phải nói thêm, Damco là một trong số những doanh nghiệp nhà nước có số phận hẩm hiu bậc nhất trong ngành GTVT. Xuất thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP. Đà Nẵng, năm 2006, Damco được Bộ GTVT tiếp nhận nguyên trạng về làm đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor). Tại thời điểm này, Damco là một đơn vị khá có tiếng tăm trong lĩnh vực lắp ráp, hoán cải các loại xe chở khách ở miền Trung.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những lần sáp nhập, di dời địa điểm sản xuất theo chủ trương của UBND TP. Đà Nẵng, cùng với sự tàn phá nặng nề của cơn bão số 6 (năm 2006) và số 9 (năm 2009), hoạt động kinh doanh của Damco liên tục lao dốc với khoản lỗ lũy kế rất lớn, dẫn tới việc cổ phần hóa được khởi động từ năm 2011 không thể thực hiện được. Năm 2014, khi tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ - Vinamotor, Bộ GTVT đã tách riêng Damco để thực hiện tái cơ cấu tài chính theo hình thức mua bán nợ với đơn vị nhận nợ là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC).
Do vướng mắc thủ tục về đất đai, nên quá trình cổ phần hóa Damco đã kéo dài suốt 10 năm qua với 5 lần tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp. Tại lần xác định giá trị doanh nghiệp vào tháng 9/2018, giá trị thực tế của Damco tại thời điểm 31/12/2017 là 87,7 tỷ đồng, nhưng tổng nợ thực tế phải trả là 143,7 tỷ đồng, nên giá trị thực tế phần vốn nhà nước là âm 56 tỷ đồng. Sau khi bán một phần nợ cho Công ty TNHH Tập đoàn Thành Đạt - đơn vị từng được chọn là cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa Damco, tổng dư nợ phải thu của DATC tại Công ty vẫn còn tới 62,8 tỷ đồng. Đây là số tiền mà DATC đã bỏ ra trong quá trình tái cơ cấu tài chính phục vụ cổ phần hóa Damco theo hình thức mua bán nợ, nhưng bất thành trong những năm trước đó.
Đồng thuận cao
Điều đáng nói là, quá trình tái cơ cấu quá kéo dài, không được bơm thêm nguồn lực để phục hồi, nên hoạt động của Damco trong những năm qua gần như bị tê liệt. Trong năm 2019, Damco với 82 lao động trong danh sách chỉ tạo ra được 1,9 tỷ đồng doanh thu, lỗ thêm 4,68 tỷ đồng, đẩy khoản lỗ lũy kế vọt lên 166 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 124 tỷ đồng; nợ bảo hiểm xã hội 10,1 tỷ đồng; nợ tiền thuê đất tại Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Hòa Khánh Đà Nẵng 4,4 tỷ đồng. Do nợ bảo hiểm xã hội, nhiều cán bộ Damco đã không nhận được các chế độ hưu trí, dù đã đến tuổi nghỉ hưu.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch Damco
Với khoản lỗ lũy kế quá lớn, theo Bộ GTVT, Damco không thể thực hiện chuyển đổi theo hình thức bán một phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp để chuyển thành Công ty trách nhiệm 2 thành viên trở lên do đã bị âm vốn nhà nước.
“Việc chuyển đổi đối với Damco theo hình thức bán toàn bộ doanh nghiệp hiện là lựa chọn khả thi duy nhất, giúp Công ty có khả năng khôi phục lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, thanh toán được các khoản nợ cho ngân sách nhà nước”, ông Công đánh giá.
Một điểm rất thuận lợi là cả hai chủ nợ lớn nhất của Damco là DATC và Thành Đạt đều đồng thuận rất cao với phương án bán doanh nghiệp. Riêng DATC, trong văn bản gửi Bộ GTVT vào tháng 7/2020, đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng phê duyệt phương án bán toàn bộ doanh nghiệp đối với Damco, nhưng phải kèm theo điều kiện là bên mua phải kế thừa công nợ và thanh toán ngay toàn bộ các nghĩa vụ nợ cho DATC.
Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch Damco, trong trường hợp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán doanh nghiệp, lãnh đạo đơn vị sẽ khởi động lại việc kiểm kê, đối chiếu, phân loại tài sản và nợ; lập báo cáo tài chính và phương án xử lý tài sản, tài chính và nợ; xác định giá trị doanh nghiệp; phương án bán, xác định giá bán tối thiểu và phương thức bán.
Đối chiếu với quy định hiện hành, việc bán toàn bộ công ty sẽ phải thực hiện qua đấu giá công khai có kế thừa công nợ, nhưng trong trường hợp chỉ có một đơn vị đăng ký mua, Damco kiến nghị Bộ GTVT và các cơ quan có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp theo phương thức bán thỏa thuận trực tiếp.