Doanh nghiệp
Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải: Sau cổ phần hóa là tương lai bất định
Anh Minh - 04/09/2019 09:29
Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải (GTVT) - đơn vị y tế đầu tiên trong cả nước được cổ phần hóa vẫn đang đối diện với một tương lai khá bất định, ngay cả khi cổ đông Nhà nước sẽ nắm lại cổ phần chi phối.
.

Thay đổi lớn

Theo kế hoạch, ngày 4/9 tới, Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần thứ nhất năm 2019 theo đề nghị của cổ đông Nhà nước (Bộ GTVT là cơ quan đại diện chủ sở hữu) đang nắm tới 71,13% tổng số cổ phần phổ thông tại doanh nghiệp này.

Chỉ có một nội dung duy nhất tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 là thảo luận và biểu quyết thông qua Tờ trình về việc thay đổi vốn điều lệ trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Cụ thể, cổ đông Nhà nước đề nghị xem xét thay đổi khoản 1, Điều 7, Điều lệ Công ty cổ phần Bệnh GTVT.

Theo đó, vốn điều lệ của Công ty tại thời điểm thành lập là 168 tỷ đồng, được chia thành 16,8 triệu cổ phần mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, được điều chỉnh thành 391,4597 tỷ đồng và được chia thành 39,14597 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.

Việc thay đổi này, theo ông Trần Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT - một trong 2 người đại diện phần vốn nhà nước là để phù hợp với giá trị quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện.

Ông Trung cho biết, sở dĩ cổ đông Nhà nước phải thực hiện quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 là do từ năm 2017 đến nay, HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT không tiến hành triệu tập Đại hội đồng cổ đông theo quy định.

Ngoài ra, từ tháng 4 đến tháng 8/2018, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T - một trong 2 cổ đông lớn gửi văn bản xin thoái vốn và xin rút khỏi chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT đối với ông Đỗ Quang Hiển và thành viên HĐQT đối với ông Trần Đỗ Thành. Tuy nhiên, ông Trung cho biết, việc xin rút khỏi danh sách thành viên HĐQT của nhóm cổ đông T&T chưa được Đại hội đồng cổ đông Công ty thông qua.

Đại diện cổ đông Nhà nước cho biết, việc xin rút khỏi danh sách thành viên HĐQT và không tham gia quản lý điều hành của ông Đỗ Quang Hiển, Trần Đỗ Thành đã khiến hoạt động của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt vấn đề liên quan đến hoạt động của Bệnh viện không được giải quyết.

Bất định

Trước đó, vào ngày 26/8/2019, Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT đã có báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc thay đổi sở hữu của 2 cổ đông lớn. Cổ đông Nhà nước từ chỗ chỉ nắm 5.498.400 cổ phiếu, chiếm 32,73% vốn điều lệ, nay tăng lên 27.844.370 cổ phiếu, tương đương 71,13% vốn điều lệ. Trong khi đó, Công ty cổ phần T&T tuy lượng cổ phần không thay đổi (8,64 triệu cổ phiếu), nhưng tỷ lệ nắm giữ đã giảm từ 51,43% xuống còn 22,071%.

Khoản lỗ lũy kế của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT tính đến ngày 31/12/2018 đã lên tới 91 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2018 lỗ 33,2 tỷ đồng.

Với việc nắm tới 71,13%, nhóm cổ đông Nhà nước được cho là sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu của mình tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019.

Được biết, Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT đã thực hiện cấp sổ chứng nhận cổ phần cho cổ đông Nhà nước và ghi vào sổ đăng ký cổ đông của Công ty đối với phần vốn nhà nước được điều chỉnh tăng tương ứng với giá trị quyết toán dự án ODA tòa nhà Bệnh viện. Hiện Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT đang chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo và hướng dẫn việc đăng ký doanh nghiệp.

Trên thực tế, cuộc “hôn phối” từng được đánh giá là rất đẹp giữa Bệnh viện GTVT và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T (T&T) đã đi đến hồi kết từ tháng 5/2018, khi Văn phòng Chính phủ có Công văn số 157/TB-VPCP ngày 3/5/2018, thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc thực hiện phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương.

Tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT thực hiện giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước tại Công ty sau khi điều chỉnh tăng vốn điều lệ tương ứng với phần tăng vốn nhà nước được xác định sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện.

Trước đó, tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương đã nêu rõ: “Vốn điều lệ sẽ được điều chỉnh tăng phần vốn nhà nước tương ứng giá trị quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, đồng thời, sẽ tiếp tục bán phần vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT là 30%”. Tuy nhiên, do không thực hiện thoái vốn đúng lộ trình cam kết, nên tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhóm cổ đông còn lại (bao gồm cả cổ đông chiến lược là T&T) sau khi tiến hành tăng vốn điều lệ sẽ giảm xuống tới mức không hội đủ quyền phủ quyết các quyết định lớn của HĐQT.

Hiện Bệnh viện GTVT đang gặp rất nhiều khó khăn khi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cụ thể, trong trường hợp Nhà nước chấp thuận mua lại lô cổ phần T&T, phần vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT sẽ lên tới gần 95%. Số cổ phần còn lại chủ yếu được nắm giữ bởi cán bộ, công nhân viên và công đoàn Bệnh viện GTVT.

Mặc dù cổ đông Nhà nước nắm quyền chi phối tuyệt đối, nhưng do vẫn còn hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Bệnh viện GTVT vẫn sẽ không thể tiếp cận được gói hỗ trợ 25 tỷ đồng/năm từng nhận được từ ngân sách nhà nước trong vai trò là cơ sở y tế công lập.

Tin liên quan
Tin khác