Thời sự
CPTPP nâng thương mại 2 chiều Việt Nam - Canada lên 8,9 tỷ USD
Thế Hải - 24/03/2021 10:26
Thương mại song phương Việt Nam - Canada đạt mức kỷ lục 8,9 tỷ USD trong năm 2020, tăng 12% so với năm trước và 37% sau hai năm thực thi Hiệp định CPTPP.
Dệt may là ngành hàng đã có sự thải thiện đáng kể về xuất khẩu sang Canada sau khi CPTPP có hiệu lực.

Thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Canada đã có sự tăng trưởng đáng kể nhờ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực thi từ tháng 1/2019.

Số liệu đưa ra tại Hội thảo "Quan hệ thương mại Việt Nam - Canada: Đánh giá 2 năm thực hiện CPTPP - hướng tới tương lai bền vững hậu Covid-19" do VCCI và Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tổ chức cho thấy, thương mại 2 nước đã được cải thiện đáng kể khi nhìn vào tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu. Năm 2020, thương mại 2 chiều ghi nhận 8,9 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2019 và tăng khoảng 37% so với năm 2018.. 

Bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam đánh giá, Hiệp định CPTPP đã cải thiện khả năng tiếp cận cho hoạt động thương mại và dịch vụ giữa Canada và Việt Nam, củng cố bộ quy tắc chung, giảm chi phí đối với thương mại và giúp cho hoạt động đầu tư dễ dự đoán hơn, nhờ đó giúp cải thiện lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm tại 2 thị trường Canada và Việt Nam.

"Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kể từ năm 2015. Việt Nam cũng là điểm đến của nhiều nông sản thực phẩm và hải sản xuất khẩu từ Canada như ngũ cốc, hạt có dầu, trái cây, thịt bò, thịt lợn và các sản phẩm từ sữa", Đại sứ Canada thông tin..

Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ 10 về GDP, thứ 2 về xuất khẩu và thứ 13 về nhập khẩu của thế giới năm 2019, Canada đã và đang trở thành một đối tác thương mại rất tiềm năng của Việt Nam ở thị trường châu Mỹ.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn tăng trưởng ấn tượng 13%, đạt gần 4,4 tỷ USD, cao gấp đôi so với tăng trưởng xuất khẩu chung của Việt Nam năm 2020 là 6,5%. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP cho hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam ghi nhận với Canada dù còn khiêm tốn nhưng vẫn vượt trội so với các đối tác còn lại trong CPTPP. Năm 2019, trong khi tỷ lệ tận dụng ưu đãi CPTPP chung của xuất khẩu Việt Nam chỉ đạt 1,67%, tỷ lệ này với Canada vẫn đạt 8%.

“Kết quả này có được là nhờ những nỗ lực vượt bậc của Chính phủ và doanh nghiệp hai bên trong thiết lập cơ chế, khai phá thị trường trong kết nối hợp tác kinh doanh giữa hai bên trong suốt hai năm qua”, TS.Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.

Những cam kết cắt giảm thuế khá nhanh của Canada, từ 17-18% xuống 0% trong vòng 3 năm sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng được dự báo tăng trưởng mạnh như: dệt may, giầy dép, đồ gỗ...

Đặc biệt, nhờ CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019 đã đưa Canada trở thành thị trường xuất khẩu tỷ USD mới nhất của ngành dệt may Việt Nam. Số liệu thống kê của Trademap thuộc Trung tâm thương mại thế giới (ITC), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam năm 2019 sang Canada lần đầu tiên đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2018. Kết quả này đã đưa Việt Nam vượt qua Campuchia để đứng thứ 3 về xuất khẩu hàng dệt may sang Canada (trước khi CPTPP có hiệu lực, thị phần xuất khẩu dệt may Việt Nam vào Canada đứng thứ 4 sau Trung Quốc, Bangladesh và Campuchia).

Với đồ gỗ, Việt Nam đang có lợi thế về giá và chất lượng đồ gỗ nội thất, hiện mới chiếm gần 4% thị phần nhập khẩu của Canada. Ngành gỗ Canada và Việt Nam có cơ hội hợp tác hai bên cùng có lợi khi doanh nghiệp Việt Nam có thể mua gỗ nguyên liệu của Canada và xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh ra nước ngoài.

Tin liên quan
Tin khác