Nam Tân Uyên sắp triển khai dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn 2) |
CTCP Cao su Phước Hòa (mã PHR) vừa nhận được quyết định của UBND tỉnh Bình Dương về việc thu hồi đất để thực hiện dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2. Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 cho phép chủ đầu tư hạ tầng là CTCP Khu Công Nghiệp Nam Tân Uyên (HOSE: NTC) được mở rộng thêm 346 ha đất nối liền với khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng tại ngã ba Hội Nghĩa và phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Khu đất nằm trên thuộc Nông trường cao su Hội Nghĩa Cao su Phước Hòa. Lãnh đạo công ty cho biết quyết định này là cơ sở để công ty tiếp tục nhận tiền đền bù và hỗ trợ từ CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, đồng thời, thực hiện thủ tục bàn giao đất để thực hiện dự án.
Công ty này từng cho biết việc UBND tỉnh Bình Dương chưa ký quyết định thu hồi đất và giao đất để triển khai dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 và dự án VSIP III làm hụt tương ứng 650 tỷ đồng. Cao su Phước Hòa thậm chí từng ghi 300 tỷ đồng thu bồi thường trong quý III/2019 nhưng điều chỉnh lại ngay trong quý sau đó do chưa được ghi nhận vào báo cáo kết quả kinh doanh.
Việc bỏ lỡ các khoản thu bồi thường cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận năm 2019 của Cao su Phước Hòa chỉ hoàn thành được 43% kế hoạch tham vọng đề ra. Tuy nhiên, nguồn thu từ cả hai dự án dự kiến “để dành” sang năm 2020. Theo tính toán của VCBS dựa trên diện tích chuyển giao tại ba khu công nghiệp, lợi nhuận từ việc bồi thường đất sẽ vẫn đóng góp đáng kể với kết quả kinh doanh 2 năm tới của Cao su Phước Hòa.
Cổ phiếu PHR tăng mạnh trong tháng 2 này, hồi phục đáng kể sau thời gian dài giảm sâu từ tháng 7/2019. Hiện giá cổ phiếu giao dịch ngày 25/2 ở mức 47.000 đồng/cổ phiếu, tăng 37,8% so với thời điểm 3/2. PHR nằm trong số ít các cổ phiếu đi ngược lại diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán Việt Nam tháng qua. Tập đoàn Cao su Việt Nam là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp nàyvới tỷ lệ sở hữu trên 67%. Các cổ đông ngoại đang nắm giữ khoảng 6% vốn.