Thời sự
CPH doanh nghiệp nhà nước: Không có khả năng hoàn thành thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020
Mạnh Bôn - 13/12/2019 09:39
Năm 2019 chỉ có 9 doanh nghiệp được cổ phần hóa, 13 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn. Tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn không đạt kế hoạch đặt ra, giảm mạnh so với các năm trước. Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, chắc chắn, giai đoạn 2016 - 2020 không đạt mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính).

Không phải năm nay, mà tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn có xu hướng “thoái trào” từ nhiều năm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này năm nay chắc cũng không có gì mới?

Nguyên nhân chính vẫn là một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Ngoài ra, quá trình cổ phần hóa cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước khi chuyển đổi sở hữu làm kéo dài thời gian thực hiện. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND cấp tỉnh thực hiện chậm, kéo dài hơn so với quy định, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Mặc dù cuối năm 2020 mới kết thúc kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020 và thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020, nhưng với tình hình hiện nay, có thể tiên lượng chắc chắn sẽ không hoàn thành mục tiêu, thưa ông?

Trong năm 2019 có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó chỉ có 3 đơn vị thuộc Danh mục Doanh nghiệp cổ phần hóa theo Công văn 991/TTg-ĐMDN và Quyết định 26/2019/QĐ-TTg. Từ năm 2016 tới nay, mới có 168 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó chỉ có 36 đơn vị thuộc Danh mục Doanh nghiệp cổ phần hóa theo Công văn 991/TTg-ĐMDN và Quyết định 26/2019/QĐ-TTg, tức là chỉ đạt 28% kế hoạch.

Với tiến độ cổ phần hóa như những năm vừa qua, phải khẳng định ngay rằng, việc hoàn thành kế hoạch năm 2020 (92 doanh nghiệp) là điều hầu như không thể. Nhiều đơn vị chắc chắn không hoàn thành được kế hoạch vì khối lượng cổ phần hóa năm 2020 còn rất nhiều, như Hà Nội, để hoàn thành kế hoạch thì năm 2020 phải cổ phần hóa 13 doanh nghiệp, trong đó có 4 tổng công ty, chiếm 14% tổng số doanh nghiệp phải cổ phần hóa; TP.HCM phải cổ phần hóa 38 doanh nghiệp, trong đó có 11 tổng công ty, chiếm 40% tổng số doanh nghiệp; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải cổ phần hóa 3 tập đoàn và 3 tổng công ty; Bộ Công thương phải cổ phần hóa 3 tổng công ty; Bộ Xây dựng phải cổ phần hóa 2 tổng công ty.

Tương tự, hầu như không có khả năng hoàn thành kế hoạch thoái vốn trong giai đoạn 2017 - 2020 (60.000 tỷ đồng) theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, vì năm 2019 chỉ thoái được 896 tỷ đồng tại 13 doanh nghiệp, nên lũy kế từ năm 2017 đến nay mới thoái được 4.704 tỷ đồng vốn nhà nước tại 92 doanh nghiệp, tức là mới đạt 7,8% kế hoạch. Năm 2020, nhiều đơn vị phải thoái vốn với khối lượng rất lớn, như Bộ Công thương, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng, TP. Hà Nội. Với tiến độ thoái vốn như thời gian vừa qua, có thể khẳng định, nếu không có đột biến, đột phá, thì chắc chắn không thể hoàn thành tiến độ thoái vốn theo Quyết định 1232/QĐ-TTg.

36/168 doanh nghiệp cổ phần hóa từ năm 2016 đến nay thuộc Danh mục Doanh nghiệp cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt, tức là có 132 doanh nghiệp không thuộc Danh mục, không nằm trong kế hoạch đã được cổ phần hóa. Thưa ông, điều này có thể hiểu, Danh mục cổ phần hóa không sát thực tế?

132 doanh nghiệp nằm ngoài Danh mục đã được cổ phần hóa trong thời gian vừa qua đều là doanh nghiệp quy mô nhỏ, lĩnh vực hoạt động không quá rộng, cả về ngành nghề kinh doanh lẫn địa bàn, tình hình sản xuất - kinh doanh, tài chính, nợ nần… không quá phức tạp. Còn những doanh nghiệp nằm trong Danh mục hầu hết có quy mô lớn, hoạt động nhiều ngành nghề, nhiều địa bàn, tài sản lớn, quản lý và sử dụng nhiều diện tích đất đai ở nhiều địa bàn khác nhau, nên tiến độ cổ phần hóa chậm. Đây là nguyên nhân khách quan.

Còn nguyên nhân chủ quan là khi rà soát, lên danh sách đơn vị cổ phần hóa để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nghĩ đơn giản cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn cũng như quy mô nhỏ, chỉ cần “quyết tâm chính trị” là đủ, nên chưa có bất cứ sự chuẩn bị gì vẫn lập danh sách trình Thủ tướng, mà không lường trước được những khó khăn, vướng mắc phát sinh khi cổ phần hóa doanh nghiệp quy mô lớn.

Trong khi đó, thời gian vừa qua, hàng loạt chính sách, cơ chế được ban hành đưa ra rất nhiều quy định chặt chẽ để chống thất thoát vốn, tài sản nhà nước khi cổ phần hóa. Doanh nghiệp cổ phần hóa có quy mô lớn, phức tạp, phát sinh nhiều vướng mắc, trong khi cơ chế chặt chẽ hơn, nên những người có trách nhiệm cổ phần hóa của các bộ, ngành, địa phương và ban lãnh đạo doanh nghiệp có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, dẫn đến không dám mạnh dạn triển khai.

E ngại, sợ trách nhiệm khiến tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn chậm dần, thậm chí dừng lại cả một thời gian dài, nhưng không thấy ai bị xử lý trách nhiệm, trong khi Chỉ thị 01/CT-TTg (ngày 6/1/2019) yêu cầu phải xử lý, thưa ông?

Trước thực tế cổ phần hóa, thoái vốn quá chậm, đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn. Chỉ thị yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, quyết toán, thoái vốn, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thủ tướng yêu cầu có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn tình trạng không chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành các quy định về cổ phần hóa, thoái vốn.

Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, Bộ Tài chính đã công bố công khai danh tính, địa chỉ doanh nghiệp chậm cổ phần hóa, thoái vốn, đăng ký/niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, quyết toán sau khi chuyển đổi sở hữu. Căn cứ vào danh sách này, các bộ, ngành, địa phương là cơ quan chủ quản doanh nghiệp xử lý người có trách nhiệm dẫn đến sự chậm trễ, không chấp hành các quy định về cổ phần hóa, thoái vốn, niêm yết.

Với danh sách do Bộ Tài chính công bố, Bộ Nội vụ xử lý đối với cá nhân không chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý nếu vượt thẩm quyền như xử lý chủ tịch UBND cấp tỉnh; bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty. Còn xử lý thế nào không phải là trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Tài chính.

Danh tính doanh nghiệp cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt, trong trường hợp không cổ phần hóa được trong giai đoạn này, thì giai đoạn tới vẫn phải làm, không có đường lùi. Thưa ông, phải xử lý thế nào đối với những doanh nghiệp quy mô lớn?

Tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tổ chức hồi trung tuần tháng 10 vừa qua, nội dung này cũng được đại diện các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty bàn đến. Chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải rà soát lại Danh mục cổ phần hóa, điều chỉnh lại tiến độ xem tính khả thi thế nào, vì doanh nghiệp phải cổ phần hóa giai đoạn này đều là tập đoàn, tổng công ty như Agribank, VNPT, Mobifone, Vinacomin, các tổng công ty phát điện…, tiến trình thực hiện không thể làm theo cách của các doanh nghiệp nhỏ trước đây, nên khâu chuẩn bị phải mất 1-2 năm, thậm chí nhiều hơn.

Trong thời gian chuẩn bị, đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp phải tổ chức kiểm kê, đánh giá lại tài sản, đất đai, công nợ… Chỉ lập phương án cổ phần hóa khi tất cả các vấn đề liên quan, như tài sản, đất đai, công nợ, đặc biệt là đất đai đã rõ ràng.

Với cổ phần hóa ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp quy mô lớn, thì quyết tâm chính trị chỉ là một phần, còn để làm được, phải có tính khả thi, không thể vì quyết tâm chính trị mà lập danh sách doanh nghiệp cổ phần hóa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong khi chưa có sự chuẩn bị.

Tin liên quan
Tin khác