Trong 4 vấn đề nóng, dư luận đang rất quan tâm đến tinh giản biên chế. Câu hỏi đặt ra lúc này là, tuy đã có chủ trương, đã áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực quản lý, nhưng vì sao, biên chế của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương vẫn phình to? Vì sao hiệu quả làm việc của 30% số “công bộc” - theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội - là có cũng như không?
Vì sao, một tỷ lệ không nhỏ đội ngũ công chức, viên chức hiện chưa từ bỏ được “thói quen” gây phiền hà, sách nhiễu, thậm chí có thái độ tiêu cực khi người dân, doanh nghiệp đến cơ quan công quyền?...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
Thực tế, sự gia tăng liên tục số biên chế nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từ 269.008 người lên 274.970 người trong 5 năm vừa qua (không tính công chức xã, công chức dự phòng, cán bộ các loại ở cấp xã, thôn), đã khiến tỷ trọng chi thường xuyên ở giai đoạn này chiếm tới 67% tổng chi ngân sách hàng năm (10 tháng năm 2016 ước chi 656.935 tỷ đồng).
Chi thường xuyên lớn, nên toàn bộ khoản đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phải đi vay, ngân sách đã phải “giật gấu vá vai” bằng cách vay đảo nợ. Bội chi ngân sách theo đó cũng tăng, việc cân đối ngân sách hàng năm được ví như người đi trên dây...
. |
Lường trước khó khăn trên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39/NQ-TW, ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế, với mục tiêu rất rõ ràng là nhằm nâng cao cả chất và lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm ngân sách, giảm chi thường xuyên, cải cách tiền lương. Nhờ nghị quyết này, ngay năm 2016, bộ máy nhà nước đã giảm được hơn 4.100 người, chi thường xuyên 10 tháng của năm nay chỉ tăng 4,2% so với cùng kỳ - mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Số lượng cán bộ biên chế giảm khá ấn tượng trong năm 2016, nhưng có một thực tế là, trong số những người ra khỏi biên chế, ngoài số người đến tuổi nghỉ hưu thì có một lượng cán bộ có năng lực, kinh nghiệm tự nguyện ra khỏi bộ máy nhà nước để làm việc cho khu vực kinh tế khác, còn số biên chế nằm trong “nhóm 30% có cũng như không” vẫn đang cố thủ.
Ngay trong Phiên khai mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định, việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm; kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính chưa nghiêm; năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Thủ tướng đã thẳng thắn tuyên bố, năm 2017 sẽ giảm 3.800 biên chế nhà nước.
Có lẽ đây là lần đầu tiên, Chính phủ khẳng định trước Quốc hội và cử tri cả nước về số biên chế cụ thể sẽ được tinh giản. Việc giảm hơn 3.800 biên chế tuy là không lớn so với tổng số trên 270.800 biên chế hiện có, nhưng đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ bởi việc đưa một người đang làm việc ở khu vực nhà nước là vô cùng phức tạp và nhạy cảm. Đó còn chưa kể, nhiều người nằm trong diện tinh giản lại là con anh A, cháu chị B - những người đang làm lãnh đạo cơ quan, thậm chí còn làm lãnh đạo cơ quan cấp trên trực tiếp.
Tinh giản biên chế là công việc cần thiết, Chính phủ đã quyết tâm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong bộ máy công quyền. Quyết tâm đã có, vấn đề hiện nay là hành động thế nào để đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức không đủ tiêu chuẩn, không đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất, đồng thời tuyển chọn cho được những người có trình độ, năng lực chuyên môn.
Cử tri cả nước kỳ vọng, tinh giản biên chế sẽ không có “vùng cấm”; việc tuyển dụng vào biên chế, bổ nhiệm nhân sự là để “chọn người tài, chứ không phải để tìm người nhà” sẽ được thực hiện đúng như khẳng định của Thủ tướng.