Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư tăng nhẹ 0,18% so với tháng trước; tăng 2,09% so với tháng 12/2021 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước.
Việc giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng theo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất; dịch vụ giáo dục tăng trở lại tại một số địa phương sau thời gian miễn giảm học phí; giá ăn uống ngoài gia đình và dịch vụ du lịch tăng theo nhu cầu tiêu dùng, theo Tổng cục Thống kê, là những nguyên nhân chính làm CPI tháng Tư tăng.
Với mức tăng nhẹ này, bình quân 4 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,89% của 4 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 4 tháng đầu năm 2017-2020.
Cụ thể, tốc độ tăng CPI 4 tháng đầu năm 2017-2020 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: tăng 4,8%; tăng 2,8%; tăng 2,71%; tăng 4,9%.
Trong khi đó, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4/2022 tăng 2,64%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.
Nhận định về con số này, báo cáo Chính phủ trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng Tư, diễn ra vào ngày 29/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPI tháng 4/2022 chỉ tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất của tháng Tư trong giai đoạn 2017-2022.
Ngay cả mức tăng 2,1% của bình quân 4 tháng cũng là tương đối thấp so với cùng kỳ các năm 2018-2020.
“Chúng ta đã thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát lạm phát, bảo đảm nguồn cung, dự trữ xăng dầu, kịp thời điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng, góp phần giảm bớt áp lực tăng giá cho doanh nghiệp, người dân; ổn định thị trường điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Tuy vậy, cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá dầu, sự phục hồi của sức mua sản xuất, tiêu dùng trong nước, tác động dây chuyền đến giá cả nguyên vật liệu đầu vào, vật liệu xây dựng, chi phí vận tải, lương thực, thực phẩm có thể gây rủi ro tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPI tháng Tư đã tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp 2 lần so với cùng kỳ các năm 2018-2021.
“Rủi ro lạm phát tăng cao tạo áp lực lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô cả năm 2022, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”, Bộ Kế hoach và Đầu tư nhận định.
Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 4/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 0,97% so với cùng kỳ năm 2021.
Mức tăng này, theo Tổng cục Thống kê, là thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,1%), và điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu.
Trong khi đó, giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 4/2022 tăng 0,73% so với tháng trước; tăng 12,28% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 4 tháng đầu năm 2022 tăng 5,65%.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2022 tăng 0,07% so với tháng trước và giảm 0,64% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 4 tháng đầu năm 2022 giảm 0,66%.