Với mức tăng 2,35%, CPI tháng 6 năm nay tăng rất cao so với năm 2015 và 2014 (tăng tương ứng 0,55% và 1,38%). Theo bà, đã đến lúc phải sử dụng mệnh lệnh hành chính để can thiệp?
Trước năm 2011, giá nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt là giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng, nhưng do CPI tăng mạnh, nên nhiều lần, chúng ta đã sử dụng mệnh lệnh hành chính và cả biện pháp kinh tế để không tăng, hoặc tăng không sát giá thị trường các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá như học phí, viện phí, thậm chí cả giá điện, giá bán lẻ xăng dầu.
Đây là biện pháp cố gắng chống lạm phát nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và giảm bớt khó khăn cho người dân. Nhưng giá nguyên, nhiên, vật liệu, xăng dầu trên thế giới tiếp tục tăng mạnh, buộc phải điều chỉnh giá các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Chỉ tiếc là, việc điều chỉnh được thực hiện đồng loạt và trong thời gian ngắn, không có lộ trình và cũng không có dự báo về tác động tới CPI. Kết quả là, năm 2011, CPI tăng 20,82% so với năm 2010.
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) |
Khi lạm phát quá cao sẽ tác động xấu tới ổn định kinh tế vĩ mô, tới sản xuất - kinh doanh và thu nhập thực tế của người dân. Rút kinh nghiệm từ bài học đó, từ năm 2012, Chính phủ đã chuyển từ chống lạm phát sang kiểm soát lạm phát.
Vậy kiểm soát lạm phát trong 6 tháng cuối năm cụ thể thế nào, thưa bà?
Về vấn đề này, trong Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải có các kịch bản điều hành giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu mà Quốc hội đã thông qua (dưới 5%). Quan điểm của Thủ tướng là trong điều hành giá, phải tôn trọng nguyên tắc thị trường, không sử dụng mệnh lệnh hành chính để kiểm soát giá, đồng thời làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để tránh biến động giá do yếu tố tâm lý.
Thưa bà, các kịch bản điều hành giá được hiểu thế nào?
Tháng 10/2015, Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy giá dịch vụ y tế. Theo đó, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng vào ngày 1/3/2016 và ngày 1/7/2016. Trong đợt tăng giá dịch vụ y tế hồi tháng 3/2016, giá dịch vụ y tế đã tăng 38,62% so với tháng 2/2016 và tăng 39,33% so với tháng 12/2015, tác động đáng kể và tốc độ tăng CPI chung của tháng 3 cũng như quý I/2016.
Trước diễn biến đó, Bộ Y tế đã quyết định chia việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế làm nhiều đợt khác nhau, thay vì tăng đồng loạt trên cả nước vào tháng 7. Theo đó, tùy theo tình hình cụ thể của từng địa phương, giá dịch vụ y tế sẽ tăng vào tháng 8, tháng 10, tháng 11 và tháng 12.
Thực hiện Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí, từ tháng 12/2015 đến nay, một số địa phương đã điều chỉnh mức khung học phí, tức là việc tăng học phí không thực hiện đồng loạt trên cả nước vào năm học mới (tháng 9/2016), nên cũng giảm áp lực lên lạm phát.
Đối với giá xăng dầu, theo chỉ đạo của Thủ tướng là phải bám sát giá thị trường thế giới, kiểm soát chặt chẽ chi phí, sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá. Đối với các mặt hàng khác như lương thực, thực phẩm, tinh thần là bình ổn giá cả, không để tăng giá đột biến do thiếu hàng.
Phí giao thông đường bộ tăng liên tục, trạm thu phí giao thông đường bộ ngày càng dày đặc. Phí giao thông đường bộ tác động thế nào tới CPI?
Trong rổ hàng hóa, dịch vụ không tính phí giao thông đường bộ vào nhóm giao thông hay nhóm hàng hóa, dịch vụ khác. Mặc dù không tính trực tiếp vào CPI, nhưng phí giao thông đường bộ tác động tới CPI ở vòng sau vì giá cước vận chuyển, vận tải tăng khiến giá hàng hóa, dịch vụ tăng lên.
Chính vì vậy, ngoài việc yêu cầu không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016, không thành lập Quỹ bình ổn giá điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu không được tăng phí dự án giao thông BOT nhằm giảm áp lực lên lạm phát.