Muốn đầu tư dự án tại Bình Dương
Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn CT Group trình bày, đề xuất các dự án mong muốn đầu tư vào Bình Dương như dự án về đào tạo và phổ cập kiểm kê khí nhà kính tự động, phổ cập tín chỉ carbon và giao dịch tín chỉ carbon; dự án xây dựng các khu công nghiệp sản xuất vi mạch bán dẫn; dự án xây dựng các khu đô thị theo hướng thông minh, ít phát thải dọc các tuyến đường Vành đai 3, 4, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành...
CT Group, một doanh nghiệp đa ngành với hơn 30 năm hoạt động. |
Theo đó, đại diện các công ty thành viên cũng mong muốn tỉnh Bình Dương có những ưu đãi về chính sách đất đai tại khu công viên khoa học - công nghệ; có kế hoạch đào tạo, chế độ thu hút nhân sự chất lượng cao để đáp ứng việc phát triển lĩnh vực công nghệ cao tại tỉnh.
Về phía lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND Võ Văn Minh cho biết Bình Dương đang chuyển đổi một số khu công nghiệp tại TP.Dĩ An để chuyển công năng thành khu công nghệ cao. Đây cũng là vị trí thuận lợi Tập đoàn CT group có thể phát triển những dự án.
Ông Minh, đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp với tập đoàn bàn bạc nội dung cụ thể để thực hiện các bước tiếp theo đối với những dự án khả thi; phân công Sở Xây dựng giới thiệu địa điểm phù hợp để CT group nghiên cứu phát triển các dự án đô thị.
Từng đề xuất làm cao tốc 10 tỷ USD
Đầu tháng 1/2024, Tập đoàn CT Group bất ngờ có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến TP.HCM - Cần Thơ theo phương thức PPP.
Theo nội dung đề xuất, CT Group sẽ đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ, đường đôi, khổ 1.435 mm theo phương thức PPP, chạy cả tàu khách và tàu hàng với tổng mức đầu tư khoảng 9,98 tỷ USD...
Trong văn bản đề xuất, ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn CT Group cho biết, nhận thấy việc triển khai xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ (gọi tắt là HC350) là hết sức cần thiết và cấp bách. Bởi TP.HCM - trung tâm kinh tế cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP. Cần Thơ, trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được kết nối chặt chế tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội cho toàn bộ khu vực miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt, tuyến đường sắt được tiếp nối lịch sử cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
CT Group dự kiến cùng với một số tập đoàn như Công ty TNHH Tập đoàn thiết kế đường sắt Trung Quốc (CRECG), Tổng công ty công trình quốc tế Tập đoàn xây dựng Điện lực Trung Quốc (Power China), Cục 2 Đường sắt Trung Quốc (China Railway No.2 Group), Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South) để hình thành một liên doanh đầu tư có tên là Liên doanh tàu điện tốc độ cao Đồng bằng sông Cửu Long (CMEX) để nhận gói hỗ trợ tài chính cho dự án từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như WB, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (China Construction Bank), Ngân hàng Quốc gia Trung Quốc (Bank of China), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
Theo đề xuất của CT Group, dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ là tuyến đường đôi, tổng chiều dài khoảng 174 km, bao gồm 12 ga.
Được biết, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được quy hoạch tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đây, tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho đã hoạt động từ năm 1885. Đến năm 1958, tuyến tàu dần bị thay thế bởi các tuyến đường bộ và phải dừng lại. Tuyến chưa bao giờ được được nối dài đến Cần Thơ.
Người thành lập và điều hành CT Group là ông Trần Kim Chung. Theo thông tin từ CT Group, vị doanh nhân sinh năm 1967 từng tốt nghiệp Tốt nghiệp Khoa Ngoại thương - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, đồng thời ông cũng học cả Đại học Havard, Mỹ.
Chủ tịch CT Group Trần Kim Chung. |
Ngày 29/6/1992, ông Trần Kim Chung thành lập Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn. Các sản phẩm khởi đầu như: hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, vật tư. Năm 1993, công ty đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ C&T, có nghĩa là “Challenge of the Twenty - first Century”. Cùng thời điểm đó, ông Chung thành lập thêm Công ty TNHH Him Lam.
Năm 1998, ông thành lập Công ty cổ phần Quốc tế C&T và nhiều công ty khác. Năm 2000, ông phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ các mặt hàng cao cấp phân phối khắp cả nước.
Đến năm 2006, ông Trần Kim Chung quyết định thành lập Tập đoàn C.T Group - đa ngành nghề - nhà phát triển đô thị toàn diện.
Theo thông tin từ CT Group, hiện CT Group có 62 công ty thành viên hiện diện tại 12 quốc gia, hoạt động đa lĩnh vực, chủ yếu tập trung vào 2 lĩnh vực là bất động sản và công nghệ.