Sôi sục tìm kiếm nhân lực…
“Riêng VNPT, trong lộ trình đến năm 2020 sẽ cần tới 10.000 nhân lực làm CNTT cho mảng này. Còn về tổng thể, cả nền kinh tế đến năm 2020, sẽ cần khoảng 1 triệu nhân lực làm trong ngành CNTT. Đại học Bách khoa, “cái nôi” đào tạo nhân lực CNTT được các doanh nghiệp “trải thảm đỏ”, nhưng mỗi năm, năng lực đào tạo cung cấp cho thị trường chỉ khoảng 500 người. Không chỉ VNPT, FPT, Viettel, các doanh nghiệp khác thực sự đang “khát” nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao”, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT cho biết.
VNPT Techlonogy, thuộc Tập đoàn VNPT, đang mở đợt tuyển dụng 500 kỹ sư công nghệ và đơn vị này đang cần tới 1.000 nhân lực CNTT cho mảng nghiên cứu và phát triển (R&D). Còn ông Trần Xuân Khôi, Giám đốc Phát triển nguồn lực của FPT Software cho hay, trong thời gian từ nay đến năm 2020, dự kiến mỗi năm, FPT Software sẽ phải tuyển hơn 10.000 nhân viên. Riêng trong 3 tháng cuối năm 2016, FPT Software cần tuyển hơn 1.000 nhân viên, nhưng đến nay vẫn chưa đủ số hồ sơ sơ tuyển đủ điều kiện.
Nuôi dưỡng các kỹ năng khoa học công nghệ từ nhỏ để phát triển nhân lực CNTT cho tương lai. |
Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam “khát” nhân lực CNTT, Nhật Bản cũng là nước đang muốn tuyển dụng nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam. Ông Nguyễn Đoàn Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC) cho biết, trong vòng 4 năm tới, Nhật Bản có nhu cầu tuyển 30.000 kỹ sư CNTT người nước ngoài (chủ yếu là Ấn Độ và Việt Nam) làm việc tại Nhật. Hàng năm, có khoảng 30 lượt công ty CNTT Nhật sang tuyển dụng trực tiếp các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp và làm các thủ tục để họ sang Nhật làm việc ngay sau khi nhận bằng.
“Thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT là lời cảnh báo cho doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Dự kiến trong 6 – 7 năm tới, Việt Nam sẽ thiếu gần 500.000 nhân lực làm CNTT. Hiện nay, mỗi năm, Việt Nam có 9.000 kỹ sư CNTT ra trường. Năm nay, FPT đã tuyển gần hết nguồn nhân lực có thể làm được việc của các trường đại học”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết.
Trong cơn khát nhân lực, các nhà tuyển dụng Việt Nam và Nhật Bản đã chấp nhận chi trả lương rất cao.
Theo thống kê, hiện nay, các khóa sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo CNTT Việt - Nhật đều có hơn 50% sinh viên vừa giỏi chuyên môn vừa thành thạo tiếng Nhật, được tuyển sang Nhật làm với mức lương như kỹ sư CNTT người Nhật, tương đương 50 - 60 triệu đồng/tháng. Còn tại Việt Nam, theo báo cáo mới công bố của VietnamWorks, từ đầu năm 2016 đến nay, CNTT là ngành có mức lương cạnh tranh nhất, có tới 73% vị trí đăng tuyển CNTT có mức lương khởi điểm trung bình từ hơn 15,77 triệu đồng. Hai khoảng lương phổ biến nhất đối với các công việc ngành CNTT là 15,77 - 22,5 triệu đồng và 22,5 - 45 triệu đồng.
Theo đánh giá của VietnamWorks, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và Internet trong những năm gần đây đã khiến nhu cầu tìm kiếm các kỹ sư CNTT tăng đột biến, trong khi nguồn nhân lực tại Việt Nam chưa đáp ứng đủ. Chính sự chênh lệnh giữa cung và cầu, cũng như vấn đề làm thế nào để thu hút được đội ngũ kỹ sư CNTT chất lượng là những yếu tố chính làm tăng mức lương các doanh nghiệp tại Việt Nam phải trả cho các ứng viên ngành CNTT.
Làm gì để giải quyết bài toán khó?
Theo TS. Nguyễn Bá Ân, Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, để giải quyết về lâu dài bài toán nguồn nhân lực CNTT, cần thực hiện mạnh mẽ cải cách hệ thống giáo dục đào tạo. Ngoài ra, cần nuôi dưỡng các kỹ năng khoa học công nghệ từ nhỏ bằng các phương thức dạy phù hợp, trên cơ sở áp dụng công nghệ học tập mới dựa trên Internet. Đưa lập trình vào chương trình học từ lớp dưới, thay đổi căn bản cách học tập và giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường phổ thông để phổ cập tiếng Anh. Có cơ chế gắn kết các doanh nghiệp với các tổ chức giáo dục đào tạo để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Còn theo kiến nghị của ông Trương Gia Bình, phải đổi mới vấn đề quy hoạch đào tạo cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tất cả các loại hình đào tạo công lập, dân lập, từ đại học, cao đẳng, học nghề nên tăng quy mô lên 30% để kịp đà phát triển và bắt được cơ hội đang đến. Đẩy mạnh đào tạo từ xa, và học miễn phí để tham gia vào ngành CNTT... Đặc biệt, cần đưa văn bằng hai CNTT vào giáo dục đại học ở tất cả các cấp. Thực tế cho thấy, 40% cán bộ IT đến từ những người không được đào tạo CNTT chính quy.