Khó “cưỡng” M&A
“Thương chiến Mỹ - Trung là ‘cơn bão hoàn hảo’ đẩy các nhà đầu tư lớn hướng về Việt Nam. Thêm vào đó là khả năng phòng chống và kiểm soát tốt dịch bệnh của Việt Nam trước ‘cơn sóng thần’ mang tên Covid-19 cùng môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng càng thúc đẩy mạnh mẽ làn sóng dịch chuyển đầu tư đi kèm mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam”. Một chuyên gia về M&A đã ví von như vậy khi chia sẻ cùng phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán.
Trên thực tế, không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, mà nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động tìm kiếm và xúc tiến các thương vụ M&A bởi họ cho rằng, gián đoạn tại thị trường do dịch bệnh đang gián tiếp tạo ra cơ hội. Trao đổi với phóng viên, ông Giáp Văn Kiểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị AVLand Group cho biết, ngay trong tháng 4 - giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid-19, doanh nghiệp ông đã được chào mời 22 dự án cần M&A.
“Đó cũng là giai đoạn bộ phận M&A của AVLAnd Group bị quá tải do có quá nhiều ‘đơn hàng’ cần giải quyết”, ông Kiểm nói.
Bất động sản công nghiệp thu hút sự chú ý của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài |
Ngoài AVLand Group, còn nhiều thương vụ M&A lớn của khối nội có thể kể tới như Masan mua lại 83,74% cổ phần trong thương vụ mua VinCommerce; Danh Khôi Holdings chi 50 triệu USD để sở hữu 100% cổ phần Sun Frontier (thuộc tập đoàn bất động sản danh tiếng của Nhật Bản - Sun Frontier Fudousan)…
Theo Nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam và Viện nghiên cứu Đầu tư và mua bán - sáp nhập, mặc dù tổng giá trị các thương vụ năm 2020 tại thị trường Việt Nam có thể chỉ đạt 3,5 tỷ USD, giảm đáng kể so với năm 2019, nhưng cơ hội trỗi dậy mạnh mẽ vào năm 2021 đang khá rõ ràng.
Quan sát diễn biến thị trường, ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dịch chuyển đầu tư và M&A là xu thế không thể đảo ngược và sẽ có diễn biến sôi động trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng tại nhiều khu vực trên thế giới, trong khi Việt Nam vẫn đang kìm chế tốt đại dịch này.
“Tác động của Covid như là sự đánh động cho doanh nghiệp nhận thấy việc phụ thuộc vào cơ sở sản xuất ở một quốc gia, một nhà cung cấp sẽ có nhiều rủi ro không thể lường trước. Việt Nam đã trải qua khoảng 10 tháng ròng rã chống dịch, các hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu thị trường không thể thực hiện được do giãn cách xã hội cả trong nước và toàn cầu, các thương vụ M&A diễn ra đến thời điểm hiện tại đều đã được ‘mai mối’ từ trước. Vì thế, mối quan tâm của các nhà đầu tư ngoài biên giới hiện rất lớn, thị trường M&A Việt Nam giống như một chiếc lò xo bị nén và có thể bật mạnh trong năm tới”, ông Sử nhấn mạnh.
Cùng chung góc nhìn, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao Thị trường vốn JLL Việt Nam cho rằng, tâm lý chung của nhà đầu tư đều tỏ ra thận trọng giai đoạn đầu của Covid-19, nhưng đã cởi mở hơn kể từ cuối quý II - khi Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và hiện tại, nhiều nhà đầu tư trong nước và khu vực đều cho thấy sự hứng khởi, sự quan tâm mạnh mẽ tới thị trường Việt Nam, nhất là lĩnh vực địa ốc.
“Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đang có xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam, các đối tác vẫn đang tìm kiếm dự án tốt, doanh nghiệp tốt để cùng đồng hành. Vì thế, thị trường vẫn sẽ tích cực và phát triển tốt trong năm 2021, cho dù thời gian thực hiện giao dịch có thể kéo dài hơn dự kiến”, bà Khanh nhìn nhận.
Trên thực tế, cảm hứng từ những phản ứng tích cực đến từ ngoài biên giới là điều được giới chuyên gia đề cập suốt thời gian qua. Ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital cho biết, bối cảnh hiện tại mở ra nhiều cơ hội cho thị trường M&A nói chung, thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng. Theo ông, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm tới thị trường Việt Nam và đặt vấn đề đầu tư.
“Thị trường bất động sản Việt Nam dường như đang khởi động lại sau thời gian chững lại vì dịch bệnh. Nhiều tổ chức nước ngoài đã cử những đoàn làm việc sang để thúc đẩy quá trình đầu tư. Theo đó, hoạt động M&A sẽ khởi sắc mạnh mẽ, nhất là khi giao thương trở lại bình thường và phân khúc nhận được nhiều sự quan tâm ở thời điểm hiện tại là kho bãi, logistic”, ông Michael Piro thông tin.
Khối nội vươn mình
Bên cạnh xu hướng dịch chuyển đầu tư, một điểm nổi bật khác trên thị trường M&A thời gian qua đó là sự vươn mình mạnh mẽ của khối nội với vai trò bên mua. Các nhà đầu tư trong nước đã cho thấy sự chủ động tham gia sâu, rộng, khi giá trị giao dịch của khối này chiếm 33,3% tổng giá trị M&A giai đoạn 2019-2020, tăng mạnh so với mức 11,8% của năm 2018, với nhiều cái tên nổi bật như Masan, Vingroup, Vinamilk, Gelex, REE, Thaco, PAN Group…
Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan Group, trong nhiều lý do Masan hợp tác với Vingroup (qua thương vụ mua cổ phần chi phối VinCommerce) thì có một lý do quan trọng là “muốn giữ lại thị trường bán lẻ cho doanh nghiệp trong nước quản lý để giữ thương hiệu Việt”. Điều này phần nào khẳng định tâm thế của cả bên bán và bên mua khi một mặt thông qua M&A để tái cấu trúc doanh nghiệp, mặt khác gia tăng tầm ảnh hưởng, vị thế của doanh nghiệp trong nước trong hoạt động mua bán, sáp nhập.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, sự vươn lên của các doanh nghiệp trong nước cho thấy Việt Nam đã có được những doanh nghiệp tốt. Ông Hiếu cho biết, từng có quan điểm hoài nghi việc doanh nghiệp ngoại thâu tóm doanh nghiệp nội thông qua hoạt động M&A, thậm chí có đề xuất cấm các doanh nghiệp ngoại mua doanh nghiệp Việt Nam, nhưng thực tế đã chứng minh quan điểm này là không đúng. Hiện nay, Việt Nam đã có những doanh nghiệp không chỉ đủ mạnh để cạnh tranh trong nước, mà còn hướng tới các thị trường quốc tế, bởi các thương vụ doanh nghiệp Việt tiến hành M&A bên ngoài biên giới là không hiếm.
Một điểm tích cực khác được ông Hiếu đề cao, đó là sự cải thiện trong môi trường kinh doanh thông qua các nỗ lực cải cách của Chính phủ. Từ đầu năm 2020, Việt Nam đã ban hành đồng thời 3 luật là Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư - là những sắc luật có có vai trò thúc đẩy hoạt động M&A, mà như nhận xét của ông Hiếu là “tăng độ dễ dàng, thuận lợi và an toàn cho M&A, thúc đẩy tái cấu trúc, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp”.
Từ phía nhà cung cấp hàng hóa cho thị trường M&A, ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, thời gian tới, ngoài những lĩnh vực đặc thù, Nhà nước sẽ giảm dần việc nắm giữ cổ phần ở các doanh nghiệp để các thành phần kinh tế khác tham gia, trong đó có khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các thương vụ M&A được thực hiện nhiều hơn, thị trường M&A sôi động hơn.
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 12 - năm 2020 với chủ đề “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới/Upsurging in the new normal” sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba, ngày 24/11/2020. Diễn đàn do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 sẽ thảo luận các cơ hội M&A trong giai đoạn bình thường mới khi Việt Nam đứng trước cơ hội lớn đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển ra khỏi các thị trường lớn; cơ hội từ các hiệp định thương mại mới, từ việc sửa đổi luật pháp về đầu tư kinh doanh, cơ hội từ việc đẩy mạnh hoạt động M&A của nhiều tập đoàn lớn trong chiến lược tái cơ cấu, hoàn thiện hệ sinh thái, chuỗi giá trị; chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà lãnh đạo hàng đầu về M&A…
Diễn đàn có các hoạt động chính sau:
- Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế
- Vinh danh Thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2019 - 2020
- Phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2019 - 2020
- Khóa đào tạo quốc tế về Chiến lược M&A.
Tham khảo thông tin tại http://mavietnamforum.com