Dự án Astral City của Tập đoàn Danh Khôi khởi động trở lại sau khi được VP Bank rót 1.200 tỷ đồng |
Vốn ngân hàng cởi mở hơn
Sau thời gian dài bí vốn, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, thì gần đây, doanh nghiệp địa ốc đón nhận tin vui khi liên tục xuất hiện những thương vụ trợ vốn của ngân hàng. Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty TTC Land ký Hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho Dự án cao ốc phức hợp TTC Plaza Đà Nẵng.
Dự án gồm 2 tòa tháp cao 18 tầng với 126 căn hộ du lịch, 150 phòng khách sạn và hơn 30.000 m2 sàn văn phòng cho thuê, do TTC Land là đơn vị phát triển và công ty con là Nguyễn Kim Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Dù không tiết lộ số tiền tài trợ, nhưng lần hợp tác này được ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết, sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh hơn tiến độ dự án và kỳ vọng thu về dòng tiền ổn định.
Từ năm 2024, TTC Land sẽ triển khai những dự án trọng điểm, bao gồm TTC Plaza Đà Nẵng. Các sản phẩm bất động sản của TTC Land trong chiến lược 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 gồm bất động sản dân dụng, thương mại và nghỉ dưỡng.
Tương tự, hồi cuối tháng 11, Công ty bất động sản Phát Đạt cũng được MBBank cấp gói tín dụng hơn 6.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và khách hàng mua sản phẩm ở 2 dự án khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 và 2 (tỉnh Bình Dương). Hai dự án này có tổng mức đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng, dự kiến triển khai từ đầu năm 2024.
Ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Phát Đạt đánh giá, việc được MBBank cấp tín dụng là một bước tiến giúp Phát Đạt nâng cao tiềm lực tài chính, đảm bảo tiến độ xây dựng và bàn giao dự án. Bên cạnh đó, bảo lãnh từ MBBank sẽ tạo điều kiện để khách hàng dễ dàng sở hữu các sản phẩm và tối ưu hóa lợi ích đầu tư.
Một dự án khác có quy mô 5.000 căn hộ là Astral City (Bình Dương) của Tập đoàn Danh Khôi cũng vừa khởi động trở lại sau khi được Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) rót 1.200 tỷ đồng. Nút thắt khó khăn tài chính được tháo gỡ, dự án dự kiến chào thị trường năm 2024.
Astral City là tổ hợp căn hộ, trung tâm thương mại cao tầng tại TP. Thuận An, có diện tích 3,73 ha, gồm 8 tòa nhà cao 40 tầng với gần 5.000 căn hộ, tổng mức đầu tư 8.282 tỷ đồng.
Dự án khởi công từ tháng 6/2020, do Công ty Địa ốc Sài Gòn - KL (trước đây là công ty con của Phát Đạt) làm chủ đầu tư. Song, từ năm 2021, dự án phải dừng thi công vì ảnh hưởng của Covid-19. Đến giữa năm 2022, chủ đầu tư chính thức ngừng thi công do vướng mắc pháp lý và khó khăn tài chính.
Ngoài những dự án trên, thị trường bất động sản phía Nam cũng ghi nhận nhiều thương vụ tài trợ vốn của ngân hàng. Tiêu biểu là Tập đoàn Hưng Thịnh được Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đồng ý cấp gói tín dụng 5.000 tỷ đồng, tài trợ cho các dự án bất động sản của Tập đoàn và các công ty thành viên, giải ngân theo tiến độ cụ thể.
Cần đa dạng hóa nguồn vốn
Dù ghi nhận một số thương vụ tài trợ vốn từ ngân hàng, song điều đó chưa mang tính đại diện cho toàn thị trường, bởi thực tế, chỉ các dự án có pháp lý hoàn thiện mới có thể tiếp cận vốn, chứ không phải số đông. Do đó, năm 2024, doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đối diện với tình trạng khát vốn khi điều kiện tiếp cận tín dụng còn khó khăn. Lãi suất mặc dù đã giảm, nhưng vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Trong cáo cáo mới đây, Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES) đánh giá, loại trừ các doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, thì nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay, bởi không có cơ hội kinh doanh, không có đầu ra, nếu “liều” vay vốn sẽ không trả được nợ, lại càng khó khăn hơn.
Do đó, các chuyên gia của VIRES khuyến nghị, doanh nghiệp bất động sản không nên quá trông chờ vào tín dụng ngân hàng, chờ được nới room hay tăng room. Với tình trạng hiện nay, kể cả có room riêng cho bất động sản, các doanh nghiệp chưa chắc đã tiếp cận được vì không đáp ứng các điều kiện cho vay từ phía ngân hàng. Mặt khác, nếu bất động sản tiếp tục trông mong vào tín dụng hỗ trợ, thì sẽ tạo ra rủi ro hệ thống rất lớn, vì khi bất động sản bể nợ sẽ lan sang ngân hàng.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo, hoạt động tái cấu trúc nguồn vốn và M&A dự án bất động sản sẽ sôi động trong năm 2024. Do đó, để vượt qua khó khăn về tiếp cận vốn vay ngân hàng, một số doanh nghiệp niêm yết như CEO Group, Novaland, Đất Xanh, Phát Đạt, Địa ốc Hoàng Quân đã lên kế hoạch huy động vốn trên sàn.
Nhóm phân tích của MBS cho rằng, đây sẽ là xu hướng huy động vốn của các công ty bất động sản trong năm 2024, vì trong bối cảnh nợ xấu tăng mạnh, các ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi cho vay. Hơn nữa, sang năm 2024, triển vọng hồi phục của thị trường chứng khoán trở nên rõ nét với kỳ vọng ngân hàng trung ương nhiều nước hạ lãi suất, nên phát hành cổ phiếu tiếp tục là phương thức huy động vốn chiến lược của một số doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, MBS kỳ vọng, hoạt động M&A các dự án bất động sản cũng sẽ trở nên sôi động trong năm 2024. Nguyên nhân là bởi “sức khỏe” tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản đang yếu đi, do đó việc bán dự án là cần thiết để có thể duy trì hoạt động và phát triển. Ngoài ra, lãi suất phi rủi ro ở thị trường quốc tế thấp hơn cũng sẽ làm tăng định giá của các dự án bất động sản Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế, từ đó có thể khiến cung cầu gặp nhau và hoạt động M&A sẽ nóng hơn.