kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình và du lịch tăng cao làm cho giá các mặt hàng này tăng so với tháng trước |
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm 2018 tăng 0,55% so với tháng trước, tăng cao nhất trong 6 năm từ năm 2012 trở lại đây, tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,61% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân năm tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,01%.
So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 9 nhóm hàng tăng giá. Cụ thể, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 1,72%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,88%; nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 0,34%; Các nhóm hàng còn lại tăng nhẹ.
Nguyên nhân lý giải CPI tháng 5/2018 tăng đột biến là do giá thịt lợn tăng cao sau một thời gian dài thua lỗ nhiều hộ chăn nuôi phải ngừng nuôi. Hiện nay nguồn cung thịt lợn ra thị trường chủ yếu từ các công ty chăn nuôi có quy mô lớn. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng cao do giá nhập nguyên liệu thô như ngô, lúa mỳ, vitamin, khoáng chất tăng làm cho giá thịt lợn tăng 5,85% so với tháng trước, đóng góp làm tăng CPI chung 0,25%.
Cùng với đó, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình và du lịch tăng cao làm cho giá các mặt hàng này tăng hơn so với tháng trước. Bên cạnh đó, Giá xăng dầu điều chỉnh tăng 2 lần trong tháng vào ngày 8/5 và ngày 2/5 cũng đóng góp làm tăng CPI chung 0,16%.
Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,29% chủ yếu ở mặt hàng xi măng tăng trung bình khoảng 10.000 đồng/tấn do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng điện và nước tăng làm cho giá điện sinh hoạt tăng 0,95% và giá nước sinh hoạt tăng 0,52%.
Một nguyên nhân nữa làm tăng CPI là từ ngày 1/5 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 10.000đồng/bình 12kg, tăng 2,85% so với tháng 4/2017 do giá gas thế giới bình quân tháng 5/2018 công bố ở mức 502,5 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với tháng trước. Thời tiết thay đổi nên nhu cầu mua sắm các thiết bị làm mát tăng cao.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, còn có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 5/2018. Cụ thể, giá một số loại quả tươi, quả chế biến giảm như giá xoài giảm 1,16%; giá quả có múi giảm 0,03%; giá các loại quả tươi khác giảm 0,08% do nguồn cung dồi dào. Giá nhà ở thuê giảm 0,25% do nhu cầu thuê nhà của sinh viên vào dịp nghỉ hè giảm.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, đồng USD tăng mạnh ở những ngày đầu tháng sau đó giảm nhanh chóng do chỉ số CPI tháng 4/2018 so tháng 3/2018 của Mỹ chỉ tăng 0,2%, không tăng như kỳ vọng ở mức 0,3% nên giới đầu tư lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ chưa tăng lãi suất cơ bản vào tháng 6 tới.
Trong nước, với lượng dự trữ ngoại tệ dồi dào cùng với cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nên giá Đô la Mỹ trong nước có xu hướng giảm nhẹ, giá bình quân ở thị trường tự do tháng này quanh mức 22.790 VND/USD.
Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 5 năm 2018 tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 1,37% so với cùng kỳ; 5 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 tăng 1,34%.
Tháng 5, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ ở mức 1,34% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.