Du lịch
Cú sốc lịch sử và giấc mơ gượng dậy của ngành kinh tế xanh - Bài 3: Chấp nhận đau đớn để tái sinh
Hồ Hạ - 24/06/2021 08:18
Giữa những khó khăn chồng chất do tác động của Covid-19, những CEO ngành du lịch dám thay đổi để tồn tại, chấp nhận đau đớn để tái sinh mạnh mẽ.
“Sóng thần” Covid-19 làm tan hoang ngành kinh tế xanh, lần lượt hạ gục, đánh chìm các “con thuyền” lữ hành siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Trong vòng xoáy khó khăn, “cháy nhà tứ phía”, dẫu mạnh mẽ đến đâu, thì những người làm du lịch kỳ cựu cũng không giấu nổi khuôn mặt phờ phạc, mái tóc bạc màu vì mưu sinh, vì nợ nần và ánh mắt trông chờ sự hỗ trợ nhanh chóng, thiết thực từ Nhà nước.
CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt đi ship hàng cho khách.

Bài 3: Chấp nhận đau đớn để tái sinh

Những CEO ngành du lịch trong cuộc vật lộn giữa khó khăn chồng chất hiện nay cũng giống như các chú đại bàng dũng mãnh, dám thay đổi, chấp nhận đau đớn để tái sinh mạnh mẽ…

CEO đi ship đồ

Trước Covid-19, chẳng ai có thể ngờ CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài, ông chủ hãng lữ hành 11 năm đứng vững như bàn thạch, nhiều năm lọt top 10 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Việt Nam, doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi tháng, lại có ngày mặc áo phông, quần bò, giày thể thao phong trần phi xe máy ship đồ ăn cho khách hàng giữa nắng, mưa tháng Sáu.

Vị CEO kể, để đón đầu mùa du lịch hè 2021, ngay sau Tết Nguyên đán, VietSense Travel đã xây dựng hàng loạt sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn, giá hợp lý, cùng chiến dịch truyền thông, quảng bá rầm rộ, với tất cả niềm hy vọng. “Thế nhưng, những trái ngọt chín mọng trên cây chỉ đợi hái xuống bỗng bị ‘bão’ Covid-19 lần 4 đánh rụng, nát bét. Đau đớn, chua xót vô cùng!”, vị CEO trải lòng.

Bán nhà, xoay đủ nghề, kỳ vọng ở sự thay đổi

Ông Phùng Gia Tuấn, CEO Công ty Khám phá Mỹ (American Discovery) đã phải bán căn nhà trị giá chừng 5 tỷ đồng để duy trì hoạt động công ty du lịch, trong đó có khoảng 60-70% chi phí cho khoản trả lại tiền cho khách hàng. Chuyên thị trường Mỹ, bán tour theo hình thức booking cả năm, thời điểm xảy ra dịch Covid-19 vào tháng 3/2020, Công ty đã triển khai nhận khách đến tháng 9 năm đó.

Ông Tuấn còn đầu tư cả đội xe ở Mỹ để phục vụ khách hàng và bán dịch vụ cho các công ty khác cuối năm 2019, nhưng xe “đắp chiếu” từ đó đến nay, trong khi lãi vay ngân hàng vẫn phải trả đều hàng tháng. Ông phải bán căn nhà thứ hai để có vốn tổ chức các tour Caravan - tự lái xe, rồi tham gia với bạn bè để sản xuất sản phẩm cafe du lịch mang tên Adventure coffee.

Hiện ông phối hợp triển khai Dự án DX100 - đào tạo miễn phí về chuyển đổi số cho doanh nghiệp du lịch, lữ hành. Đây là cách để những ai còn tâm huyết với nghề cùng kỳ vọng sự thay đổi này sẽ là cơ hội để người làm du lịch cùng thay đổi...

Từ đầu tháng 5 đến nay, VietSense Travel không có giao dịch mới, trong khi hơn 1.000 khách đặt các tour khởi hành tháng 5, 6 đều hoãn, hủy. “Nguồn lực cạn kiệt nên doanh nghiệp buộc phải cho một số nhân viên tạm nghỉ, chỉ giữ lại lực lượng nòng cốt để làm việc với các đối tác, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho khách hàng”, ông Tài buồn rầu.

Trong lúc kinh doanh lữ hành phập phù, ngày 28/4, ông Tài khai trương nhà hàng Tái Dê tại số 308, phố Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội), với dự định phát triển hệ thống chuỗi nhà hàng tại Hà Nội. Theo tính toán của doanh nhân này, tỷ suất lợi nhuận kinh doanh nhà hàng cao hơn nhiều so với kinh doanh lữ hành, nhưng mọi tính toán trở nên vô nghĩa khi đại dịch bùng phát.

Kế hoạch mở nhà hàng dê được ông Tài chuẩn bị từ đầu tháng 4, không ngờ ngày 27/4 xuất hiện ca dương tính với Covid-19 tại Hà Nội, nên hiện nhà hàng chủ yếu bán cho khách mang về, bán online, ship tận nhà. Điều này chỉ đủ duy trì hoạt động của bếp, chưa tính chi phí thuê mặt bằng. Để tiết giảm tối đa chi phí, ông Tài cũng phụ nhân viên ship đồ ăn tận nhà cho thực khách.

Hoạt động của Trung tâm Đào tạo du lịch thực tế Prato do ông Tài sáng lập cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Lẽ ra, ngày 8/5 sẽ khai trương 2 lớp đào tạo, nhưng dịch bệnh phức tạp khiến hoạt động này bị hoãn lại. Ông than: “Lữ hành, đào tạo, nhà hàng đều đang rất khó khăn, cảm giác như là ‘cháy nhà tứ phía’, không có đường để thoát ra. Covid-19 lần thứ 4 có thể khiến thêm không ít doanh nghiệp… toang, khi đã ‘sức cùng, lực kiệt’, nếu không có sự hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ và các cơ quan chức năng”.

Cũng giống VietSense Travel, AZA Travel đã hoãn, hủy tất cả các tour khởi hành trong tháng 5, tháng 6 với hơn 1.000 khách hàng. Dù xác định “sống chung với dịch”, nhưng ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel không khỏi buồn và nản. Từ đầu năm 2020, vị doanh nhân này đã chuyển một phần nhân sự sang sản xuất và kinh doanh bia tươi organic cao cấp Euro Beer do ông làm Chủ tịch HĐQT, kiêm CEO.

Ông Đạt cho hay, phản ứng của thị trường rất tốt. Euro Beer đẩy mạnh bán online, ship tận nhà cho khách. Nhờ đó, một bộ phận nhân viên vẫn có việc làm, thậm chí có thu nhập cao hơn khi làm du lịch. Euro Beer đang tuyển đại lý và cộng tác viên trong chính nhân sự ngành du lịch. “Đa số nhân sự ngành du lịch hoạt động rất tích cực. Họ có nhiều bạn bè, đối tác có tiền đi du lịch và đây cũng là đối tượng khách hàng tiềm năng của Euro Beer”, CEO AZA Travel lý giải.

Nhân sự rơi rụng nhiều, nên những lúc bận, ông Đạt phải hỗ trợ nhân viên ship hàng. “Việc sản xuất và kinh doanh bia thủ công thuận lợi, nên chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng thị trường của Euro beer tới TP.HCM và các tỉnh, thành phố chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh trong đợt này”, ông Đạt bật mí.

“Tay ngang” sản xuất khẩu trang, xuất khẩu nông sản

Để có nguồn thu nhập cho nhân viên, ngay đợt Covid-19 bùng phát lần đầu, ông Trần Văn Long, CEO Công ty Du lịch Việt đã xoay sang hỗ trợ bà con bán nông sản, nước rửa tay. Việc làm này vừa tạo thêm thu nhập cho nhân viên, vừa để giữ chân họ ở lại Công ty. “Thời điểm đó, mỗi tuần Du lịch Việt tiêu thụ được hàng trăm tấn nông sản. Nhưng tiếc rằng, khâu sản xuất gặp khó khăn nên phải dừng lại”, ông Long buồn rầu.

Nhận thấy thị trường khẩu trang y tế có nhu cầu lớn, đầu tháng 4/2020, ông Long nhập thiết bị, máy móc về sản xuất mặt hàng này. Lúc đầu chỉ đầu tư vài máy, nhưng đến nay, Công ty đã có 4 nhà máy chính và các nhà máy liên kết tại quận 12, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn (TP.HCM), tỉnh Long An, Tiền Giang, 2 nhà máy tại khu vực phía Bắc, một nhà máy ở miền Trung và một nhà máy tại Bang Virginia (Hoa Kỳ) đã xong quá trình xây dựng, đi vào hoạt động từ đầu năm 2021.

Ngày 30/8/2020, những chuyến hàng khẩu trang y tế đầu tiên mang thương hiệu Ecom Med sản xuất tại Việt Nam đã “đặt chân” vào Hoa Kỳ, cung cấp cho hệ thống 360 bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng của Mỹ. Việc một doanh nghiệp sản xuất khẩu trang “tay ngang” vượt qua tất cả tiêu chuẩn sản xuất, kiểm định khắt khe hàng đầu quốc tế để đến Mỹ là thành quả của quá trình lao động, sản xuất cực kỳ bài bản và nghiêm túc.

Ông Long cho biết, hiện nay, tổng công suất trung bình mỗi ngày của toàn bộ hệ thống có thể đạt 5 triệu khẩu trang, nếu hoạt động 2 ca hết công suất, có thể đạt 10 triệu khẩu trang, 100.000 sản phẩm đồ bảo hộ. Ecom Net sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về thời gian, cũng như tiêu chuẩn chất lượng cho tất cả các đơn hàng lớn trong nước và xuất khẩu khắp thế giới.

Không chỉ các đấng mày râu nhanh nhạy chuyển đổi để cứu và giúp doanh nghiệp vượt qua “đại nạn”, vốn quen với sự bận rộn, doanh nhân Thái Thị Thanh Lan, CEO Vietindo Travel xoay sang mảng xuất khẩu nông sản (miến dong Quốc Oai, bánh đa nem Hà Nam, mì chũ Bắc Giang, vải khô Lục Ngạn…) từ giữa năm 2020, khi du lịch quốc tế đóng băng. Bà còn đảm nhận thêm vị trí phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của một doanh nghiệp chuyên tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP trên cả nước.

Bà tâm sự: “Kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm OCOP cho tôi cơ hội đi nhiều nơi, đặc biệt là các vùng nông thôn, giúp tôi tìm ra thêm nhiều sản phẩm du lịch mới tại Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh... Những tour du lịch nông nghiệp sau này của VietIndo Travel sẽ hấp dẫn hơn, nhiều trải nghiệm hơn và nhất là đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản địa phương từ hoạt động du lịch”.

Dưới dự chèo lái tài ba của bà Lan, năm 2020, Vietindo Travel đã xuất khẩu thành công 15 mặt hàng sang Pháp. Bà đang tiếp tục đàm phán với các đối tác để xuất khẩu nông sản Việt sang các nước châu Âu. Dù chuyển sang làm xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp vẫn luôn bảo toàn các mối quan hệ, cập nhật thông tin với đối tác tại châu Âu và chuẩn bị tốt nguồn lực để quay lại với ngành kinh tế xanh.

Du lịch quốc tế đóng băng khiến CEO Vietworld Travel Nguyễn Văn Sơn phải thu hẹp quy mô Công ty, giảm nhân sự ở các bộ phận inbound và outbound, mảng nội địa chỉ làm các đoàn lớn, đại bộ phận chuyển sang kinh doanh thực phẩm. “Dù sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, nhưng với kinh nghiệm kinh doanh đa ngành, dữ liệu khách hàng tích lũy sau nhiều năm và tận dụng công cụ tiếp thị, bán hàng trực tuyến, Công ty tiếp cận khách hàng khá nhanh, cung cấp nguyên liệu cho các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng bán lẻ…”, ông Sơn chia sẻ.

Trong khi đó, CEO Koji Travel Nguyễn Văn Nam mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm. Lĩnh vực này chưa mang lại doanh thu, nhưng ông hy vọng sẽ có trong khoảng vài tháng tới. Đó chắc chắn là khoản doanh thu vô cùng quý giá đối với doanh nghiệp, cũng như gia đình ông trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh như hiện nay.

Vốn là chủ một công ty lữ hành có 7 văn phòng tour ở khu phố cổ Hà Nội, nhưng khi du lịch đóng băng, ông Nguyễn Văn Sáng quay sang mảng kinh doanh online và chạy xe Grab. Hiện ông lập hàng loạt trang mạng về thực phẩm để kinh doanh các mặt hàng hải sản tươi sống, rau củ quả, cà phê sạch, nước ozone khử khuẩn mùa dịch. “Covid-19 đưa tôi về con số 0, nên phải làm lại từ đầu”, ông tâm sự.

Trên thực tế, để sống được 80 tuổi, đại bàng đã phải đương đầu với tử thần vào năm 40 tuổi, khi phải tự đập mỏ vào vách đá, tự nhổ từng sợi lông để “tái sinh” một cơ thể hoàn toàn mới với chiếc mỏ sắc nhọn và đôi cánh mạnh mẽ hơn. Những CEO ngành du lịch trong cuộc vật lộn giữa khó khăn chồng chất hiện nay cũng giống như các chú đại bàng dũng mãnh, dám thay đổi, chấp nhận đau đớn để tái sinh mạnh mẽ…

(Còn tiếp)

Tin liên quan
Tin khác