Hiện nay, việc điều trị cho các F0 tại cơ sở điều trị và tại nhà đang được các cơ sở ý tế và gia đình dành hết tâm sức. Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh, mỗi bệnh nhân và gia đình nên nắm được các nguyên tắc cơ bản về điều trị, trong đó có nguyên tắc về dinh dưỡng cho bệnh nhân điều trị Covid-19 để việc điều trị được chủ động và gia tăng hiệu quả.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia đưa ra các khuyến cáo về dinh dưỡng tại nhà và khu cách ly cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân Covid-19 phải đảm bảo được cung cấp đủ thực phẩm, cần ăn đủ 3 bữa chính.
Mỗi bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm như sau: (1) ngũ cốc, khoai củ; (2) thịt, cá, tôm, trứng, sữa, đậu đỗ; (3) dầu mỡ; (4) rau xanh và quả chín.
Cần cung cấp đủ protein, vitamin và chất khoáng để giúp cho hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, cần ăn đủ lượng thịt, cá, trứng (200-250g); rau xanh (300-400g) và quả chín (200-300g) mỗi ngày.
Trong trường hợp mệt mỏi, chán ăn, mất vị giác vẫn cần ăn đủ bữa và số lượng thực phẩm, có thể thay đổi cách chế biến thành các dạng thực phẩm lỏng như cháo, súp, chia làm nhiều bữa nhỏ hoặc thay thế bằng các loại sữa, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng giàu năng lượng từ 1-3 lần/ngày.
Đặc biệt lưu ý phòng suy kiệt, thiếu dinh dưỡng cho những đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai bằng cách tăng cường chế độ ăn. Với người có bệnh nền thì phải thực hiện uống thuốc theo đơn của bác sỹ và chế độ ăn phù hợp với bệnh lý.
Uống đủ nước: mỗi ngày uống vào khoảng 1,6 - 2,4 lít nước (tương đương 8-12 ly thuỷ tinh).Hạn chế sử dụng nước ngọt; đồ uống có cồn.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Thực hiện ăn chín, uống sôi. Đọc kỹ nhãn mác thực phẩm trước khi sử dụng.
Thực đơn cho bệnh nhân Covid-19 |
Khuyến cáo về chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân Covid-19 |
Dinh dưỡng không chỉ quan trọng với việc phòng bệnh, thậm chí khi mắc Covid-19, nếu chỉ sử dụng thuốc mà không tăng cường dinh dưỡng, dẫn tới suy dinh dưỡng, suy kiệt, chậm phục hồi.
Về phía chuyên gia, TS.Vũ Thị Thanh, Trưởng phòng Dinh dưỡng điều trị, Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, có 10 nguyên tắc “dinh dưỡng vàng” đối với bệnh nhân mắc Covid-19 để bảo đảm hệ miễn dịch được khỏe mạnh.
Nếu bệnh nhân mắc Covid-19 sử dụng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đúng, khoa học, thì hệ miễn dịch của cơ thể sẽ sản sinh ra đủ kháng thể, góp thêm phần tiêu diệt virus.
Nguyên tắc 1 và 2 chính là gạo, bánh mì, khoai. Nguyên tắc 3 là ăn nhiều rau theo mùa. Nguyên tắc 4 là ăn thêm quả chín sau mỗi bữa ăn khoảng 30 phút hoặc trong các bữa phụ. Nguyên tắc 5 là protein (chất đạm), đạm thực vật có trong cơm, rau, đậu phụ... và đạm động vật có trong các loại thịt bò, thịt lợn...
Nguyên tắc 6, 7 và 8 là bảo đảm chất béo cân bằng trong bữa ăn, nhưng nên hạn chế đường và hạn chế muối. Nguyên tắc 9, bảo đảm bù đủ nước cho cơ thể. Nguyên tắc 10 là bổ sung sữa vào chế độ ăn hằng ngày với khoảng 400ml/ngày”, Tiến sĩ Vũ Thị Thanh cho hay.
Để nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân Covid-19, ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, mỗi người phải thay đổi lối sống, sinh hoạt, như: Hạn chế uống rượu, bia, hút thuốc lá, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, không thức khuya.
Đồng thời cần tuân thủ an toàn, vệ sinh thực phẩm: Có thớt riêng cho thức ăn chín và đồ sống, không dùng chung bát nước chấm, khi múc thức ăn từ bát chung cần có thìa riêng, không ăn thức ăn sống...
Cùng với đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, người trưởng thành cần luyện tập ở cường độ vừa (150 phút tuần) hoặc ở cường độ mạnh (75 phút/tuần).
Hoạt động cơ bắp có tác dụng cải thiện sức khỏe, tăng sức đề kháng. Với những người chăm hoạt động thể chất thường ít khi bị đau ốm hoặc nếu bị bệnh thì cũng hồi phục nhanh hơn.
Ngoài ra, việc tập luyện thường xuyên còn mang lại tinh thần thoải mái, giảm lo âu, căng thẳng. Mỗi người có thể chọn cho mình một môn thể thao phù hợp để tập luyện và cố gắng duy trì thường xuyên, tối thiểu 3 lần/tuần.