Thời sự
Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung: Áp dụng công nghệ cao trong sản xuất tôm giống
Ngọc Tuấn - 30/09/2016 08:19
Là một trong 3 doanh nghiệp sản xuất tôm giống quy mô lớn nhất Việt Nam, năm 2016, Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung tiếp tục đầu tư chiều sâu công nghệ cao để không ngừng nâng cao chất lượng, góp phần mang tới mùa bội thu cho người dân nuôi tôm.
TIN LIÊN QUAN

Mạnh tay rót vốn cho công nghệ cao

Được thành lập năm 2007, Công ty Nam Miền Trung là doanh nghiệp 100% vốn trong nước thu được rất nhiều thành công và trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất tôm giống thẻ chân trắng. Nam Miền Trung đang phát triển mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu trở thành thương hiệu cung cấp tôm giống hàng đầu.

Hiện tại, hệ thống cơ sở sản xuất phủ khắp từ các tỉnh miền Trung tới Đồng bằng sông Cửu Long, được đầu tư đồng bộ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, an toàn sinh học cao. Hạt nhân hệ thống này là Trung tâm sản xuất tôm giống Nam Miền Trung tỉnh Bình Thuận, với quy mô 1.500 bể nuôi, 17 ao nuôi tôm thịt mô hình, năng lực sản xuất tôm giống từ 10 đến 12 tỷ con giống/năm. Đặc biệt, đầu năm 2016, Công ty Nam Miền Trung đầu tư 16 ha trang trại nuôi tôm theo mô hình an toàn sinh học tại tỉnh Hà Tĩnh.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm Trung tâm tảo tươi của Công ty Nam Miền Trung.

Chìa khóa thành công của Nam Miền Trung là ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các bước trong quy trình sản xuất tôm giống từ khâu vệ sinh và chuẩn bị trại nuôi, xử lý nước, chăm sóc và cho tôm bố mẹ sinh sản, chăm sóc ấu trùng tôm giống, kiểm tra chất lượng và vận chuyển tôm giống.

Ông Dương Văn Thảo, Giám đốc kỹ thuật Công ty Nam Miền Trung cho biết, nuôi tôm quan trọng nhất là “nuôi nước”. Trong toàn bộ quy trình nuôi tôm, Nam Miền Trung sử dụng hoàn toàn bằng nước biển tự nhiên được lấy ở xa bờ để tránh các nguồn ô nhiễm và được lọc bằng công nghệ xử lý tiên tiến. “Nước mặn được lấy tại vùng biển Cà Nà, cách bờ khoảng 10 km. Hàng ngày, các tàu khai thác khoảng 1.500 m3 nước biển, cung cấp cho quy trình sản xuất. Vị trí lấy nước được khảo sát, quan trắc thường xuyên, đảm bảo các chỉ tiêu đầu vào. Sau đó nước biển được lọc thô trước khi đưa vào ao lắng, lọc tinh và chuyển vào nhà chứa có mái che. Ở bước tiếp theo, nước biển được khử khuẩn bằng công đoạn chiếu tia UV và chuyển tới khâu lắng trại. Nước ở giai đoạn này sẽ được phòng xét nghiệm kiểm tra để đảm bảo đạt các chỉ tiêu sinh hóa và được lọc một lần nữa qua lõi 1.0 và 0,5µm trước khi bơm tới bể ương”, ông Thảo nói và cho biết, công nghệ xử lý nước nói trên mang lại hiệu quả lớn như tiết kiệm chi phí hơn so với xử lý bằng hóa chất, nâng cao chất lượng nước đầu vào, từ đó giảm thiểu rủi ro khi nguồn nước gần bờ bị ô nhiễm. Đặc biệt, quy trình xử lý nước này đảm bảo môi trường sống tự nhiên cho ấu trùng, nâng cao tỷ lệ sống và sức đề kháng cho tôm giống.

Với môi trường nước nuôi ấu trùng tôm, Nam Miền Trung áp dụng sâu công nghệ sinh học để kiểm soát bệnh. Theo đó, Công ty không sử dụng thuốc kháng sinh và hạn chế tối đa sử dụng hóa chất. Thay vào đó,  tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học ngay từ khi thả Nauplius và định kỳ đến khi xuất post (tôm giống con) bằng các chế phẩm của các tập đoàn uy tín nổi tiếng thế giới như EM, Bayer, Epicore… Điều này mang lại lợi ích lớn khi hạn chế thay nước, nâng cao tỷ lệ sống và sức đề kháng, tốc độ tăng trưởng. Đặc biệt, tôm giống không bị nhiễm kháng sinh, tạo tiền đề vượt qua những hàng rào khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng cho xuất khẩu trong giai đoạn nuôi tôm thương phẩm.

Đột phá nữa là, Nam Miền Trung đã áp dụng thành công công nghệ cao để nuôi vi tảo an toàn sinh học làm thức ăn cho ấu trùng tôm. Ngoài ra, tôm giống ở giai đoạn Zoea cũng được nuôi hoàn toàn bằng tảo tươi có kích thước, dinh dưỡng phù hợp với ấu trùng tôm thẻ chân trắng. Công nghệ tảo tươi được Nam Miền Trung nhận chuyển giao từ các chuyên gia Hoa Kỳ và Trường đại học Thủy sản Nha Trang. Nguồn tảo gốc được Công ty nhập từ Hawaii và Florida (Hoa Kỳ). Hiện tại, Trung tâm tảo tươi Nam Miền Trung là trung tâm duy nhất tại Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ tảo tươi đã giúp ổn định các chỉ tiêu môi trường, chủ động nguồn thức ăn, nâng cao hệ miễn dịch tự nhiên, nâng cao tỷ lệ sống và chuyển giai đoạn nhanh, đồng đều tôm giống.

Công nghệ cao còn được áp dụng trong hệ thống bơm nhiệt tự động. Để duy trì nhiệt độ trong bể nuôi tôm bố mẹ trong khoảng 27 - 28 độ C, Nam Miền Trung đầu tư 2 hệ thống bơm nhiệt vận hành tự động, 2 chiều (nóng và lạnh) có công suất nâng hạ nhiệt 5 độ C với lưu lượng 15 m3/giờ. Ngoài việc tiết kiệm chi phí 50% so với phương pháp hạ nhiệt bằng nước đá, hệ thống bơm nhiệt tự động giúp ổn định nhiệt độ bể nuôi mà không phụ thuộc vào thời tiết. Hệ thống này cũng thân thiện với môi trường so với sử dụng phương pháp đốt than để nâng nhiệt.

Điểm đặc biệt nữa là, Nam Miền Trung áp dụng dây chuyền kiểm soát chất lượng bằng trung tâm xét nghiệm. Theo đó, đầu vào được kiểm tra rất nghiêm ngặt, tôm giống trải qua kiểm soát trong suốt quá trình nuôi và được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Tại trung tâm này, Nam Miền Trung áp dụng công nghệ kỹ thuật Real time - PCR. Trong đó, Công ty đầu tư hệ thống máy Roche loại Light Cycler 96 (Thụy Sỹ) và phòng PCR để kiểm tra tất cả các loại bệnh trên tôm giống với kết quả nhanh và chính xác. “Chúng tôi làm điều này bằng trách nhiệm của nhà sản xuất với nông dân nuôi tôm. Nam Miền Trung cũng là đơn vị duy nhất trong lĩnh vực này có trung tâm xét nghiệm được chuyển giao từ các công ty hàng đầu của Mỹ, Thụy Sỹ. Trung tâm giúp kiểm soát tốt bệnh và hiện Nam Miền Trung đã cơ bản khống chế tất cả các loại bệnh trên tôm giống. Đặc biệt là 7 loại bệnh nguy hiểm như đốt trắng, đầu vàng, Taura, đục cơ, hoại tử dưới vỏ… Nhờ quy trình hiện đại, Công ty có thể dự báo thời điểm có nguy cơ dịch bệnh và có biện pháp ứng phó hữu hiệu”, ông Dương Văn Thảo nói và cho biết, 3 năm gần đây, Nam Miền Trung luôn đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Hàng năm, tỷ lệ đầu tư cho hoạt động này luôn chiếm từ 1,5 - 2% trên tổng doanh thu, với xuất đầu tư xấp xỉ 2 tỷ đồng/năm.

Hướng tới lợi ích của người nông dân nuôi tôm

Theo lãnh đạo Công ty Nam Miền Trung, với phương châm “làm giàu cho bạn”, Công ty đặt trọng tâm hướng tới trợ giúp người dân nuôi tôm làm giàu trước, sau đó mới là sự thành công của doanh nghiệp, thông qua việc cung cấp giống tôm chất lượng, sạch bệnh. Nam Miền Trung đặt chất lượng lên hàng đầu, bởi đây là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam, ngành có giá trị xuất khẩu hàng năm ngót nghét 3 - 4 tỷ USD.

Ngoài ra, Nam Miền Trung luôn thực hiện chính sách hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm, hỗ trợ một phần tôm giống miễn phí cho nông dân. Nhiều mô hình nuôi tôm thương phẩm của hàng trăm nông dân được hỗ trợ bởi Nam Miền Trung đã thu được kết quả cao. Ông Nguyễn Văn Dũng, một người nuôi tôm ở huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) cho biết, xác định con giống rất quan trọng, chiếm hơn 70% tỷ lệ thành công, nên ông đã lựa chọn giống và được hỗ trợ kỹ thuật từ Nam Miền Trung, mỗi vụ nuôi ông thu lời 2 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Miền Trung, hướng về lợi ích nông dân nuôi tôm, Công ty Nam Miền Trung sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho công nghệ cao trong sản xuất. Song song đó, Nam Miền Trung đầu tư, nâng cao năng lực tự nghiên cứu, đồng thời mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, chuyên gia để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng tôm giống theo hướng bền vững, an toàn sinh học áp dụng công nghệ cao.

“Nam Miền Trung tập trung thực hiện các chương trình chọn giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh để chủ động toàn bộ con giống nằm trong nhóm đối tượng chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam”, ông Nguyễn Hoàng Anh khẳng định.

Mới đây, khi tới thăm Công ty Nam Miền Trung, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao nỗ lực phát triển của Công ty trong gần 20 năm qua. Bộ trưởng ấn tượng khi Nam Miền Trung đi từ con số không, vươn lên thành doanh nghiệp tôm giống hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt là, Nam Miền Trung đã từng bước nghiên cứu chuyên sâu về tôm giống, mắt xích trọng yếu và rất khó của ngành tôm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khuyến khích, từ nền tảng thành công đó, Nam Miền Trung nỗ lực phát triển mạnh hơn nữa, vượt thách thức để hội nhập thành công trong tương lai. Theo đó, Nam Miền Trung phải áp dụng triệt để khoa học công nghệ và mở rộng phân khúc trong chuỗi giá trị ngành tôm như nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất tôm bố mẹ, thay thế nhập khẩu, chứ không dừng lại ở sản xuất post. Đồng thời, Nam Miền Trung cần chiến lược đầu tư dài hơi để vững vàng trên vị thế doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực tôm giống.

Trong phương hướng hoạt động từ nay tới năm 2020, Công ty Nam Miền Trung xác định hoàn thiện quy trình ương nuôi tôm giống Raceway để chuyển giao cho người dân nuôi tôm. Đồng thời, Nam Miền Trung tiến hành thử nghiệm đánh giá các loại men vi sinh, chế phẩm sinh học tại trại thực nghiệm và khu ao khảo nghiệm, từ đó đưa ra sự lựa chọn chính xác nhất, áp dụng trong sản xuất và khuyến cáo tới người nuôi tôm, giúp người dân không sử dụng kháng sinh để nâng cao giá trị tôm thương phẩm. Ngoài ra, Nam Miền Trung cũng đầu tư mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi tôm giống theo tiêu chuẩn an toàn sinh học công nghệ cao tại các địa phương có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Nam Miền Trung sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu lai tạo, chọn lọc, sản xuất tôm giống thẻ chân trắng bố mẹ tại tỉnh Bình Thuận và một trung tâm nghiên cứu phát triển sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực tại tỉnh Long An.

Hoạt động nghiên cứu thử nghiệm xây dựng các mô hình nuôi tôm thương phẩm bền vững, phù hợp với trình độ kỹ thuật, vốn của người dân và điều kiện tự nhiên, khí hậu Việt Nam cũng được Công ty Nam Miền Trung quan tâm đầu tư để chuyển giao cho nông dân.

Tin liên quan
Tin khác