Đầu tư
Cuộc chạy đua 282 ngày để tránh bị phạt 1 triệu USD/ngày
Thanh Hương - 19/03/2022 07:50
Các đường dây 500 kV và trạm biến áp để giải toả công suất cho Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 cần hoàn thành trước 26/12 mới tránh được việc phải bồi thường 23 tỷ đồng mỗi ngày.

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, theo hợp đồng mua bán điện và hợp đồng BOT của Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, EVN phải hoàn thành Dự án dường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân không muộn hơn ngày 26/12.

Nếu chậm hơn mốc này, EVN phải trả phí công suất cho sự chậm trễ này là khoảng 23 tỷ đồng mỗi ngày và các chi phí phát sinh khác. Nếu dự án chậm quá 6 tháng, hợp đồng BOT sẽ bị chấm dứt sớm và Chính phủ Việt Nam phải mua lại nhà máy.

Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 sẽ phát điện tổ máy 1 vào tháng 9/2023

Nhấn mạnh “nếu điều này xảy ra sẽ gây thất thoát, thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam với các nhà đầu tư", ông Dương Quang Thành cũng yêu cầu Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung và các nhà thầu huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thi công ngày đêm, hoàn thành đóng điện kịp và vượt tiến độ để tránh bị phạt.

Ngoài việc giải toả công suất của Nhà máy điện BOT Vân Phong 1, việc đầu tư xây dựng các dự án lưới điện đồng bộ gồm Trạm biến áp 500 kV Vân Phong và đấu nối; Đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân; Đường dây 500 kV đấu nối trạm biến áp 500 kV Thuận Nam vào đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc vận hành lưới điện truyền tải, đảm bảo cung cấp điện và góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng cho các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.

Đồng thời giải tỏa công suất của các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và các tỉnh lân cận; góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam, tạo mối liên kết mạnh giữa hệ thống điện miền Trung và miền Nam, cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành kinh tế hệ thống điện Quốc gia.

Trạm biến áp 500 kV đang được khẩn trương thi công

Dự án hiện đã tập trung thi công từ tháng 10/2021, qua 08 tháng bắt đầu triển khai và 04 tháng thi công chính thức.

Với sự quan tâm của các địa phương nơi dự án đi qua trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và các thủ tục chuyển đổi đất rừng, cùng với sự điều hành quyết liệt của EVN, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và Ban quản lý các công trình điện miền Trung (CPMB), đến nay, các dự án đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Tính đến ngày 18/3, các địa phương đã bàn giao mặt bằng Dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân được 300/304 vị trí móng; về hành lang tuyến, các địa phương đã bàn giao 183/304 khoảng cột.

Về khối lượng thi công toàn tuyến đã đào móng xong 162/304 vị trí, đúc móng xong 133/304 vị trí, lắp dựng cột xong 35/304 vị trí và  đang dựng cột 30 vị trí. Hiện toàn tuyến, những vị trí nào có mặt bằng và có thể đáp ứng yêu cầu thi công EVNNPT đều yêu cầu các nhà thầu triển khai thi công ngay.

Đối với Dự án trạm biến áp 500 kV Vân Phong hiện nay đã bàn giao mặt bằng đang triển khai thi công theo tiến độ yêu cầu đặt ra. Phần nhánh rẽ đường dây 220 kV đấu nối bàn giao mặt bằng móng 54/62 vị trí, bàn giao hành lang tuyến 20/62 khoảng cột.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch HĐTV EVNNPT cho biết, nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp bách của các dự án, lãnh đạo EVNNPT đã chỉ đạo các Ban chuyên môn của Tổng công ty và CPMB tập trung nhân lực, khẩn trương triển khai các giải pháp để đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án.

Chủ động, tích cực bám sát các cơ quan có liên quan để phê duyệt chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu khả thi, Thiết kế kỹ thuật - Tổng dự toán, Kế hoạch lựa chọn nhà thầu của các dự án. Rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục lựa chọn thầu; thành lập Ban Điều hành cụm các dự án trọng điểm giải tỏa công suất NMNĐ BOT Vân Phong 1 trực thuộc CPMB và các Ban Tiền phương trực thuộc Ban Điều hành; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý dự án.

Hiện nay EVNNPT/CPMB thường xuyên làm việc với các địa phương, nhà thầu và các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên công trường để bàn giao mặt bằng các vị trí móng còn lại và hành lang tuyến theo kế hoạch cho các nhà thầu xây lắp.

Trên cơ sở tiến độ chi tiết các công việc đã thống nhất với nhà thầu, tổ chức điều hành công tác thi công, bám sát công trường để đôn đốc giám sát, kịp thời giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ cũng như đảm bảo chất lượng của dự án.

EVNNPT/CPMB đã yêu cầu nhà thầu xây lắp bố trí lãnh đạo của nhà thầu, lãnh đạo của từng thành viên nhà thầu trong liên danh có mặt tại công trường để chỉ huy, điều hành thi công, hoàn thành theo tiến độ cam kết. Lãnh đạo các nhà thầu phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bồi thường phục vụ thi công, đảm bảo hoàn thành bàn giao công trình tạm phục vụ thi công đồng bộ với tiến độ bàn giao móng tháng 4/2022 và hành lang tuyến tháng 6/2022.

Nhà thầu cũng được yêu cầu chủ động chuẩn bị sẵn sàng giải pháp thi công kéo dây vượt rừng đối với các đoạn tuyến đi qua rừng có thiết kế vượt rừng. Tăng cường cán bộ để tập trung thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phần móng và hành lang tuyến còn lại, bồi thường phục vụ thi công, cùng với địa phương và CPMB để giải quyết các vướng mắc trong suốt quá trình thi công đào đúc móng, lắp dựng cột và kéo dây.

“Các nhà thầu bố trí đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện máy móc thiết bị thi công trên công trường, tranh thủ thời tiết, sẵn sàng tổ chức thi công theo hình thức cuốn chiếu, đảm bảo hoàn thành theo các mốc tiến độ đảm bảo hoàn thành đúc móng toàn tuyến ngày 30/06/2022; hoàn thành lắp dựng cột ngày 31/08/2022; hoàn thành kéo dây ngày 30/11/2022”, ông Tùng nói.

Tin liên quan
Tin khác