Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC). Ảnh chụp website ICBC: ĐT |
Cả 5 ngân hàng lớn này, gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng Trung Quốc (BoC), Ngân hàng Truyền thông (BoCom), vừa công bố báo cáo tài chính mới nhất.
Theo đó, lợi nhuận của 5 “ông lớn” ngân hàng Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020 đều giảm tối thiểu 10% so với cùng kỳ năm ngoái do trích lập dự phòng nhiều hơn thường lệ để bao nợ xấu tăng cao trong những tháng tới - một động thái tương tự với nhiều ngân hàng lớn trên thế giới. Cụ thể, lợi nhuận của 5 ngân hàng trên trong nửa đầu năm 2020 giảm tổng cộng 67,7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 9,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
“Các ngân hàng trên được yêu cầu thực hiện ‘nhiệm vụ quốc gia’. Họ phải hỗ trợ nền kinh tế bằng cách hy sinh sức mạnh của đơn vị”, Jason Tan, nhà phân tích của Công ty phân tích tài chính CreditSights cho biết.
Các ngân hàng trên của Trung Quốc được xếp vào nhóm các ngân hàng lớn nhất thế giới về mặt tài sản, nhưng nhận lệnh của chính phủ Trung Quốc phải giảm sốc cho nền kinh tế, cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trước tác động của đại dịch Covid-19. Chính quyền Bắc Kinh được cho là đã yêu cầu các tổ chức tài chính hy sinh 1.500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 219 tỷ USD) lợi nhuận trong năm 2020 để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chương trình cho vay lãi suất thấp hơn và hoãn nợ.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Trung Quốc ước tăng 1% trong năm 2020 do các biện pháp chống dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế toàn cầu. Đây có thể là mức tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc trong 40 năm qua.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên bị tác động bởi dịch Covid-19, nhưng quốc gia này đang cho thấy những tín hiệu tích cực về hồi phục kinh tế. Hiện chưa có đánh giá cụ thể về tác động của suy thoái kinh tế lên các ngân hàng Trung Quốc.
Chuyên gia Jason Tan cho rằng các ngân hàng lớn của Trung Quốc chưa phải đối mặt với áp lực chất lượng tài sản do việc thanh toán các khoản nợ và trả lãi vẫn đang được hoãn, giãn. Jason Tan cảnh báo, các ngân hàng Trung Quốc sẽ thấm đòn suy thoái kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021 hoặc nửa cuối năm này nếu các biện pháp hoãn, giãn nợ và trả lãi được gỡ bỏ trong tháng 3/2021.
Phân tích kết quả kinh doanh mới nhất của các ngân hàng Trung Quốc, Tập đoàn đầu tư Morgan Stanley (Mỹ) xác định, các ngân hàng quy mô trung bình có lợi nhuận hoạt động tốt hơn những đối thủ lớn, trước khi trích lập dự phòng để bao nợ xấu.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết, các khoản trích lập dự phòng của những ngân hàng quy mô trung bình ở Trung Quốc trong quý II tăng trong khoảng từ 8-27% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức trích lập dự phòng của 7 ngân hàng lớn nhất nước này (từ -2% đến +6%).
Còn theo các chuyên gia phân tích của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Jefferies (Mỹ), các ngân hàng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ cắt giảm cổ tức năm 2020 sau khi tăng trích lập dự phòng. Nếu lợi nhuận của các ngân hàng này hồi phục trong nửa cuối năm 2020, cổ tức có thể trở lại mức bình thường trong năm 2021.
Cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc đã giảm sâu từ đầu năm đến nay. Theo Công ty phân tích dữ liệu Refinitiv, chỉ số FTSE China A 600 Banks - chỉ số đo lường sức khỏe cổ phiếu các ngân hàng lớn và trung bình niêm yết tại thị trường Trung Quốc đại lục - “bay hơi” 8,9% kể từ đầu năm đến nay. Trái lại trong kỳ chỉ số FTSE China A 600 vọt tăng 17,9%.