Việc thực hiện dự án trồng cao su không hiệu quả gây mất vốn của các cổ đông |
Công ty cổ phần Cao su TP.HCM được thành lập từ chủ trương thực hiện dự án đầu tư trồng 10.000 ha cao su tại Lào theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và UBND TP.HCM. Tuy nhiên, Công ty đã để khoảng 63% diện tích cao su, trị giá trên 136 tỷ đồng có nguy cơ bị xóa sổ, gây mất vốn của các cổ đông, trong đó hơn 72% là vốn của 5 cổ đông nhà nước.
Bốc hơi vốn của cổ đông
Theo Thanh tra TP.HCM, trong quá trình triển khai dự án đầu tư trồng 10.000 ha cao su tại Lào, Công ty cổ phần Cao su TP.HCM đã để xảy ra hàng loạt sai phạm, dẫn đến việc thực hiện dự án không đảm bảo tiến độ, mục tiêu, hiệu quả đầu tư đã được phê duyệt.
Cụ thể, tính đến thời điểm thanh tra (giữa năm 2022), diện tích cao su còn lại đang được chăm sóc, khai thác chỉ còn khoảng 1.000/10.000 ha, đạt tỷ lệ 10%; diện tích cao su sinh trưởng kém ngưng chăm sóc được thực hiện thanh lý hơn 1.800 ha.
Tính toán của Thanh tra, hơn 1.800 ha phải thanh lý nêu trên có giá trị đã đầu tư là 136 tỷ đồng, tức có khả năng gây mất vốn của các cổ đông, trong đó có 72,13% vốn của 5 cổ đông nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM. Việc này đã vi phạm nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, được quy định tại khoản 6, Điều 5, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Gây ra hậu quả trên, theo Thanh tra TP.HCM, bởi Công ty cổ phần Cao su TP.HCM sai phạm ngay từ đầu, khi lập hồ sơ mời thầu chưa đầy đủ đối với các gói thầu tư vấn điều tra, khảo sát lập bản đồ thổ nhưỡng, phân hạng đất trồng cao su và lập dự án đầu tư với Công ty cổ phần Xây dựng và Tư vấn đầu tư.
Trên cơ sở ý kiến của bộ, ngành liên quan và kết quả kiểm tra, rà soát của người đại diện vốn của các doanh nghiệp nhà nước tại Công ty cổ phần Cao su TP.HCM đối với quá trình đầu tư thực hiện dự án, xác định khối lượng gỗ thu được trong quá trình khai hoang rừng, TP.HCM sẽ xem xét xử lý tiếp. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, gây thiệt hại, có thể chuyển vụ việc cho cơ quan chức năng để khởi tố.
Công ty này cũng không tiến hành lập hồ sơ mời thầu nhằm quy định các tiêu chí về đánh giá năng lực đối với đơn vị thầu thực hiện công tác khai hoang; thực hiện không đúng thủ tục theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2005 và các quy định pháp luật liên quan về đấu thầu, bao gồm lập, thẩm định, trình phê duyệt kế hoạch đầu thầu, lập hồ sơ mời thầu... đối với các gói thầu mua cây giống cao su, mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Chăm sóc, bảo quản không tốt cây giống, dẫn đến 708.420 cây giống chết (chiếm tỷ lệ 34% lượng cây nhập vào vườn ươm) gây lãng phí lớn. Ngay sau khi trồng, cây sinh trưởng kém, chết nhiều, phải trồng dặm với tỷ lệ rất cao (70%), Công ty vẫn tiếp tục trồng ồ ạt mà không kiểm tra, nghiên cứu lại, xác định nguyên nhân để kịp thời điều chỉnh. Việc này dẫn đến Công ty phải thanh lý cao su tới 4 đợt vào các năm 2012, 2013, 2016, 2017, gây thiệt hại diện tích hơn 1.800 ha, tương ứng với giá trị đã đầu tư theo sổ sách là hơn 136 tỷ đồng.
Dù vậy, Công ty cổ phần Cao su TP.HCM vẫn không có văn bản hay biên bản làm việc với các đơn vị khảo sát điều tra thổ nhưỡng và phân hạng đất trồng cao su tại Lào, đơn vị cung cấp giống cây trồng, xác định nguyên nhân cây chết hàng loạt và xác định trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để kịp thời khắc phục thiệt hại.
Đáng nói nữa là, Công ty thực hiện đầu tư trồng cao su với tổng chi phí hơn 61 tỷ đồng trên 785 ha khi chưa được cơ quan có thẩm quyền của Lào giao đất, ký hợp đồng thuê đất; đồng thời Công ty đã thực hiện khảo sát 2.100 ha đất tại tỉnh Attapeu với chi phí khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng nhiều năm vẫn chưa xúc tiến các bước tiếp theo và hiện nay chính quyền tỉnh Attapeu đã giao đơn vị khác quản lý sử dụng khu đất mà Công ty đã khảo sát, gây lãng phí chi phí đã đầu tư khảo sát, thiệt hại cho doanh nghiệp.
Trồng cao su nhưng không có… cây cao su
Kiểm tra diện tích đầu tư trồng cây cao su của Công ty cổ phần Cao su TP.HCM tại 2 tỉnh Champasak và Attapeu, cơ quan chức năng phát hiện, tại một số khu vực không có cây cao su, mà chỉ có cây rừng với diện tích hơn 111 ha. Một số khu vực Công ty đã thanh lý cây cao su, nhưng hiện trạng lại không có gốc cây cao su.
Đáng lưu ý, về việc khai hoang, sổ sách kế toán Công ty không ghi nhận rõ khối lượng gỗ và số tiền thu được từ khối lượng gỗ đã khai thác khi thực hiện khai hoang với diện tích hơn 3.000 ha tại tỉnh Champasak.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Cao su TP.HCM báo cáo, việc quản lý trồng và chăm sóc cao su, chăm sóc vườn ươm giao khoán cho các đội trưởng, đội phó tự thuê công nhân thực hiện. Tuy nhiên, Công ty không cung cấp được hồ sơ kiểm tra, giám sát chứng minh việc có trồng và có chăm sóc, sử dụng nguyên vật liệu của các đội theo đúng kỹ thuật. Mặt khác, một số chứng từ thanh toán của Công ty không hợp lệ như bảng thanh toán tiền thuê nhân công không có đầy đủ chữ ký của người nhận tiền, không có chữ ký của người phụ trách bộ phận hay chữ ký xác nhận của Trưởng bản...
Công ty cổ phần Cao su TP.HCM và Công ty cổ phần Xây dựng và Tư vấn đầu tư không cung cấp tài liệu liên quan việc thực hiện khảo sát và cũng không báo cáo theo yêu cầu của Thanh tra về cách thức thực hiện điều tra, khảo sát, các căn cứ định mức để xây dựng báo cáo kết quả điều tra, khảo sát thổ nhưỡng, phân hạng đất phục vụ cho việc đầu tư phát triển cao su do Công ty cổ phần Xây dựng và Tư vấn đầu tư lập.
Đó là chưa nói, Công ty cổ phần Cao su TP.HCM còn chuyển vốn cho công ty con tại Lào bằng hình thức tiền mặt đem qua cửa khẩu nhiều hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước và thực hiện không đúng quy định tại Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cổ đông nhà nước thiếu trách nhiệm
Có 5 cổ đông là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM thực hiện góp vốn vào Công ty cổ phần Cao su TP.HCM, bao gồm Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước, Công ty TNHH một thành viên Bò sữa Thành phố, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH một thành viên; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên.
Các cổ đông này đã góp vốn không đảm bảo tiến độ theo quy định tại khoản 1 và khoản 4, Điều 84, Luật Doanh nghiệp năm 2005. Hơn thế, các cổ đông là doanh nghiệp nhà nước thiếu kiểm tra, giám sát hoạt động của Công ty cổ phần Cao su TP.HCM trong việc thực hiện dự án, không kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nhiệm vụ được giao.
Bởi vậy, ngoài việc đề nghị xử lý cá nhân, tổ chức liên quan, Thanh tra TP.HCM cũng kiến nghị người đại diện phần vốn của các doanh nghiệp nhà nước phải phối hợp với Công ty cổ phần Cao su TP.HCM làm rõ khối lượng gỗ thu được trong quá trình khai hoang rừng, số tiền đầu tư khai hoang rừng và khai thác gỗ, số tiền được nhận từ khối lượng gỗ khai thác được... Kiểm tra, rà soát quá trình đầu tư, làm rõ và xác định thiệt hại, trách nhiệm cá nhân, tổ chức đối với việc đầu tư không cẩn trọng, dẫn đến cây cao su chết hàng loạt với diện tích lớn, làm thiệt hại cho các cổ đông, trong đó phần lớn là cổ đông nhà nước.