Tiên phong hiện đại hóa nghề dệt sợi truyền thống, đi đầu trong lĩnh vực đầu tư sản xuất nước sạch, sản xuất gỗ xuất khẩu, Công ty cổ phần Bitexco Nam Long đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình.
Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bitexco Nam Long, ông Lê Minh Hiệu (thứ 2 bên phải) nhận Cờ thi đua của Chính phủ. |
Hiện đại hóa nghề dệt sợi
Trưởng thành từ làng nghề dệt Phương La (Hưng Hà, Thái Bình), Bitexco Nam Long được biết đến là một trong những doanh nghiệp tiên phong hiện đại hóa nghề dệt sợi truyền thống của quê hương.
Tiền thân là Tổ hợp dệt nhuộm Bình Minh, thành lập năm 1989, chuyên dệt, tẩy, nhuộm, hoàn tất sản phẩm khăn bông xuất khẩu, 4 năm sau, Tổ hợp phát triển thành Công ty Sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu Bình Minh, đầu tư nhà máy sợi, nhập thiết bị từ Đức, Nhật, công suất 1.000 tấn/năm, chuyên dệt khăn tay bông xuất khẩu, se sợi cung cấp cho các nhà máy xi măng.
Bình Minh trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên xuất khẩu trực tiếp mặt hàng khăn tay bông sang Nhật - mở ra một trang mới cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mang tầm quốc tế. Cùng với đó, Công ty tiếp tục đầu tư nhà máy dệt in nhuộm màu hoàn tất sản phẩm khăn bông xuất khẩu.
Với tầm nhìn xa, sớm nhận ra tính chuyên nghiệp, nguồn lực bền vững của đối tác từ Nhật Bản, Bitexco Nam Long đã ký kết đầu tư, hợp tác chiến lược với Công ty Houei (Nhật Bản) để sản xuất mặt hàng khăn tay bông với việc đầu tư nhà máy dệt khăn chất lượng cao, máy khổ rộng, công suất lớn của Ý. Đây là nhà máy dệt khăn khổ rộng hiện đại nhất cả nước lúc bấy giờ.
Liên tục đầu tư tạo bước nhảy vọt
Với khát vọng hòa chung vào dòng chảy ngày càng mạnh mẽ của ngành sợi Việt Nam, năm 2011, Bitexco Nam Long thành lập Công ty cổ phần Đầu tư thương mại quốc tế Minh Long, chuyên sản xuất sợi OE, sợi CD xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU); sản xuất mặt hàng khăn xuất khẩu sang Nhật Bản với sản lượng lớn. Năm 2013, Minh Long đầu tư xây dựng nhà máy sợi, dệt hiện đại, công suất 2.400 tấn sợi OE/năm và 5 triệu mét vải/năm.
Không dừng lại, chỉ 2 năm sau, Minh Long tiếp tục mở rộng diện tích, xây dựng nhà máy sợi CD chất lượng cao, với tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng, dây chuyền, máy móc công nghệ hiện đại bậc nhất châu Âu và Nhật Bản, công suất 6.500 tấn sợi/năm. Dự án đi vào hoạt động, tạo doanh thu trên 260 tỷ đồng, sản phẩm sợi CD32/1 ngay từ năm đầu tiên đã được thị trường đánh giá cao, đưa Minh Long lọt top doanh nghiệp dẫn đầu trong xuất khẩu sợi bông Việt Nam.
Trong năm 2016, Minh Long đầu tư thêm máy móc, tạo thêm dòng sản phẩm sợi xe với công suất 300 tấn/năm, nâng tổng doanh thu lên 346 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu đạt gần 11 triệu USD. Đó là con số thực sự ấn tượng. Điểm nhấn trong quy trình sản xuất chuyên nghiệp của Minh Long là áp dụng nguyên lý và quy trình ISO 9000 theo mô hình 5S của Nhật Bản.
Không chỉ là doanh nghiệp tiên phong, hàng đầu trong ngành dệt may Việt Nam, thực hiện chủ trương đa ngành, Bitexco Nam Long còn vươn sang nhiều lĩnh vực. Nổi bật là đầu tư nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất cao cấp xuất khẩu. Nhà máy gỗ với dây chuyền tự động hóa của châu Âu, nguyên liệu nhập khẩu chất lượng quốc tế, sản xuất các loại cửa xuất khẩu cao cấp sang thị trường Mỹ, Brasil, châu Âu, cùng các công trình nhà hàng, khách sạn 5 sao, tổ hợp văn phòng cao cấp trong nước.
Năm 2018, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại quốc tế Minh Vượng được thành lập, cùng Dự án Xây dựng tổ hợp nhà máy kéo sợi và nhà máy sản xuất đồ gỗ công nghệ cao. Hiện Công ty Minh Vượng đang xin đất trong khu công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gỗ xuất khẩu, đón đầu các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA). Khi dự án đi vào hoạt động, sẽ giúp Công ty nâng cao doanh thu, tạo thêm nhiều việc làm, nguồn ngoại tệ và nộp ngân sách nhà nước.
Doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất nước sạch
Trong khi nhiều doanh nghiệp tư nhân tìm đến những lĩnh vực mang lại lợi nhuận ngay, thì Bitexco Nam Long lại hướng đến một lĩnh vực vì cộng đồng là đầu tư xây dựng nhà máy nước.
Lý giải cho hướng đi mới này, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Bitexco Nam Long, ông Lê Minh Hiệu bộc bạch: “Nhiều nơi nước sạch chưa vươn đến được vùng sâu, vùng xa, người dân vẫn còn phải sử dụng các nguồn nước không đảm bảo, dẫn đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe bị ảnh hưởng. Hơn nữa, nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, Bitexco Nam Long mong muốn góp một phần nhỏ bé vào công cuộc lớn lao này”.
Thực hiện hướng đầu tư mới này, Bitexco Nam Long đã đầu tư Nhà máy nước Nam Long, Nhà máy nước Sông Trà (Thái Bình), Nhà máy nước Phố Nối (Hưng Yên), Nhà máy nước Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ), Nhà máy nước Tân Lập (Vũ Thư), Nhà máy nước Quốc Tuấn (Kiến Xương)... với tổng công suất gần 80.000 m3/ngày đêm. Nguồn nước sạch này thiết thực phục vụ sản xuất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nước sinh hoạt cho các doanh nghiệp và nhân dân 2 tỉnh Thái Bình, Hưng Yên.
Bitexco Nam Long cũng là Công ty tư nhân đầu tiên ứng dụng công nghệ mới của Pháp vào sản xuất nước sạch. Trước thực trạng 19 trạm cấp nước (của dự án World Bank) trong tỉnh Thái Bình xuống cấp, chất lượng nước không đảm bảo, Công ty đã đề xuất và được tỉnh chấp thuận chuyển giao. Sau khi nhận bàn giao, Công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đưa công nghệ mới, cải tạo, xây dựng nâng công suất 19 trạm cấp nước từ 28.010 m3/ngày đêm, lên 45.210 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch của nhân dân 7 huyện với 53 xã, thị trấn các vùng nông thôn Thái Bình, nâng tổng công suất của các nhà máy và trạm cấp nước toàn Công ty lên gần 125.000 m3/ ngày đêm, trở thành doanh nghiệp sản xuất nước sạch hàng đầu trong tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, Nam Long luôn chăm lo, đảm bảo tốt đời sống cho cán bộ, công nhân viên với chính sách lương, thưởng, phúc lợi xã hội. Luôn duy trì lương tháng thứ 13 cho cán bộ, công nhân viên, động viên tinh thần người lao động.
Tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo
Cùng với việc chú trọng nhiệm vụ đầu tư, sản xuất, Bitexco Nam Long còn đi đầu trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội. Mỗi năm doanh nghiệp dành một phần lợi nhuận không nhỏ cho các hoạt động thăm hỏi, tặng quà gia đình thương binh, liệt sỹ, nạn nhân chất độc da cam, có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, xây nhà tình nghĩa, ủng hộ Quỹ Trái tim nhân ái, Quỹ khuyến học, khuyến tài. Đặc biệt mỗi dịp Tết đến, xuân về, Công ty dành hàng ngàn suất quà chia sẻ cho những gia đình còn khó khăn, thiếu thốn.
Nhiều năm qua, Công ty luôn ủng hộ tiền của để xây dựng, trùng tu các công trình lịch sử, văn hóa của quê hương. Mới đây, Công ty đã đầu tư xây dựng lại chùa Linh Ứng tại xã Thái Phương, huyện Hưng Hà - quê hương của nghề dệt Phương La.
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Lê Minh Hiệu được nhận Huân chương Lao động hạng Ba; Cup Thánh Gióng, cùng nhiều Bằng khen của các bộ, ngành và UBND tỉnh Thái Bình.
Phó tổng giám đốc Vũ Thị Suốt được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cúp Bông hồng vàng; Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam”; Doanh nhân tiêu biểu hội nhập châu Á; Cup Rồng Vàng châu Á, cùng nhiều Bằng khen của các bộ, UBND tỉnh Thái Bình.