Các biến thể của Covid-19 ngày càng phức tạp. |
Vào tháng 4/2021, Tổ chức Y tế thế giới cho biết, quỹ đạo của virus Corona đang “tiến triển theo cấp số nhân”, với hơn 4,4 triệu ca nhiễm Covid-19 mỗi tuần. Sang tháng 5, con số đã lên 5 triệu ca nhiễm/tuần.
Tốc độ phát triển kinh hoàng cùng với các biến thể ngày càng phức tạp khiến cuộc chiến của nhân loại với Covid-19 giống như “cuộc đua về đường chân trời”. Đến khi con người hiểu được hoàn toàn một biến thể, thì việc khắc chế nó dường như không còn hiệu quả, trong khi một biến thể mới, nguy hiểm hơn đã hình thành và lây lan theo hàm số mũ.
Những ngày giãn cách xã hội gần đây, khi đi dạo quanh nhà, tôi ước mình có thể tháo khẩu trang để hít thở khí trời trong lành mỗi sáng sớm. Hít thở để mà sống. Cứ ngỡ đây như chuyện đương nhiên chẳng bao giờ suy nghĩ đến. Thế mà, giờ đây lại là chuyện xa xỉ bậc nhất vào những thời khắc này. Và có lẽ sẽ còn một thời gian dài nữa, con người mới có thể tận hưởng những điều bình thường nhất của cuộc sống, thậm chí ngay cả khi có vắc-xin.
Sức khoẻ, sinh mạng người dân trong giờ khắc này phải là quan trọng bậc nhất, chiếm trọng lượng cao nhất trong bất kỳ quyết định nào liên quan đến các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Những ngày qua, Đồng Nai trở thành tâm điểm bức xúc của dư luận khi bỗng nhiên quyết định giãn cách xã hội một cách bất ngờ, mà không hề thông báo trước hoặc đề xuất các biện pháp khả dĩ hạn chế thiệt hại cho bản thân mình và địa phương khác như TP.HCM cùng các tỉnh lân cận (dù sau đó, tỉnh đã gỡ bỏ quyết định này). Dư luận đã bàn tán nhiều xoay quanh quyết định bất ngờ nói trên. Nhưng hầu như chưa ai đề cập tinh thần của một phản ứng nhanh nhạy, dứt khoát trong tình huống dầu sôi, lửa bỏng liên quan đến sức khoẻ và tính mạng “hàng loạt” người dân.
Với tốc độ lây lan cấp số nhân và những biến thể liên tục, sẽ tồi tệ đến đâu nếu Covid-19 xuất hiện tại các khu công nghiệp có hàng chục ngàn công nhân? Nếu không có những cảm thông từ các quyết định nhanh nhạy, nhưng cũng rất dễ dẫn đến sai lầm, rồi đây, do lo ngại búa rìu dư luận, khi ranh giới phân biệt giữa chống dịch, phát triển kinh tế và ngăn sông cấm chợ rất mong manh, các địa phương sẽ chùn tay, chậm trễ đưa ra quyết định vào những thời điểm quyết định nhất thì điều gì sẽ xảy ra? Quyết định không làm gì theo cách này có thể dẫn đến thảm hoạ hơn cả đưa ra quyết định quá mức cần thiết.
Mục tiêu kép, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, vừa chống dịch vào những thời khắc này cần phải lấy sức khỏe và sinh mạng người dân đặt lên hàng đầu. Đứng trước “cuộc chiến đường chân trời” với đại dịch vào những thời khắc quan trọng, quyết định giãn cách xã hội tại một số địa phương cần phải được tiếp tục duy trì một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Đây là cuộc chiến chưa có tiền lệ. Lãnh đạo địa phương đưa ra quyết định có thể hơi bất cập, hơi quá tay, nhưng điều quan trọng nhất là phải tính đến các kịch bản và đường thoát khả dĩ nếu các “cách đánh” ban đầu không hiệu quả.
Người dân, các bộ, ngành và Trung ương vẫn phải đồng hành và hỗ trợ địa phương trong quá trình đưa ra các quyết định (thậm chí chưa có tiền lệ) trong cuộc chiến chống Covid-19. Đường còn xa lắm. Chỉ có sự đồng cảm mới có thể cùng nhau về đích.