Tiến độ sản xuất các loại vắc-xin đang được dư luận quan tâm. |
Bám đuổi sát sao
Trong 5 “ứng viên” tham gia “đường đua” vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam, có 2 loại do trong nước nghiên cứu sản xuất là Nano Covax, Covivac và 3 loại do các doanh nghiệp Việt thực hiện chuyển giao công nghệ.
Thuộc nhóm vắc-xin trong nước sản xuất, Nano Covax là “ứng viên” gần chạm đích, khi ngày 18/9, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã thông qua hồ sơ xin cấp phép, đồng thời gửi Thường trực Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc để xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện vắc-xin này theo quy định. Tuy nhiên, Hội đồng Đạo đức tiếp tục đề nghị Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen báo cáo hiệu quả bảo vệ của Nano Covax.
- Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn
Vắc-xin Covivac do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu và phát triển, đang thử nghiệm giai đoạn II. Dự kiến tháng 12/2021, nếu các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho tín hiệu tích cực, vắc-xin này sẽ được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III. TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC cho hay, nếu thuận lợi, đến năm 2022, những lô Covivac đầu tiên có thể ra mắt thị trường.
Trong 3 vắc-xin chuyển giao công nghệ, Sputnik-V nhận được sự quan tâm của công luận. Ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cho biết, Công ty đã sản xuất thành công lô Sputnik-V đầu tiên tại Việt Nam với 30.000 liều, trong đó 10.000 mẫu được gửi sang Nga để kiểm định chất lượng. Kết quả, phía Nga khẳng định lô vắc-xin đạt chất lượng. VABIOTECH đang làm việc với các đơn vị liên quan để xin cấp phép xuất xưởng lô vắc-xin này.
Hai vắc-xin chuyển giao công nghệ còn lại là ARCT-154 và Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein có tiến độ rất khả quan. Trong đó, ARCT-154 được sản xuất theo công nghệ mRNA đầu tiên của Việt Nam do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học VinBioCare thuộc Tập đoàn Vingroup đàm phán nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Hoa Kỳ. Theo nhóm nghiên cứu, lô vắc-xin đầu tiên dự kiến xuất xưởng vào đầu năm 2022.
Tạo thuận lợi để doanh nghiệp tăng tốc
Vắc-xin thứ năm tham gia “đường đua” vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam là Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein. Công ty Shionogi (Nhật Bản) đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin tái tổ hợp này với 2 công ty Việt là VABIOTECH và Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC). Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, dự kiến tháng 6/2022, sẽ hoàn tất mọi thủ tục và đưa vắc-xin này ra thị trường.
Theo ông Quang, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo cũng đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin với đối tác Cuba để tiếp cận hồ sơ chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Abdala. Bộ Y tế giao Công ty TNHH một thành viên Vắc-xin Pasteur Đà Lạt thảo luận với đối tác Cuba về hợp đồng chuyển giao công nghệ và lập kế hoạch làm việc với đoàn chuyên gia của Cuba sang khảo sát tại Việt Nam.
Ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, với các loại vắc-xin đang thử nghiệm tại một số địa phương, các nhóm nghiên cứu xây dựng kế hoạch cụ thể và báo cáo để mở rộng thu tuyển, sàng lọc người tình nguyện, phòng khi có thay đổi danh sách tình nguyện viên; rút ngắn quy trình không thực sự cần thiết để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu. Mục tiêu là cuối năm 2021, đầu năm 2022, Việt Nam có vắc-xin nghiên cứu, sản xuất trong nước.
Với các vắc-xin đã bàn bạc hợp tác chuyển giao công nghệ, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương tiến hành các nội dung theo tinh thần rút ngắn quy trình, nhưng đảm bảo chặt chẽ, khoa học. Ngoài ra, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo sớm tổ chức hội nghị xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về phát triển vắc-xin cho trẻ em từ nguồn nghiên cứu trong nước và chuyển giao công nghệ.