Mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp ICT
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, bên cạnh những thách thức, đại dịch Covid-19 cũng mang tới những cơ hội cho Việt Nam.Covid-19 là cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia và cũng là “cú huých" trăm năm để chuyển đổi số. Do vậy, Việt Nam phải làm chủ việc chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực.
Khát vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số chính là sự xuất hiện của các nền tảng học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, nền tảng báo điện tử, nền tảng an toàn an ninh mạng, nền tảng về điện toán đám mây,...
Nước ta có nhiều doanh nghiệp viễn thông và CNTT mạnh. Về gia công phần mềm, Việt Nam hiện đang đứng thứ 6 trên thế giới. Đây là lúc cần phải tận dụng những doanh nghiệp này để đưa đất nước bứt phá đi lên.
Việt Nam hiện có 100 triệu dân, đứng thứ 12 trên thế giới. Dân số chính là thị trường. Đại dịch Covid-19 giúp nhìn thấy rõ tầm quan trọng của thị trường nội địa, khi mà các doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn trong xuất khẩu. Do đó, cần phải coi dân số là tài nguyên lớn nhất của Việt Nam để từ đó phát triển thị trường trong nước.
Mảng thiết bị y tế là thị trường rất lớn và phần nhiều dựa trên công nghệ điện tử. Covid-19 là cơ hội để các doanh nghiệp ICT có thể chuyển sang nghiên cứu và sản xuất các thiết bị phục vụ ngành y.
Sự phát triển mạnh mẽ của sách và nội dung số cũng sẽ tạo ra cơ hội cho ngành Thông tin và truyền thông. Để phát triển nội dung số, các nhà mạng phải điều chỉnh tỷ lệ ăn chia với các doanh nghiệp tạo ra nội dung số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, sau đại dịch Covid-19, sự chuyển dịch đầu tư toàn cầu sẽ xảy ra. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có sự phân tán từ Trung Quốc sang các quốc gia khác. Việt Nam sẽ đón các làn sóng chuyển dịch này với ưu tiên là các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực R&D.
Từ đại dịch lần này, mô hình 2 bàn tay là thị trường tự do đi với nhà nước mạnh cũng được khẳng định. Đây có thể là hình mẫu cho các tổ chức, không chỉ với cơ quan nhà nước mà còn cả với các doanh nghiệp.
Hội nghị Hội nghị giao ban quản lý nhà nước 4 tháng đầu năm 2020 do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì trực tuyến. Ảnh: Mạnh Hưng. |
Covid-19 là cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia
Ngay trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông đã huy động 16 doanh nghiệp CNTT Việt Nam với tổng cộng 1.000 kỹ sư chuyên môn để tạo ra 22 sản phẩm phần mềm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, có những sản phẩm phần mềm được tạo ra với thời gian ngắn kỷ lục, tính bằng giờ.
Nhiều phần mềm Việt Nam đã theo kịp thế giới trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, đối với việc truy vết những người đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh và giám sát cách ly, Việt Nam đã có những công cụ hiệu quả nhất, từ việc ứng dụng GPS và hạ tầng viễn thông để giám sát cách lý, sử dụng Bluetooth để truy vết tiếp xúc gần ..
“Lĩnh vực công nghệ và báo chí tuyên truyền qua đại dịch Covid-19 đã có đóng góp rất lớn để Việt Nam kiểm soát được dịch. Khi nền kinh tế tái khởi động, toàn dân ra sức phục hồi kinh tế thì ngành Thông tin và Truyền thông cũng phải có đóng góp lớn để công cuộc này thành công, đạt mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước 4 tháng đầu năm 2020 ngày 11/5/2020.
Bộ trưởng đánh giá: "Việt Nam đã có nhiều phần mềm chống dịch Covid-19 như phần mềm khai báo y tế tại cửa khẩu, phần mềm khai báo y tế tự nguyện NCOVI, phần mềm phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, phần mềm dự báo dịch bệnh, hệ thống báo cáo phục vụ ban chỉ đạo... Tất cả các sản phẩm này đều do Việt Nam tự phát triển. Một số phần mềm được chia sẻ quốc tế, lấy ý kiến cộng đồng mã nguồn mở. Việt Nam sẽ thúc đẩy sự mạnh mẽ sự phát triển của phần mềm mã nguồn mở. Tháng 8/2020, Việt Nam sẽ tổ chức đại hội mã nguồn mở lần đầu tiên. Bộ Thông tin và Truyền thôngcũng sẽ xây dựng chiến lược cho mã nguồn mở.
Theo Bộ trưởng, đại dịch Covid-19 là cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia, nên tất cả các lĩnh vực của ngành Thông tin và Truyền thông phải bứt phá vươn lên, vì đây là ngành dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.
Việt Nam phải làm chủ việc chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực. Do thị trường Việt Nam đủ lớn, đây chính là cơ hội để Make in Việt Nam. Mỗi tuần, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức ra mắt các nền tảng và ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực. Các doanh nghiệp Việt Nam phải đẩy nhanh việc phát triển, làm chủ các nền tảng số. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cầm nhịp công cuộc chuyển đổi này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, chúng ta không thể để toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế số Việt Nam bị đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài, bởi các công ty nước ngoài. Chuyển đổi số mà không có nền tảng Việt Nam thì có khi lại mang tới sự nguy hiểm. Do đó, việc làm chủ các nền tảng chuyển đổi số Việt Nam được coi là yếu tố quan trọng nhất.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ chương trình mỗi người Việt Nam một máy điện thoại thông minh và mỗi hộ dân Việt Nam một đường truyền Internet tốc độ cao. Tháng 6 này, thiết bị 5G Việt Nam được triển khai thử nghiệm trên mạng lưới. Tháng 10/2020 Việt Nam sẽ thương mại hoá 5G bằng thiết bị Việt Nam.
Đối với dịch vụ chuyển tiền và thanh toán qua tài khoản di động (Mobile Money), chậm nhất đến tháng 6/2020 sẽ được triển khai. Lúc này, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ đề án và cơ sở vật chất để triển khai nhanh khi có giấy phép.
Bộ mã bưu chính Vpostcode sẽ cho phép chuyển phát chính xác đến từng hộ gia đình Việt Nam. Đây là bước phát triển đột phá, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu.
Bộ Thông tin và Truyền thôngyêu cầu tất cả các tổ chức có hệ thống CNTT đều phải xây dựng hệ thống bảo vệ 4 lớp. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm an toàn an ninh mạng Việt Nam. Mục tiêu là Việt Nam sớm làm chủ hệ sinh thái an toàn an ninh mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung đưa quản lý nhà nước lên môi trường online. Đây là sự thay đổi phương thức quản trị căn bản, tránh tiếp xúc doanh nghiệp, giảm thời gian, giảm phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân.