Doanh nhân
Cuộc chiến của bông cúc nhỏ
Công Sang - 18/10/2015 08:49
Với sự cứng rắn, quyết đoán và không ngại “cãi nhau” với chuyên gia Nhật Bản, bà Lê Thị Thanh Phương đã khiến nhiều đối tác Nhật thay đổi quan điểm không hay về doanh nghiệp Việt Nam và hợp tác với Điện hoa Việt Nam để đưa ra thị trường các mẫu hoa mới.

“Cuộc chiến” hoa cúc

Nói về cái duyên làm việc với người Nhật, bà Phương kể, đó là lần Điện hoa Việt Nam liên kết với One World và các chuyên gia Nhật Bản trồng thí nghiệm nhiều loại cúc ở Đà Lạt với mục tiêu xuất khẩu sang thị trường này vào tháng 9/2012. Từng nghe tiếng người Nhật Bản rất khó, nhưng khi bắt tay hợp tác, bà nhận ra rằng, dường như chữ khó chưa diễn tả hết nguyên tắc làm việc của họ.

Điển hình là việc người Nhật đem qua nhiều giống hoa cúc để trồng thử. Họ thống nhất quan điểm rằng, mọi thành công hay thất bại đều phải được báo cáo cho công ty mẹ hằng tuần với đầy đủ số lượng. Thậm chí, nếu mẫu trồng thử có bị hư hỏng thì cũng không được tiêu hủy ở Việt Nam, mà phải chuyển về Nhật Bản.

Doanh nhân Lê Thị Thanh Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Điện hoa Việt Nam

“Mọi thứ đều có thể chấp nhận được, trừ việc người Nhật không tin vào doanh nghiệp Việt Nam”, bà Phương nói và cho biết, đối tác Nhật bác bỏ mọi đề xuất từ phía Điện hoa Việt Nam, dù đó là những đề xuất có lợi cho dự án. Vì thế, mới làm việc với nhau vài tuần, bà và vị chuyên gia Nhật Bản tên là Taka “cãi nhau” suốt.

Bà còn nhớ, khi mới trồng hoa được 2 tháng, một số mẫu cây con bị côn trùng cắn. Với kinh nghiệm của mình, bà khẳng định, thủ phạm là con mối, nhưng phía Nhật Bản cho đó là con sùng, vì mối chỉ ăn vật liệu xây dựng, chứ không cắn cây con. Bà giải thích, ở Việt Nam khác Nhật Bản, ngoài con sùng còn nhiều loại khác có thể tấn công cây con và gửi kèm hình chụp, nhưng phía đối tác vẫn không tin.

Đến đợt thí nghiệm thứ hai, cây con lại bị chết. Lần này, bà xác định nguyên nhân là do sâu đất. Nhưng phía Nhật Bản tiếp tục bác ý kiến của bà. Như lần trước, bà Phương dẫn ông Taka ra vườn lúc 6 giờ sáng, đây là thời điểm sâu đất trồi lên phơi nắng và đề nghị chụp hình gửi về nước.

Một tuần sau, phía Nhật Bản gửi phản hồi. Lần đầu tiên họ chấp nhận để phía đối tác Việt Nam xử lý các loại côn trùng theo kinh nghiệm của mình. Tuy nhiên, bất đồng không dừng lại ở đó. Phía công ty Nhật Bản tiếp tục không đồng tình với nhiều đề xuất của bà Phương. Nhận thấy tính bất khả thi của quan hệ hợp tác này, Điện Hoa Việt Nam đã rút lui khỏi dự án. Nhưng bà Phương vẫn tiếp tục hỗ trợ ông Taka về kỹ thuật.

Sau này, ông Taka đã ngỏ ý xin lỗi bà vì những chuyện trước đây, do đã nghe nhiều điều không hay về các doanh nghiệp Việt Nam. Và từ ngày đó, ông luôn giới thiệu các bạn Nhật với bà Phương, có người là nhà đầu tư của dự án trồng hoa cúc trước kia, có người đang điều hành công việc kinh doanh ở Việt Nam, có người là các kỹ sư đang làm việc tại Việt Nam…

Từ kinh nghiệm của mình, nhận thấy lực lượng kỹ sư về hưu của Nhật Bản là tài sản quý với nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, bà Phương đang tìm cách kết nối lực lượng kỹ sư nông nghiệp Nhật Bản về hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Chiến thắng của ‘bông cúc nhỏ’

Trái với vẻ ngoài nhỏ nhắn, nữ tính, bà Phương rất cứng rắn và quyết đoán trong công việc. Bà cho biết, tính cách này có được do bà được trui rèn từ nhỏ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến bà phải bươn chải và luôn tìm tòi cái mới. Dự án kinh doanh đầu tiên của bà là năm bà 8 tuổi với đàn heo 6 con, nhưng thất bại.

Bà đầu tư vào Điện hoa Việt Nam năm 2007 và chính thức điều hành năm 2011. Từ đó, bà bắt đầu xây dựng lại mô hình quản lý bằng công nghệ để minh bạch hệ thống, quản lý từ xa dễ dàng, đồng thời giảm thiểu nhân sự những khâu không cần thiết.

Dấu ấn đầu tiên của bà Phương ở Điện hoa Việt Nam là trồng thành công hoa Lan Vũ Nữ ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Cuối năm 2011, nhận thấy dòng hoa này được thị trường ưa chuộng, nhưng lại bị giới hạn số lượng từ nhà phân phối, bà đã thuyết phục gia đình bỏ gần 400 triệu đồng đầu tư vào dự án này.

Lúc đó, giống Lan Vũ Nữ đã được trồng thử nghiệm ở Việt Nam 7 năm nhưng không thành công. Chưa kể, bà Phương không hề có kinh nghiệm trồng hoa này. Nhiều người nói bà liều, nhưng bà Phương định nghĩa đó là “điếc không sợ súng”.

Lần đó, bà tách chậu được 20.000 mẫu Lan Vũ Nữ. Được vài tháng thì hơn một nửa bị nhiễm bệnh nấm lá xanh, rễ bị thối. Bà cầm nắm rễ bệnh hỏi những người trồng hoa xung quanh thì đều nhận những cái lắc đầu ngao ngán. 400 triệu đồng có nguy cơ mất trắng.

Không nản lòng, bà hỏi các công thức chống bệnh từ những người trồng hoa và nhận được 7 công thức, cộng với công thức do chính bà tự tìm hiểu là 8. Bà trộn các công thức lại dựa trên triệu chứng bên ngoài của rễ hoa, ra thuốc và xịt vào hoa. 2 tuần sau, bệnh ngừng phát triển và rễ bắt đầu nhận chất dinh dưỡng. “Lúc đó, một là mất sạch, hai là vớt vát cái nào hay cái đó. Rất may là cứu được gần hết”, bà Phương cười nói.

Hiện nay, thị trường dịch vụ đặt hoa đã có phần bão hòa. Vì vậy, để tăng doanh thu cho Điện hoa Việt Nam, bà Phương cho rằng, cần có các giống mới và từ năm 2013, Công ty đã hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp giống Nhật Bản để đưa ra thị trường các mẫu hoa mới.

Quay lại câu chuyện kết nối, bà Phương cho rằng, việc xuất khẩu vào thị trường Nhật có nhiều cái lợi cho nông sản, nông dân và cả người tiêu dùng trong nước. Bởi thông thường, người Nhật sẽ chọn các mẫu phù hợp tiêu chuẩn để xuất đi, số còn lại để trong nước. Các mẫu bị loại không phải do chất lượng kém, mà do không đạt quy định về kích cỡ, thẩm mỹ của người Nhật. Mặt khác, sự quy củ của người Nhật cũng giúp nâng cao ý thức về sức khỏe cộng đồng của nông dân Việt Nam.

CEO Lê Thị Thanh Phương

Sinh năm 1981

Tốt nghiệp trung cấp kế toán, nhưng chỉ gắn bó với ngành này vài năm.

Có 6 năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo và sự kiện.

Hiện là thành viên HĐQT Công ty cổ phần BioMEQ, đơn vị phân phối sản phẩm của hãng MicroLife Thụy Sỹ ở Việt Nam.

Những lúc rảnh rỗi, bà Phương thường lang thang với bạn bè hay làm từ thiện.

Về công việc, bà Phương có thể làm bất cứ công việc gì, miễn là cảm thấy hạnh phúc và không làm hại người khác.

Bà quan niệm, khi mình không giỏi, thì sự trung thực, chữ tín, lòng tận tụy và làm tốt những thứ rất nhỏ sẽ làm người khác cảm thấy yên tâm khi làm việc với mình.
Tin liên quan
Tin khác