. |
Cú đỡ từ thị trường nội địa
Từ một doanh nghiệp có nguồn thu chủ yếu là xuất khẩu đá tấm ra các thị trường quốc tế, lần đầu tiên sau nhiều năm hoạt động, thị trường nội địa mang về tới hơn 1/3 tổng doanh thu của CTCP Vicostone (VCS). Doanh thu trong nước nửa đầu năm 2020 đạt gần 975 tỷ đồng, tăng 48,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu giảm gần 20%, chỉ đạt 1.520 tỷ đồng.
Lực đỡ từ thị trường nội địa tuy không giúp Vicostone giữ được đà tăng trưởng, nhưng cũng phần nào “giảm đau” cho sự sụt giảm đáng kể của các thị trường quốc tế. Khu vực Bắc Mỹ, Australia, châu Âu chiếm hơn 98% tổng doanh thu xuất khẩu, trong đó riêng Mỹ và Canada chiếm khoảng 70%. Covid-19 đã tác động mạnh đến nhu cầu của người tiêu dùng các quốc gia này.
So với cùng kỳ năm 2019, doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ giảm 1,2%. Biên lợi nhuận gộp ở thị trường trong nước đã được cải thiện, tăng từ 13,6% lên hơn 27,7%, nhưng vẫn thấp hơn tỷ suất lợi nhuận khi kinh doanh ở các thị trường nước ngoài (khoảng 40%). Do đó, khoản lãi trước thuế Vicostone thu được trong nửa đầu năm nay giảm 16%, đạt xấp xỉ 658 tỷ đồng. Kết quả trên hoàn thành gần 40% mục tiêu lợi nhuận trong kịch bản thận trọng và 33% kịch bản lạc quan.
Covid-19 đã buộc các doanh nghiệp phải thay đổi và tái cấu trúc. Một trong các giải pháp thích nghi là tìm về thị trường nội địa, ở cả vai trò là nơi cung ứng nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhiều ngành nghề như dệt may, da giày, đồ gỗ… đều có những bước chuyển này. Với Vicostone, không phải đợi đến khi gặp khó ở các thị trường quốc tế, chiến lược hướng nội mới bắt đầu, mà đã thực thi từ cách đây 4-5 năm. Doanh thu nội địa lần đầu bật tăng vào năm 2017 (gấp 2,2 lần cùng kỳ 2016), tiếp tục tăng trưởng trong các năm sau. Tới năm 2020, doanh thu trong nước lại có thêm một bước nhảy đáng chú ý.
Hướng nội cần sự kiên trì
Với thị trường Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, vài năm trước, sản phẩm đá thạch anh nhân tạo với giá bán cao gấp vài lần đá tự nhiên không dễ thâm nhập. Lãnh đạo Vicostone khi đó cũng đánh giá đây mới là các thị trường tiềm năng, cần thời gian để định hướng cho khách hàng, phụ thuộc thói quen, thị hiếu và văn hóa sử dụng, cũng như nhu cầu của thị trường dành cho các sản phẩm cao cấp.
“Phát triển thị trường nội cần kiên trì, lâu dài và đầu tư vào việc làm thương hiệu”, Chủ tịch HĐQT Hồ Xuân Năng chia sẻ với các cổ đông. Thực tế, nhìn lại giai đoạn vừa qua, từ một thương hiệu xa lạ, doanh nghiệp này đã tạo ra sự nhận biết về sản phẩm, thay đổi quan điểm tiêu dùng và sau đó tiếp tục bền bỉ mở rộng.
Theo số liệu cập nhật đến cuối năm 2019, ngoài 4 showroom tại Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang và Đà Nẵng, sản phẩm của Vicostone đã có mặt tại hơn 1.000 đại lý. Vicostone cùng Phenikaa - công ty mẹ sở hữu 89,14% vốn, đã chi không ít tiền để xây dựng thương hiệu trong các năm qua.
Khi thị trường trong nước được mở ra với xu hướng dịch chuyển từ việc sử dụng các vật liệu truyền thống như gỗ ép, nhựa tổng hợp, đá tự nhiên… sang sản phẩm đá thạch anh, những đối thủ mới cũng xuất hiện. Đây phần lớn là các đơn vị sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh với dây chuyền công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc có chi phí đầu tư thấp. Vicostone xác định cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ thay vì cạnh tranh về giá.
Ngoài việc đạt thành quả từ thâm nhập thị trường tiêu thụ trong nước, quá trình nội địa hóa nguồn cung nguyên liệu cũng được triển khai. Vicostone nội địa hóa cơ bản nguồn quartz và cristobalite đầu vào thông qua việc nhận chuyển nhượng 100% cổ phần tại Phenikaa Huế từ công ty mẹ Phenikaa hồi tháng 5/2019. Nguyên liệu quan trọng thứ hai trong sản xuất đá nhân tạo là nhựa Polyester không no cũng bắt tay vào triển khai nghiên cứu từ năm 2017. Đến nay, dự án này đã hoàn tất.
Công ty Chứng khoán Sacombank nhận định, việc dần tự chủ nguồn nguyên liệu chính giúp Vicostone tiếp tục nâng cao tính chủ động, tăng lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu rủi ro.