Chuyển đổi số - Kinh tế số
Công ty công nghệ vốn 200 tỷ đồng muốn "nhóm đốm lửa đầu" thị trường tài sản số
Thanh Thuỷ - 28/03/2024 23:06
Diễn đàn Tài sản số 2024 vừa tổ chức được Chủ tịch SSI Digital Nguyễn Duy Hưng ví như những đốm lửa đầu tiên nhóm lên, từ đó, xa hơn, hướng đến khung pháp lý để thị trường tài sản số phát triển.

Những đốm lửa đầu tiên

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Tài sản số 2024 do Công ty Cổ phần Công nghệ số SSI (SSI Digital) lần đầu tiên tổ chức, ông Nguyễn Duy Hưng, người được biết đến với vai trò Chủ tịch Chứng khoán SSI cũng là Chủ tịch SSI Digital, thừa nhận bản thân không hiểu biết nhiều về lĩnh vực tài sản số, thậm chí từng nghĩ tài sản số là tài sản của thế hệ trẻ, không có ý định tiếp tục quan tâm hoặc xây dựng.

Cuộc gặp với các lãnh đạo khu công nghệ cao Hòa Lạc nói về mong muốn có một doanh nghiệp tài chính, có thể tập hợp và xây dựng trung tâm hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp, những người trẻ làm về công nghệ blockchain, tài sản số đã làm thay đổi những suy nghĩ trước đó và khiến ông quyết định nhận lời. Được cấp đất và cơ chế tốt theo quy định Chính phủ cho phép đối với dự án tại khu công nghiệp cao, nhưng để trung tâm trở thành một hub hoạt động đúng chức năng mong muốn, theo ông Hưng, là điều vô cùng khó.

“Loay hoay cả năm, cơ duyên cho tôi gặp những người đã có cộng đồng, quan tâm và bỏ nhiều tiền đầu tư hệ thống, ôm nhiều tài sản số mong muốn cùng tôi làm việc này. SSI Digital ra đời độc lập với SSI – vốn hoạt động trong lĩnh vực tài chính thuần tuý, kinh doanh khi có sẵn khung pháp lý ít nhất đến nay đã được 24 năm”, ông Nguyễn Duy Hưng trải lòng về “đứa con” mới trong lĩnh vực/ loại hình đầu tư mà Việt Nam đến nay chưa có khung pháp lý.

Ở thời điểm hiện tại, SSI Digital vừa bước qua năm hoạt động đầu tiên kể từ ngày thành lập. Công ty có quy mô vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do ông Nguyễn Duy Hưng là người đại diện pháp luật. SSI Digital độc lập với SSI trong quan hệ sở hữu khi SSI không trực tiếp đầu tư vốn tại đây nhưng thương hiệu cũng như logo đều mang dấu ấn SSI.

Ông Nguyễn Duy Hưng trải lòng về quyết định thành lập SSI Digital

Boston Consulting Group dự kiến tổng giá trị tài sản số trong năm 2030 sẽ lên tới 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu. Còn theo Crypto Crunch App, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về giao dịch tiền số, chỉ sau Ấn Độ và Mỹ. Các trader Việt Nam mang lại hiệu quả đứng đầu thế giới. Tuy vậy, ông Hưng nhấn mạnh, những kết quả trên cũng mới chỉ là con số.

Với cơ sở pháp lý hiện nay thì khối tài sản đó dù có nhưng đi đâu, như thế nào? Vấn đề này là câu chuyện để đề xuất Chính phủ thừa nhận tài sản số là tài sản được pháp luật chấp nhận. Từ đó, khi được chấp nhận sẽ có sàn, có chợ để mua bán, chuyển nhượng loại tài sản này.

"Nếu hôm nay không ngồi lại với nhau để nhóm những đốm lửa đầu tiên thì bao giờ mới có ngọn lửa lớn", ông Hưng nói về mục tiêu khi tổ chức một diễn đàn về tài sản số.

Có nhiều cơ hội nhưng tài sản số cũng có vô cùng nhiều rủi ro, từ rủi ro về pháp lý, rủi ro về cơ chế quản lý ngoại hối đến rủi ro lừa đảo. Thị trường càng nhiều cơ hội thì càng nhiều lừa đảo. "Khi thị trường không phân biệt được là vàng hay thau thì những người càng ít hiểu biết càng khó phân biệt và quyết định tài sản của mình ", ông nhấn mạnh.

Điều này đặt ra những vấn đề chưa từng có đối với các tiêu chuẩn, quy định về tài sản, thị trường tài chính, thuế và yêu cầu quản lý kiểm soát rủi ro. Ngày 23/2/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 194/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF). Tại quyết định trên, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đánh giá rủi ro về rửa tiền trong kinh doanh casino, trò chơi có thưởng và tài sản số - hoàn thành vào tháng 9/2024. Bộ Tài chính được giao xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này - hoàn thành trong tháng 5/2025.

Kỳ vọng cơ chế sandbox

Tiết lộ tại Diễn đàn, Chủ tịch SSI Digital mong muốn cùng với Học viện Tài chính, khu công nghệ cao Hòa Lạc xin một cơ chế đặc thù hợp pháp để mọi người tham gia một cách chính thống. Đồng thời, xây dựng một nơi để start up công nghệ để nương tựa hoặc cần thiết có thể huy động vốn từ những gì những người đi trước có thể hỗ trợ được.

Đại diện khu công nghệ cao Hòa Lạc, ông Trần Đắc Trung nhấn mạnh sáng tạo đột phá thường gặp không ít khó khăn về giới hạn thể chế hiện hành. Do đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cần cơ chế thông thoáng cho phép thực hiện mô hình kinh doanh mới có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, tăng thu ngân sách, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Tại dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sắp được Quốc hội, khu công nghệ cao Hòa Lạc được đề xuất nhiều cơ chế đặc thù tạo môi trường thuận lợi, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội. Trong đó, có cơ chế thử nghiệm sandbox.

Ông Mai Huy Tuần - CEO SSI Digital cho biết công ty đang được cùng tham gia thực hiện đề tài của Bộ Tài chính giao cho Học viện Tài chính để đưa tiếng nói, kinh nghiệm quốc tế chia sẻ với Bộ ban ngành để sớm có khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam. Bên cạnh việc đồng hành cùng với Học viện Tài chính, CEO của SSI Digital cho biết công ty sẽ xây dựng dự án trung tâm 1,7 ha với 28.000 m2 sàn văn phòng, định hướng trở thành hub kết nối để phát triển công nghệ blockchain Việt Nam. 

Tin liên quan
Tin khác