Nhìn lại 2 thập kỷ trước, việc gia nhập ASEAN đã mở ra cơ hội để Việt Nam gắn kết với khu vực, cùng các quốc gia trong khu vực xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác, phục vụ 2 nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Như nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đánh giá, đó là quyết định đúng đắn, có ý nghĩa lịch sử đối với cả ASEAN và Việt Nam.
Quyết định gia nhập ASEAN cũng tạo cơ hội và tạo đà cho Việt Nam hội nhập quốc tế, tăng cường và nâng cao vị thế, hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế.
Sự kiện gia nhập ASEAN là một dấu mốc lớn trong quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam cũng như tiến trình hợp tác, liên kết của cả khu vực ASEAN |
Cùng với sự kiện Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam trước đó 1 năm, việc gia nhập ASEAN là bước đi tiếp theo mang tính quyết định để Việt Nam thực hiện đầy đủ, mạnh mẽ hơn đường lối đối ngoại đa phương, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Đối với khu vực, việc ASEAN kết nạp Việt Nam đã tạo sự gắn kết giữa các quốc gia, xây dựng môi trường ổn định, hòa bình trong khu vực, cùng hướng tới xây dựng một cộng đồng ASEAN đóng góp vai trò trung tâm của mình trong hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.
Qua hai thập kỷ gia nhập ASEAN, với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ASEAN nói chung và mục tiêu hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN nói riêng.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia đầy đủ và sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN, từ chính trị - an ninh, kinh tế, văn hoá - xã hội và quan hệ đối ngoại của Hiệp hội; có những đóng góp quan trọng cho sự trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN, từ xác định các mục tiêu và quyết sách lớn đến việc tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại và nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Hiệp hội.
Sau 20 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã trở thành một điểm đến đầu tư quan trọng, thu hút hơn 54,6 tỷ USD của các nhà đầu tư ASEAN. Về kim ngạch thương mại, riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu 12 tỷ USD từ ASEAN (tăng 6%), chỉ sau Trung Quốc (24,4 tỷ USD), Hàn Quốc (13,8 tỷ USD); xuất khẩu sang ASEAN 9,3 tỷ USD (giảm 0,8%), chỉ sau Hoa Kỳ (15,7 tỷ USD), EU (14,8 tỷ USD).
Gần đây nhất, Việt Nam đã nỗ lực cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Việt Nam đã tích cực triển khai các biện pháp ưu tiên nhằm thực hiện Kế hoạch Tổng thể xây dựng AEC, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, giao thông - vận tải, hợp tác tài chính, chính sách cạnh tranh, công nghiệp, năng lượng, kết nối ASEAN, hợp tác với các đối tác ngoài khối.
Tham gia hợp tác ASEAN đã và sẽ mang lại cho Việt Nam những cơ hội, lợi ích to lớn, thiết thực về nhiều mặt, nhất là khi ASEAN trở thành một thực thể chính trị - kinh tế khá gắn kết; có vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực Đông Á và là đối tác không thể thiếu của nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước lớn. Riêng về kinh tế, ASEAN với hơn 600 triệu dân, tổng GDP hàng năm gần 3.000 tỷ USD là thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Dù vậy, đan xen trong đó là những thách thức không hề nhỏ đến từ sự “thống nhất trong đa dạng” của các nước ASEAN do mức độ liên kết khu vực chưa cao, sự cạnh tranh quyết liệt của các quốc gia thành viên khác trong khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài…
Song, với những thành quả Việt Nam đã làm được với tư cách một thành viên của Hiệp hội trong 20 năm qua, có thể khẳng định rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò là một thành viên quan trọng, có trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn cho ASEAN trong giai đoạn phát triển mới - giai đoạn hình thành AEC.