Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, CPI tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, giảm 1,24% so với tháng 12/2019.
Việc Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cũng như sự chủ động điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương - tài chính; và việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất điều hành và thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động…, theo Tổng cục Thống kê, là những lý do chính khiến CPI tháng này giảm nhẹ so với tháng trước, và giảm 1,24% so với tháng 12/2019.
Tuy vậy, CPI tháng 5/2020 vẫn tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Và đặc biệt, nếu tính bình quân, thì 5 tháng đầu năm 2020, CPI vẫn tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất của CPI bình quân trong vòng 3 năm trở lại đây.
Hai năm 2018-2019, CPI bình quân 5 tháng tương ứng chỉ tăng 3,01% và 2,74%. Tuy vẫn thấp hơn mức tăng 4,9% của bình quân 4 tháng đầu năm, song rõ ràng, việc CPI bình quân 5 tháng, chỉ số được lấy để tính lạm phát của nền kinh tế, vẫn tăng 4,9% là điều rất đáng chú ý. Và điều này cho thấy, mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay vẫn là một thách thức.
Tuy vậy, liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế tài chính cho rằng, mặc dù CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2020 tăng 4,39% so với 5 tháng đầu năm 2019, nhưng vì lạm phát so với cùng kỳ năm trước chỉ ở mức 2,40%, nên lạm phát trung bình các tháng sau sẽ giảm dần. Và do đó, điều này sẽ góp phần giảm áp lực lên mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm nay của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đức Độ, có hai yếu tố sẽ ảnh hưởng tới CPI những tháng tới. Đó là giá xăng dầu và giá thịt lợn.
“Về tổng thể, nếu giá xăng dầu không tăng quá mạnh và giá thịt lợn giảm dần trong những tháng tới, thì mục tiêu lạm phát dưới 4% vẫn đạt được”, ông Nguyễn Đức Độ nói.
Ở một góc độ khác, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 2,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2020, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do các yếu tố phi tiền tệ như: giá lương thực, thực phẩm, giá một số dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 giai đoạn 2016 - 2020 (Đơn vị tính: %)
Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | |
CPI tháng 5 so với tháng trước | 0,54 | -0,53 | 0,55 | 0,49 | -0,03 |
CPI bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước | 1,58 | 4,47 | 3,01 | 2,74 | 4,39 |
CPI tháng 5 so tháng 12 năm trước | 1,88 | 0,37 | 1,61 | 1,50 | -1,24 |
CPI tháng 5 so cùng kỳ năm trước | 2,28 | 3,19 | 3,86 | 2,88 | 2,40 |