Đó là chia sẻ của ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông Vận tải) tại Phiên thảo luận thứ nhất, Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 do Báo Đầu tư tổ chức, khai mạc tại TP.HCM sáng ngày 31/10, với chủ đề: “Chuyển đổi để bứt phá”
Ông Thu cho rằng, hạ tầng giao thông vận tải của chúng ta đang từng bước được hoàn thiện. Lĩnh vực hạ tầng liên quan đến phục vụ logistics khá phong phú, với hệ thống đường thủy, 37 cảng biển, đường bộ khoảng 595.000 km, trong đó có cao tốc và đường sắt; đội tàu biển hiện nay khoảng hơn 1.000 chiếc phục vụ đường biển gần và xa…
Về hệ thống đường thủy nội địa, theo ông Thu, hiện chúng ta có hơn 17.000 km. Hệ thống đường thủy nói riêng và hệ thống hạ tầng giao thông vận tải nói chung đã phục vụ khá tốt hoạt động kinh tế - xã hội.
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải |
Trước đây, chi phí logistics chiếm khoảng trên 20% GDP và hiện nay chiếm khoảng 16,8-17% GDP. Ông Thu cho rằng, nhờ hạ tầng ngày càng phát triển, chi phí logistics ngày càng giảm, đây là sự đóng góp rất lớn của hạ tầng giao thông vận tải với nền kinh tế, dù chưa được như kỳ vọng.
Trong đó, hệ thống đường thủy nội địa hoạt động ngày càng hiệu quả, giúp giảm được khoảng 20% chi phí logistics. Dù vậy, đầu tư công cho đường thủy nộ địa hiện nay chỉ mới ở mức 2%. “Đây là một nghịch lý. Hiện nay với đầu tư công thấp như vậy cũng phần nào hạn chế sự phát triển đối đường thủy nội địa”, ông Thu nêu vấn đề và cho rằng, nếu đầu tư công đồng bộ, tương xứng hơn cho đường thủy nội địa, gia tăng sự kết nối của các cảng biển sẽ đem lại hiệu quả lớn cho logistics.
“Đầu tư công sẽ là tiền đề, vốn mồi của đầu tư tư nhân, hay nói cách khác “đầu tư công sẽ dẫn dắt cho đầu tư tư”, đây là một vấn đề cần được quan tâm để từ đó có thể đẩy mạnh cho đầu tư tư. Bởi đầu tư tư vào hạ tầng logistics cũng là một vấn đề cần được khích lệ”, ông Thu nhấn mạnh.
Được biết, vận chuyển hàng hóa qua đường thủy nội địa tại TP.HCM có thể giúp giảm được 50% chi phí hàng hóa. Mỗi năm, TP.HCM thu về khoảng 3.000 tỷ đồng từ phí vận chuyển qua đường thủy và cảng biển. Đồng thời, khi phát triển đường thủy nội địa, theo ông Thu, cũng giúp giảm phát thải ra môi trường, giảm ách tắc và tai nạn giao thông của đường bộ.
Để đẩy mạnh phát triển logistics, theo ông Thu, vấn đề quan trọng là cần có sự liên kết ngành, liên kết vùng, có nhạc trưởng để đẩy mạnh chuyển đổi từ tư duy, nhận thức, hành động đối với ngành logistics. Hiện các bộ, ngành như Công thương, Kế hoạch và Đầu tư… đã làm rất tốt. Song nếu có sự liên kết, phối hợp tốt hơn nữa thì ngành logistics có thể phát triển hơn nữa.