Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) từng là doanh nghiệp dẫn đầu ngành xây dựng dân dụng trong hơn một thập kỷ qua, tuy nhiên kể từ giai đoạn 2019 - 2020, họ đã chịu tác động bởi cuộc tái cấu trúc, thay đổi cơ cấu nhân sự cấp cao.
Trong bản báo cáo của HĐQT Coteccons tại Đại hội thường niên năm 2022 vào ngày 25/4 tới đề cập đến “năm 2019, ban lãnh đạo cũ do xung đột lợi ích đã lần lượt đẩy các dự án sang công ty có liên quan và tiếp theo đó, năm 2020 Coteccons gần như không thể kí được bất kỳ một dự án mới nào”.
Việc tái cấu trúc xảy ra trong thời điểm quý IV/2020 khiến nhân sự tại công ty biến động mạnh.
HĐQT Coteccons cho biết, một số nhân sự bị lôi kéo bởi những công ty đối thủ và những nhân sự không còn phù hợp với công ty ra đi cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án.
Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons. |
Khó khăn chồng chất khó khăn, những hệ lụy do dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh của Coteccons và làm kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sụt giảm.
Hàng loạt những công trường trọng điểm của Coteccons ở hai thành phố lớn là TP.HCM, TP. Hà Nội cùng một số tỉnh thành khác đều phải đóng cửa trong suốt 4 tháng giãn cách xã hội, kéo theo những khoản chi phí trích lập dự phòng liên tiếp tăng vọt.
Lý do khiến chi phí vận hành tăng cao bởi trong thời gian giãn cách, doanh nghiệp này không thực hiện cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương của người lao động.
Bên cạnh đó, Coteccons còn phải gánh thêm các khoản chi phí cho biện pháp phòng chống Covid-19, hỗ trợ lực lượng lao động, nhà thầu phụ, duy trì tổ đội, thiết bị...
Mảng xây dựng liên tiếp gặp khó khi cũng trong 2021, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (tăng 4% so với 2020), giá thép từ đầu năm có thời điểm tăng giá 3 lần, giá xi măng, giá cát xây dựng cũng lần lượt leo thang ảnh hưởng rất lớn tới giá thành xây dựng.
"Tàn dư tại một số dự án cũ, chủ đầu tư chậm trễ trong việc thanh toán công nợ (lên đến hàng trăm tỷ đồng) hoặc không đồng ý thanh toán chi phí do pháp lý và điều khoản hợp đồng chưa rõ ràng cũng trực tiếp làm suy giảm “sức khỏe” dòng tiền của công ty", theo báo cáo của HĐQT Coteccons do Chủ tịch Bolat Duisenov ký vào ngày 4/4.
Người lao động làm việc tại công trường xây dựng của Coteccons (Nguồn: CTD). |
Năm ngoái, Coteccons không đạt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua khi doanh thu chỉ đạt 9.077 tỷ đồng và lãi ròng 24 tỷ đồng (hoàn thành lần lượt 52% và 7% kế hoạch năm).
Mức cổ tức năm nay dự kiến là 0 và lợi nhuận còn lại sau khi phân phối ở mức 315,3 tỷ đồng.
Theo chiến lược phát triển, Tập đoàn này hướng đến mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD trong giai đoạn 2021- 2025 và mỗi công trình, toà nhà do Coteccons xây dựng sẽ tồn tại từ 50-100 năm như slogan của Tập đoàn này là “Building Futures”.
Hai mục tiêu chính trong năm nay của Coteccons bao gồm nâng chất lượng hệ thống quản trị và giữ chân nhân tài.
Vì vậy, công ty này lên phương án phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên từ nguồn cổ phiếu quỹ với năm nay là đề xuất phát hành 554.785 cổ phiếu quỹ và năm 2023 là 792.550 cổ phiếu quỹ, với giá 10.000 đồng/cp.
Coteccons đặt mục tiêu doanh thu thuần năm nay tăng 165% so với kết quả năm vừa qua, đạt khoảng 15.000 tỷ đồng trong khi lãi ròng lại giảm xuống mức 20 tỷ đồng.
Một trong những nội dung HĐQT Coteccons sẽ trình tại Đại hội sắp tới liên quan đến việc giảm vốn điều lệ.
Trên cơ sở quy định pháp luật về việc Công ty khi thực hiện việc mua lại cổ phiếu của người lao động (ESOP) phải thực hiện giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị tính theo mệnh giá số cổ phiếu được công ty mua lại.
Theo đó, vốn điều lệ công ty này sẽ giảm từ mức hơn 792,5 tỷ đồng về mức 788,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, Coteccons dự tính chuyển đổi năm tài chính tính từ ngày 1/1 đến 31/12 hàng năm sang việc tính ngày 1/7 đến ngày 30/6 năm sau đó.
Năm tài chính đầu tiên áp dụng sau khi được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 phê duyệt chuyển đổi bắt đầu từ ngày 1/1/2023 và ngày kết thúc vào ngày 30/6/2023 (6 tháng).