Ông Nguyễn Văn Công, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng (CONINCO) |
Trải qua quá trình 45 năm hình thành và phát triển, từ một viện nghiên cứu thuộc quản lý của Nhà nước, giờ đây CONINCO đã trở thành một công ty tư vấn xây dựng hàng đầu cả nước. Ông có thể cho biết khó khăn lớn nhất mà CONINCO đã vượt qua trong chặng đường phát triển 45 năm?
Trong lịch sử 45 năm phát triển, CONINCO trải qua 3 chặng đường với những khó khăn, thách thức để tạo nên một doanh nghiệp lớn mạnh.
Cụ thể, 15 năm hoạt động với chức năng Viện Nghiên cứu về cơ giới hóa và công nghệ xây dựng, trực thuộc Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước (1979 - 1994), Viện đã vượt qua khó khăn thời bao cấp để trở thành một trong những viện nghiên cứu có uy tín của ngành xây dựng; hoàn thành xuất sắc 4 đề tài cấp Nhà nước, 5 dự án chế thử, hàng chục đề tài cấp Bộ, được cấp bằng sáng chế độc quyền; biên soạn hàng chục tiêu chuẩn, định mức, quy trình, quy phạm có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn cao, góp phần quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.
Tiếp theo, 12 năm hoạt động với mô hình doanh nghiệp nhà nước (1994 - 2006). Đây là giai đoạn Viện đổi tên thành Công ty Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng), đánh dấu sự phát triển của CONINCO từ một đơn vị nghiên cứu khoa học, trở thành một trong những công ty tư vấn có uy tín. Kể từ giai đoạn này, Công ty đã sắp xếp lại bộ máy nhân sự và kiện toàn cơ cấu tổ chức, đổi mới tư duy, tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận thị trường tư vấn, triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh và gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào.
Giai đoạn từ năm 2007 đến nay, CONINCO chính thức chuyển sang hình thức doanh nghiệp cổ phần. Từ sau khi chuyển đổi mô hình, kiên trì với định hướng phát triển có chiều sâu và bền vững, Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành CONINCO đã đề ra những quyết sách đúng đắn về đào tạo nhân sự, xây dựng môi trường làm việc hiện đại, hệ thống quản lý chuyên nghiệp, linh hoạt, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh có những tăng trưởng vượt bậc. Sau gần 20 năm cổ phần, nguồn nhân lực Công ty đã tăng 1.060%; vốn chủ sở hữu tăng 667%; doanh thu tăng 662%; nộp ngân sách nhà nước tăng 482%; lợi nhuận trước thuế tăng 717%.
Trong hành trình 45 năm đó, khó khăn lớn nhất là quá trình đổi mới tư duy. Từ một viện nghiên cứu quốc gia, hoạt động theo cơ chế, tư duy bao cấp, CONINCO chuyển sang là một doanh nghiệp tự sản xuất, kinh doanh theo định hướng của Nhà nước. Sau đó, đổi mới toàn diện, tự chủ trong kinh doanh và đến nay, CONINCO đã hoạt động, phát triển độc lập, chủ động làm việc vì sự bền vững của CONINCO và cống hiến cho xã hội, cộng đồng.
Được biết, những công trình mang dấu ấn của CONINCO trải dài khắp cả nước với đa dạng lĩnh vực và quy mô. Ông có thể chia sẻ về những thành tựu, công trình của CONINCO mà ông tâm đắc nhất?
Trong hành trình phát triển, để trở thành thương hiệu uy tín như ngày nay, CONINCO đã vượt qua nhiều thăng trầm, biến động của nền kinh tế. Mỗi giai đoạn phát triển, thương hiệu CONINCO được ghi dấu trong rất nhiều dự án, từ các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, năng lượng, trụ sở các bộ, ngành, đến các bệnh viện, các công trình giáo dục, công trình hàng không, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài…
Tất cả dự án CONINCO thực hiện đều là tâm huyết, là sự nỗ lực của lãnh đạo và đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư, cán bộ của Công ty. Đặc biệt, sự thành công của các dự án trọng điểm quốc gia gồm: Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (2002), Trung tâm Hội nghị quốc gia (2004); Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới (2010) và trụ sở các bộ, ngành… giúp nâng cao uy tín của CONINCO đối với khách hàng, đối tác.
Điểm nhấn đáng tự hào của tập thể CONINCO là việc xây dựng thành công tòa nhà trụ sở Công ty tại số 4 - Tôn Thất Tùng (Đống Đa, Hà Nội) và khai trương nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Công ty (năm 2019).
Hiện CONINCO đang tham gia tư vấn nhiều hạng mục quan trọng của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông… Các kỹ sư, kiến trúc sư CONINCO vẫn tiếp tục hành trình dùng bàn tay, khối óc, lòng yêu nghề, sự chuyên nghiệp, tận tâm của mình, kiến tạo nên những công trình quy mô và đẳng cấp.
Là vị thuyền trưởng chèo lái con tàu CONINCO, ông đã ghi dấu ấn đậm nét về chỉ đạo xây dựng mô hình quản trị, định hướng chiến lược và phương thức quản lý của mình tại Công ty. Ông có thể chia sẻ cơ duyên và hành trình gắn bó của ông với CONINCO? Nhìn lại chặng đường đã qua, điều gì khiến ông còn trăn trở và đâu là mối quan tâm cũng như chiến lược phát triển của CONINCO trong thời gian tới?
Từ những ngày đầu mới ra trường (năm 1983), tôi may mắn được GS. Đỗ Quốc Sam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước, lựa chọn và giới thiệu về Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước, làm việc tại Viện Cơ giới hóa và Công nghệ xây dựng, sau này là CONINCO. Đến nay, tôi đã có 41 năm gắn bó với CONINCO, đồng hành, chứng kiến từng giai đoạn phát triển của CONINCO trong suốt chặng đường 45 năm. Tôi nhận thấy, CONINCO lớn mạnh được như ngày hôm nay là nhờ ý chí, nghị lực của nhiều thế hệ lãnh đạo công ty, cùng toàn thể hơn 1.000 cán bộ, nhân viên.
Tôi nhận thấy rằng, muốn làm được nhiều, chúng ta phải đoàn kết, đi cùng nhau; muốn làm việc lớn thì phải có nhiều kỹ sư tư vấn trong tay. Vì vậy, mối quan tâm lớn nhất của tôi là duy trì và phát triển nguồn nhân lực đa ngành nghề phong phú, giữ gìn các chuyên gia nhiều kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc về ngành nghề, quan tâm tới người lao động…
Với quan điểm “con người là tài sản số một của công ty”, từ ngày đầu thành lập đến nay và trong tương lai, chúng tôi luôn lấy phát triển nguồn nhân lực là trọng tâm. Những con người CONINCO luôn “làm việc cụ thể, tư duy toàn cầu” để bắt kịp với xu hướng của thời đại, mang tới lợi ích cho khách hàng, đồng hành với sự phát triển của đất nước và vươn ra thế giới.
Xin cảm ơn ông, chúc Công ty CONINCO ngày càng phát triển và thịnh vượng!