. |
Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, CPI tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất của CPI các tháng 11 trong 9 năm gần đây.
“Do dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung thịt lợn giảm, theo đó, giá thịt lợn và thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao. Đây là nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 11/2019 tăng mạnh”, Tổng cục Thống kê lý giải.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, do dịch tả lợn châu Phi, tính đến ngày 15/11/2019, tổng số lợn phải tiêu hủy là 5.851,4 nghìn con, với tổng trọng lượng 335,7 nghìn tấn. Vì lẽ đó, sản lượng lợn hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 2,5 triệu tấn, giảm 9%.
Nguồn cung giảm làm cho giá thịt lợn tháng 11/2019 tăng 18,51% so với tháng trước, khiến CPI chung tăng 0,78%.
Ngoài ra, việc từ đầu tháng 11/2019, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 3.500 đồng/bình 12kg, tăng 0,99% so với tháng 10/2019, cũng tác động tới mức tăng CPI của tháng 11.
Bởi thế, CPI tháng 11 đã tăng 0,96% so với tháng trước; tăng 3,78% so với tháng 12/2018; và tăng 3,52% so với cùng kỳ năm trước.
Còn nếu tính bình quân 11 tháng năm 2019, CPI tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng bình quân 11 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Tuy vậy, mức tăng 2,57% cũng đã khá cao, ảnh hưởng mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm. Trước đó, báo cáo Quốc hội, Chính phủ dự báo, năm nay, lạm phát sẽ ở mức dưới 3%.
Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường tháng 11, có thể thấy, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá.
Đó là Hàng ăn và dịch vụ ăn uống - tăng 2,74%; Đồ uống và thuốc lá - tăng 0,2%; Hàng hóa và dịch vụ khác - tăng 0,16%; Nhà ở và vật liệu xây dựng - tăng 0,13%; May mặc, mũ nón và giầy dép - tăng 0,12%; Thiết bị và đồ dùng gia đình - tăng 0,1%; Thuốc và dịch vụ y tế - tăng 0,04%; Giáo dục - tăng 0,04%; Văn hóa, giải trí và du lịch - tăng 0,03%.
Ngoài ra, có 2 nhóm hàng giảm giá, là Giao thông - giảm 0,73%; và Bưu chính - Viễn thông - giảm 0,09%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 các năm giai đoạn 2015 - 2019
Đơn vị tính: %
Năm 2015 | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | |
CPI tháng 11 năm báo cáo so với tháng trước | 0,07 | 0,48 | 0,13 | -0,29 | 0,96 |
CPI bình quân 11 tháng so với cùng kỳ năm trước | 0,64 | 2,47 | 3,61 | 3,59 | 2,57 |
CPI tháng 11 năm báo cáo so với tháng 12 năm trước | 0,58 | 4,49 | 2,38 | 3,24 | 3,78 |
CPI tháng 11 năm báo cáo so với cùng kỳ năm trước | 0,34 | 4,51 | 2,62 | 3,46 | 3,52 |
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 11/2019 tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 2,18% so với cùng kỳ. Bình quân 11 tháng, tăng 1,94% so với cùng kỳ.
Nhìn vào mức tăng bình quân của lạm phát cơ bản trong 11 tháng qua, có thể thấy, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục gây nên.
Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,82% đến 2,18%, bình quân 11 tháng lạm phát cơ bản ở mức 1,94%. Điều này cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.