Lỗ lũy kế của Agifish tăng vọt lên 390 tỷ đồng, vượt và gấp 1,39 lần vốn điều lệ. |
CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Agifish, mã AGF-HoSE) mới đây đã công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng niên độ tài chính 2018 – 2019. Giai đoạn nửa đầu niên độ, từ 1/10/2018 – 31/2019, Agifish lỗ sau thuế 120 tỷ đồng. Trong khi, theo báo cáo tài chính tự lập trước đó, Agifish vẫn còn lãi 1,7 tỷ đồng. Nguyên nhân vì doanh nghiệp thủy sản này bất ngờ trích lập thêm 115 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 115 tỷ đồng và trích thêm hơn 5 tỷ đồng dự phòng hàng tồn kho.
Khoản lỗ sau soát xét này khiến lỗ lũy kế của Agifish tăng vọt lên 390 tỷ đồng, vượt và gấp 1,39 lần vốn điều lệ. Tình trạng lỗ lũy kế đã duy trì tại doanh nghiệp thủy sản này từ quý III/2017.
Nửa đầu niên độ tài chính, doanh thu bán hàng của Agifish giảm tới 45% so với cùng kỳ, thu về gần 450 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ doanh nghiệp thủy sản này phải kinh doanh dưới giá vốn, lãi gộp kỳ này trở lại đạt hơn 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản trích lập dự phòng đã làm “bốc hơi” toàn bộ lợi nhuận hạch toán của công ty.
Từ niên độ trước, thị trường xuất khẩu của công ty đã bị thu hẹp do những khó khăn về tài chính khiến công ty không đủ nguồn vốn lưu động để cung cấp hàng cho khách. Phán quyết của DOC áp mức thuế suất chống bán phá giá cao cho Agifish đã khiến doanh nghiệp này mất hoàn toàn thị trường Mỹ và phải cơ cấu lại thị trường tiêu thụ sang các thị trường châu Á dù biên lợi nhuận thấp hơn.
Đến ngày 31/3, Agifish vay ngắn hạn các ngân hàng hơn 560 tỷ đồng. Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ vay ngân hàng chiếm tới 56,5%. Cùng các khoản phải trả khác, tỷ lệ nợ xấp xỉ 68%. Trong khi phần lớn nguồn vốn phụ thuộc vào vốn vay, phần lớn tài sản của Agifish lại đang “chôn chân” tại các khoản phải thu. Trong đó, doanh nghiệp có 521 tỷ đồng phải thu từ khách hàng do đã bán chịu (đã trích lập dự phòng được hơn một nửa), hơn 11 tỷ đồng trả trước cho phía nhà cung cấp (đã dự phòng 3 tỷ đồng). Ngoài ra, Agifish còn cho vay 175 tỷ đồng cho 2 doanh nghiệp Nông thủy sản Việt Phú và Thủy sản Hưng Thành. Các khoản phải thu tại hai doanh nghiệp trên cũng vừa được Agifish đưa vào danh sách nợ quá hạn trong nửa đầu niên độ tài chính này và phải trích 63 tỷ đồng dự phòng. Tổng giá trị các khoản nợ được xác định là nợ quá hạn là gần 483 tỷ đồng, chiếm 66% giá trị các khoản phải thu.
Nợ xấu tại Agifish đến ngày 31/3/2019 – Nguồn: BCTC soát xét |
Tình trạng kẹt chân tại các khoản phải thu không xảy ra riêng tại Agifish. Tại công ty mẹ CTCP Hùng Vương (mã HVG-HoSE), đơn vị đang sở hữu gần 79,58% vốn điều lệ của Agifish, giá trị nợ quá hạn đến 31/3 được xác định là 1.259 tỷ đồng và đã dự phòng gần 800 tỷ đồng. Giá trị còn lại của các khoản phải thu tại Hùng Vương là hơn 4.610 tỷ đồng, cũng chiếm hơn nửa tổng tài sản.
Theo thông báo mới đây của HVG, doanh nghiệp này đang lên kế hoạch thoái một phần vốn tại Agifish để giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50%. Nếu thực hiện thành công, Agifish sẽ không còn là công ty con của Hùng Vương. Tuy nhiên, cổ phiếu AGF hiện đã bị tạm ngừng giao dịch do doanh nghiệp liên tục bị nhắc nhở về tình trạng công bố thông tin.