Sản lượng vượt kế hoạch, song doanh thu và lợi nhuận của Cao su Phước Hòa trong năm qua lại khá thấp. |
Lợi nhuận hụt, chờ năm sau
Kết quả kinh doanh năm 2019 cho thấy, dù doanh nghiệp vượt kế hoạch về sản lượng, nhưng doanh thu và lợi nhuận đều vỡ kế hoạch trầm trọng.
Cụ thể, sản lượng cao su thành phẩm tiêu thụ đạt tới 118,57% kế hoạch, nhưng tổng doanh thu chỉ đạt 75,53% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 42,83% kế hoạch (Bảng 1).
Theo Cao su Phước Hòa, Công ty đã không hoàn thành một số chỉ tiêu do những nguyên nhân khách quan, như Công ty không thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên theo chủ trương của Tập đoàn. Điều này làm doanh thu và lợi nhuận bị giảm tương ứng khoảng 350 tỷ đồng. Ngoài ra, việc UBND tỉnh Bình Dương chưa ký quyết định thu hồi đất và giao đất để triển khai Dự án VSIP III đã làm doanh thu và lợi nhuận giảm tương ứng 650 tỷ đồng.
Hiện tại, hồ sơ về các dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II và VSIP III đã được trình UBND tỉnh Bình Dương và đang chờ phê duyệt. Do đó, nguồn thu từ đền bù và hỗ trợ thiệt hại từ 2 dự án này phải chuyển sang năm 2020.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, ông Lê Ngọc Nam, Giám đối Khối phân tích và tư vấn đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán Tân Việt cho biết, tính riêng trong quý III/2019, Cao su Phước Hòa đã nhận lợi nhuận đến từ việc bồi thường đất xây khu công nghiệp khoảng 330 tỷ đồng. Công ty cũng cho biết sẽ cân đối diện tích bàn giao cụ thể đất cho VSIP và Nam Tân Uyên nhằm đảm bảo lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn 2019 - 2021 không dưới 1.000 tỷ đồng.
Các dự án mới bị chậm
Trong giai đoạn trước, Cao su Phước Hòa đã nhiều năm bám trụ với ngành cao su và đã đạt được những thành quả quan trọng.
Về lịch sử phát triển, tiền thân của Công ty Cao su Phước Hòa là Đồn điền cao su Phước Hòa, sau ngày miền Nam giải phóng, được đổi tên thành Nông trường Cao su quốc doanh Phước Hòa. Năm 1982, Công ty Cao su Phước Hòa được Tổng cục Cao su Việt Nam thành lập và đến năm 1993, Công ty Cao su Phước Hòa được thành lập lại, trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Công ty được cổ phần hóa năm 2007 và niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE từ năm 2009.
Tuy nhiên, những dự án không thuộc ngành cao su ngày càng dày đặc đang dần làm mờ nhạt hình ảnh của Cao su Phước Hòa với vai trò một doanh nghiệp giàu truyền thống trong ngành cao su.
Điểm nhấn của các động thái vươn ra miền đất mới của Cao su Phước Hòa là các dự án khu công nghiệp, nhưng các dự án này đều bị chậm tiến độ.
Những dự án khu công nghiệp mà Cao su Phước Hòa đang theo đuổi là Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II, Khu công nghiệp VSIP III, Khu công nghiệp Tân Lập I…
Về Dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành thông báo thu hồi đất để thực hiện. Hiện tại, Cao su Phước Hòa và đối tác là Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên đã trình các hồ sơ có liên quan đến UBND tỉnh Bình Dương và đang chờ UBND tỉnh này ký các quyết định thu hồi đất của Cao su Phước Hòa. Trên cơ sở đó, Công ty Nam Tân Uyên sẽ thực hiện đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho Cao su Phước Hòa theo các nội dung hai bên đã thống nhất, rồi bàn giao đất để thực hiện dự án.
Đối với Dự án Khu công nghiệp VSIP III, việc hợp tác đầu tư vẫn theo phương án hai bên đã ký kết. Trong tháng 12/2019, UBND tỉnh Bình Dương đã ký thông báo thu hồi đất để thực hiện Dự án. Hiện tại, hai bên đang thực hiện các thủ tục trình UBND tỉnh này để ký quyết định thu hồi đất. Trên cơ sở đó, Công ty liên doanh Việt Nam - Singapore thực hiện đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho Cao su Phước Hòa theo các nội dung đã ký kết và bàn giao đất.
Một dự án khác là Khu công nghiệp Tân Lập I đang được Cao su Phước Hòa phối hợp cùng đối tác và đơn vị tư vấn thực hiện lập dự án đầu tư, quy hoạch, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường… để trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án.
Sức khỏe tài chính khi “bẻ lái”
Sự chuyển dịch ngành nghề của Cao su Phước Hòa đang biến đổi cơ cấu tài chính trong doanh nghiệp này và “sức khỏe” tài chính ra sao trong quá trình chuyển đổi là mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư.
Theo quan sát của ông Lê Ngọc Nam, các quý gần đây, quy mô tài sản ngắn hạn của Phước Hòa có xu hướng tăng. Cụ thể, cuối năm 2018, giá trị tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp này là 1.369 tỷ đồng, tương đương 26,9% tổng tài sản. Đến quý III/2019, giá trị tài sản ngắn hạn của Phước Hòa tăng lên 2.096 tỷ đồng, tương đương 36,3% tổng tài sản.
Nguyên nhân gia tăng tài sản ngắn hạn xuất phát từ việc hợp tác chuyển đổi đất trồng cao su sang phát triển bất động sản khu công nghiệp. Theo đó, Phước Hòa sẽ bàn giao cho Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 325 ha và giao VSIP 691 ha.
Nguồn thu đến từ bồi thường đất và lợi nhuận được chia từ các khu công nghiệp làm gia tăng giá trị các khoản tiền và đầu tư ngắn hạn của Công ty, do đó, quy mô tài sản ngắn hạn của Cao su Phước Hòa tăng mạnh trong các quý gân đây. Tuy nhiên, ông Nam cũng đưa ra cảnh báo cho rằng, do trữ lượng đất có hạn, việc chuyển đổi đất trồng cao su sang bất động sản khu công nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty là sản xuất - kinh doanh cao su.
Về bức tranh tài chính chung, tỷ lệ nợ đang có xu hướng tăng nhanh hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2018, nợ phải trả của Công ty tăng tới 116,8%, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ tăng có 22,5% (Bảng 2). Tỷ lệ nợ so với vốn chủ sở hữu hiện vẫn ở mức cân đối, nhưng nếu tốc độ tăng trưởng này không được kiểm soát, thì bức tranh tài chính rất có thể sẽ bị chuyển từ mốc an toàn tài chính với tỷ lệ nợ thấp, sang mức kém an toàn hơn do tác độ của việc gia tăng vay nợ.
Thực tế, tốc độ tăng nợ phải trả của nhiều doanh nghiệp ngành cao su vẫn ở mức khá thấp, chứ không tăng nhanh như Cao su Phước Hòa. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2015 - 2018, nợ phải trả của Cao su Đồng Phú thậm chí còn giảm 2,4%. Trong khi đó, Cao su Hòa Bình có tốc độ tăng nợ phải trả nhanh hơn Cao su Đồng Phú, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của Cao su Phước Hòa (Bảng 3).
Với diễn biến như vậy, biến động tỷ lệ nợ/tổng tài sản của Cao su Phước Hòa cũng tăng nhanh hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành nêu trên. Nếu như năm 2015, tỷ lệ nợ/tổng tài sản của Phước Hòa tương tự như Cao su Đồng Phú và cao hơn không quá nhiều so với Cao su Hòa Bình, thì đến cuối năm 2018, tỷ lệ nợ/tổng tài sản của Cao su Phước Hòa đã vượt lên, cao hơn hẳn 2 công ty bạn.
Lệ thuộc vào đối tác
Ông Lê Ngọc Nam cho biết, gần đây, biên lợi nhuận của ngành cao su không còn hấp dẫn, nên việc chuyển sang phát triển bất động sản khu công nghiệp giúp Cao su Phước Hòa có thể cải thiện lợi nhuận, mang về một nguồn thu lớn từ bồi thường đất.
Tuy nhiên, ông Nam cũng cảnh báo, về dài hạn, Công ty vẫn cần tìm giải pháp cải thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi và có những định hướng hợp lý nhằm đảm bảo cho phát triển bền vững trong tương lai.
Một trong những yếu tố “bấp bênh” có thể nhận thấy là lợi nhuận dù tăng trong một số thời điểm, nhưng chủ yếu nhờ thu nhập từ đền bù đất. Năm 2020, Công ty khẳng định sẽ vẫn có nguồn thu từ đền bù đất, nhưng giai đoạn tiếp sau, nguồn thu chính sẽ đến từ đâu là vấn đề chưa được định hình rõ ràng, trong khi diện tích đất cho kinh doanh cốt lõi đã bị thu hẹp.
Hơn nữa, các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp đều phải thực hiện thông qua hợp tác với một đối tác khác, mà bản thân Cao su Phước Hòa không thể tự chủ động được. Cụ thể, Dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II phải được thực hiện thông qua hợp tác với Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Dự án Khu công nghiệp VSIP III thông qua hợp tác với Công ty TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore.
Điều đáng chú ý là, Cao su Phước Hòa sẽ còn phải thoái vốn tại Công ty Nam Tân Uyên theo chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (công ty mẹ của Cao su Phước Hòa). Theo đó, việc thoái vốn dù có thể đem lại lợi nhuận đầu tư tài chính do chênh lệch giá đầu tư và giá thoái vốn, nhưng về lâu dài, Phước Hòa sẽ không còn khoản lợi nhuận chia lãi và cổ tức từ Nam Tân Uyên sau khi thoái vốn.