Một trong những kết quả quan trọng của cuộc khảo sát do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa công bố, đó là tỷ lệ DN kinh doanh thua lỗ trong năm 2013 đã tăng 5 điểm % so với năm ngoái (25,6% so với 19,5%). Tuy nhiên, số DN được hỏi trả lời “có lãi” vẫn chiếm 60%.
| ||
Canon kinh doanh tốt tại Việt Nam nhờ tăng trưởng xuất khẩu tốt |
“Nghĩa là cứ ba DN Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam, thì một DN thua lỗ”, ông Atsusuke Kawada, Trưởng văn phòng đại diện JETRO tại Hà Nội cho biết.
60% DN làm ăn có lãi. Con số này cũng không nhiều khác biệt so với tỷ lệ khoảng 60-70% của các nước trong khu vực như Thái Lan (72,4%), Indonesia (64,8%), Trung Quốc (60,7%)…
Đó là một kết quả có thể coi là không tồi trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Con số càng đáng chú ý hơn, khi theo ông Kawada, có tới 32,8% DN phi chế xuất, tức là chỉ sản xuất, gia công trong nước, thua lỗ, trong khi tỷ lệ này ở các DN chế xuất là 19,4%.
Tỷ lệ DN làm ăn có lãi của DN chế xuất là 63,2%, trong khi phi chế xuất lả 54,7%.
“DN phi chế xuất hoạt động ít hiệu quả hơn có thể là do họ chủ yếu sản xuất hướng vào thị trường nội địa, trong khi tình hình kinh tế Việt Nam năm 2013 còn nhiều khó khăn, tiêu dùng thấp”, ông Kawada lý giải.
Thực tế năm 2013, không chỉ với DN Nhật Bản, mà cả với DN Việt Nam và các DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nói chung, DN nào có lợi thế thị trường xuất khẩu, DN đó thắng. Năm 2013, kinh tế Việt Nam tăng trưởng được 5,42% cũng một phần là nhờ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao, lên tới trên 15,4%, đạt 132 tỷ USD. Trong số này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có DN Nhật Bản đóng góp tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thực tế này khiến ông Kawada cho rằng, xu hướng thời gian tới, các DN Nhật Bản khi đầu tư sang Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục chọn gia công xuất khẩu làm một trong những lĩnh vực đầu tư chính.
“Hiện nay, các DN Nhật Bản xuất khẩu nhiều sang các nước trong khu vực, vì vậy, xu hướng các DN chế xuất đầu tư vào Việt Nam, coi Việt Nam là cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh”, ông Kawada nói.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với Báo Đầu tư cách đây chưa lâu, ông Nguyễn Phúc Hảo, Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, mục tiêu của nhà đầu tư Nhật Bản trong thời gian gần đây không còn nghiêng nhiều về gia công xuất khẩu, mà có khuynh hướng đầu tư để đáp ứng nhu cầu thị trường Việt Nam và thị trường ASEAN.
Tuy nhiên, thực tế, hiện tại “phần thắng” vẫn đang nghiêng về gia công xuất khẩu. “Các DN Nhật Bản không chỉ nhìn thấy ở Việt Nam lợi thế về nhân công giá rẻ, mà còn ở việc Việt Nam tới đây sẽ trở thành một thị trường xuất khẩu tiềm năng sang các nước ASEAN”, ông Kawada nói.
Kết quả khảo sát của JETRO cũng cho thấy, có tới 33,9% DN Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam được hỏi hiện đang gia công xuất khẩu là chính. Tỷ lệ này cao hơn khá nhiều so với con số 3,8% ở Thái Lan, 8,8% ở Indonesia, 7,8% ở Trung Quốc và 12,3% ở Malaysia. Điều này chứng tỏ, tỷ lệ DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam mà hướng đến thị trường nội địa vẫn chiếm tỷ lệ tương đối thấp.
Theo khảo sát của JETRO, thì các DN Nhật Bản sau khi sản xuất ở Việt Nam phần lớn xuất khẩu trở lại thị trường Nhật Bản, với khoảng 60% tỷ lệ xuất khẩu. Trong khi đó, ASEAN là thị trường lớn thứ hai, với 19,3%, đã tăng hơn so với tỷ lệ 18% của năm trước.
Nhật Bản và ASEAN là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của DN Nhật Bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, đáng tiếc, theo JETRO, tỷ lệ DN phát huy được lợi thế do các hiệp định EPA, FTA giữa Việt Nam - Nhật Bản và Nhật Bản - ASEAN vẫn ở mức khá thấp.
“Tỷ lệ này tuy có tăng mạnh so với năm trước (36,6% so với 33,5%), song cẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực”, ông Kawada thừa nhận.
Kết quả khảo sát của JETRO cho thấy, tỷ lệ DN phát huy được lợi thế của FTA/EPA ở Indonesia lên tới 60,6%, ở Malaysia là 49,3%, còn Thái Lan là 49,1%.
“Trước thực tế này, JETRO trong thời gian tới sẽ tổ chức nhiều hơn các cuộc hội thảo để giới thiệu tới DN về EPA/FTA, để họ hiểu và biết cách tận dụng hơn lợi thế này”, ông Kawada nói.
EPA là thỏa thuận song phương Việt Nam - Nhật Bản và đã được ký kết từ cuối năm 2008. Tham gia EPA, khoảng 92% hàng hóa sẽ được miễn thuế khi vào thị trường của mỗi bên trong vòng 10 năm. Hàng nông sản, may mặc và thủy sản của Việt Nam sẽ được miễn thuế khi vào thị trường Nhật. Trong khi đó, hàng công nghiệp, gồm cả phụ tùng ôtô và sản phẩm điện tử của nước này khi vào Việt Nam được miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu.
Đây là một lợi thế rất lớn để hai bên tăng cường thương mại song phương, không chỉ đối với DN Nhật Bản và cả DN Việt Nam. Vì thế, sẽ là đáng tiếc nếu các DN chưa tận dụng được lợi thế này để tăng cường xuất khẩu.
Nguyên Đức