Doanh nghiệp
Cuộc chiến Hàn trên đất Việt
- 19/09/2013 12:58
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các đại gia Hàn Quốc đang biến thị trường Việt Nam trở thành “chiến địa” mới của họ. >>> >>> >>> >>> >>>

Samsung vs LG: mèo vờn chuột

Vào sáng ngày 10/9/2013, trong khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, UBND TP. Hải Phòng đã chính thức trao Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án thiết lập nhà máy để sản xuất, lắp rắp các sản phẩm điện tử và điện tử công nghệ cao của Tập đoàn LG Electronics (Hàn Quốc).

Dự án này có tổng vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD. Theo đó, giai đoạn 1 của dự án được thực hiện trong vòng 4 năm (9/2013 – 9/2017), với số vốn đầu tư 510 triệu USD.

Sang giai đoạn 2, được thực hiện trong 6 năm (10/2017 – 9/2023), LG có kế hoạch đầu tư thêm tới 990 triệu USD. Nhà máy này của LG dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 3/2014 và sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 9/2015.

Như vậy, sau khi thành công với các nhà máy chuyên sản xuất đồ điện tử, điện lạnh gia dụng ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, LG đã tiến thêm một bước nữa rất đáng kể ở thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, một nhà đầu tư khác của Hàn Quốc là Tập đoàn Samsung, ngày 3/9 vừa qua đã tới Nghệ An để tìm hiểu cơ chế, chính sách và cơ hội đầu tư vào tỉnh này. Dự án mà tập đoàn này hướng tới là Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 2 ở KCN Đông Hồi.

Một nguồn tin cho biết, Quỳnh Lập 2 chỉ là 1 trong 5 dự án nhiệt điện mà Samsung sẽ tập trung đi khảo sát trong tháng 9 này. Các dự án khác là Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh), Quảng Trạch 2 (Quảng Bình), sông Hậu 3 (Hậu Giang) và Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương (Kiên Giang).

Nhưng năng lượng là một mối quan tâm hoàn toàn mới của Samsung ở Việt Nam. Tập đoàn này hiện vẫn đang theo đuổi kế hoạch đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất mới của mình trong lĩnh vực điện tử.

Bằng chứng là, trung tuần tháng 8 vừa qua, ông Seung Mo Ryu, Tổng Giám đốc Công ty Samsung Electro – Mechanics, đã có chuyến công du tới Việt Nam. Và mục đích chính của ông là đặt lên bàn các cơ quan chức năng Việt Nam bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Sản xuất vi mạch và Linh kiện điện tử cho điện thoại di động Samsung trong khu vực Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT, Khu công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên).

Dự án này có vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Giống như dự án sản xuất điện thoại di động mà tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc này đã khởi công xây dựng tại Thái Nguyên hôm 25/3/2013, dự án mới nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh.

Nếu mọi việc suôn sẻ, thì theo ông Phan Mạnh Cường, Phó ban phụ trách Ban Quản lý Khu công nghiệp Thái Nguyên, chỉ trong tháng 9 này, Samsung sẽ có được điều mà họ mong muốn: giấy chứng nhận đầu tư mới.

Với thêm 1,2 tỷ USD nói trên, Samsung sẽ có 3,2 tỷ USD ở Thái Nguyên, 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh, chưa kể Samsung Vina trong TP.HCM sau khi chính thức trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cũng đang lên một kế hoạch đầu tư mới, thay thế cho nhà máy sản xuất tivi quy mô nhỏ hiện tại.

Như vậy, cả hai tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc và toàn cầu đều đã đầu tư tiền tỷ (USD) ở Việt Nam. Và có vẻ, “cuộc chiến” giữa Samsung và LG tại thị trường Việt Nam đã chính thức bắt đầu.

Hiện tại, Samsung đang thắng thế so với LG. Samsung đang là tập đoàn điện tử lớn nhất Hàn Quốc và cũng là nhà sản xuất điện thoại đứng đầu thế giới. LG có thể đang yếu thế hơn, nhưng cứ nhìn vào các động thái gần đây có thể thấy, tập đoàn này cũng không ngần ngại tuyên chiến với “người đồng hương”.

Một trong những động thái rõ ràng nhất là LG đã chơi trội trước Samsung vào dịp Samsung chính thức công bố vũ khí mới của mình – Samsung Galaxy S4. Hẳn nhiều người còn nhớ, trong khi Samsung rất ngạo nghễ với 2 poster khổng lồ “Hãy sẵn sàng cho Galaxy mới” trên Quảng trường Thời đại (New York – Mỹ), thì ngay trước ngày Galaxy S4 ra mắt một hôm, LG cho treo ngay quảng cáo cỡ đại cho smartphone mới nhất – Optimus G Pro.

Cao hơn, to hơn và sáng rõ hơn của Samsung, khiến nhiều người đi qua không thể không mỉm cười. Đầu tháng 8 này, LG cũng đã tiếp tục tung smartphone G2, một sản phẩm được cho là “đối thủ” của S4.

Nhưng có lẽ hai “kỳ phùng địch thủ” xứ sở kim chi này không trực tiếp tỷ thí tại Việt Nam. Bởi hiện tại, Samsung đang dồn lực để sản xuất các sản phẩm điện thoại và linh kiện, mặc dù cũng không loại trừ các sản phẩm khác.

Trong khi đó, LG hiện vẫn đang tập trung vào hàng điện tử gia dụng. Không rõ trong “điện tử công nghệ cao” có điện thoại di động hay không?

Bởi vậy, nếu có cạnh tranh trực tiếp – trên khía cạnh sản xuất, điện tử gia dụng sẽ là nhóm hàng mà cả hai đại gia này nhắm đến. Nhưng nếu trong khoản đầu tư 1,5 tỷ USD kia của LG có điện thoại di động, thì câu chuyện sẽ khác.

Hơn nữa, dù thế nào thì hai đại gia này chắc chắn sẽ “nhòm ngó” nhau trong từng động thái trên thị trường Việt Nam, bởi ít nhiều nó sẽ thể hiện bước đi tiếp theo của họ trên thị trường toàn cầu. Họ sẽ “trông đối thủ” để “bỏ thóc”.

Lotte vs CJ: cú đánh trực diện

Nếu như hai con hổ Samsung và LG trước mắt mới đang vờn nhau, thì Lotte và CJ – cũng là hai tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc – lại sẽ có những “cú đánh trực diện” trong thời gian tới. Lý do là cả hai “đại gia” trong lĩnh vực giải trí này đang có những mối quan tâm chung ở thị trường Việt Nam.

Chiều 24/7/2013, Lotte đã chính thức cất nóc Lotte Center Hà Nội, vốn đầu tư 400 triệu USD, ngay góc đường Liễu Giai – Đào Tấn và đối diện Daewoo Hotel, đã có thời từng thuộc về một đại gia xứ Hàn.

Nếu như Daewoo E&C chưa bán 70% cổ phần của khách sạn 5 sao này cho Hanel thì cuộc chiến Hàn – Hàn ở góc phố đẹp nhất nhì Thủ đô này thậm chí còn có thể coi là “giáp lá cà”. Nhưng điều đó không xảy ra, vì Daewoo Hotel giờ đã hoàn toàn thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp Việt.

Có điều, khi Lotte 65 tầng hoàn thành, một tên tuổi Hàn khác chắc cũng sẽ không ngồi yên. Đó là CJ. Tập đoàn này hồi cuối năm 2011 đã dốc 73,6 triệu USD để mua 80% cổ phần của Envoy Media Partners để giành quyền điều hành cụm rạp chiếu phim Megastar, lúc ấy gần như “một mình một chợ” ở thị trường Việt Nam, dù cũng vẫn có các cụm rạp nhỏ lẻ khác. Không đổi tên dù đã đổi chủ, song hệ thống Megastar đang phải cạnh tranh khá quyết liệt với 7 cụm rạp chiếu phim mang tên Lotte.

Hiện tại, cả Megastar và Lotte đều đang “vớ bẫm” ở thị trường Việt Nam, không chỉ vì họ liên tục nhập những bộ phim bom tấn về trình chiếu, mà còn vì “phong cách giải trí kiểu Hàn” với bỏng ngô, nước ngọt và đồ ăn nhanh.

Nhiều lời đồn đoán bỏng ngô mới là mặt hàng mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho các cụm rạp này. Tất nhiên, rạp chiếu phim mới chỉ là một nhánh kinh doanh nhỏ của Lotte ở Việt Nam.

Tập đoàn này cuối năm ngoái đã đổi tên Legend Hotel ở TP.HCM thành Lotte Legend Hotel. Họ cũng đã mua thêm một khách sạn khác ở Đà Nẵng. Chưa kể cứ ít lâu lại có những thông tin về việc khởi công xây dựng Trung tâm thương mại Lotte ở một địa phương nào đó. Hà Nội và TP.HCM là đương nhiên, ngoài ra còn Phan Thiết, Bình Thuận, Quảng Ninh…

Hôm Lotte Center Hà Nội cất nóc, ông Lee Jong Kook, Tổng giám đốc Lotte Center Hanoi, chẳng ngần ngại mà chia sẻ rằng, Lotte hiện “đang rất thành công với những công ty như Lotte Mart, Lotte Homeshopping, Lotte E&C, Lotte International”…

Và rằng, Lotte Mart hiện đang có 4 chi nhánh hoạt động trên toàn Việt Nam và đang có kế hoạch mở rộng thêm 3 chi nhánh nữa trong năm nay. Nhưng trên lĩnh vực này Lotte sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ với E-Mart, một tên tuổi bán lẻ khác của Hàn Quốc.

Tháng 7/2011, E-Mart đã cùng với Tập đoàn U&I của Việt Nam thành lập liên doanh bán lẻ. Mục tiêu của E-Mart là đến năm 2017 sẽ có 17 siêu thị. E-Mart có thể lúc này chưa phủ rộng ở Việt Nam, nhưng trong tương lai không xa thì cuộc chiến Hàn – Hàn trong lĩnh vực bán lẻ có lẽ cũng khó tránh.

Và phần còn lại của làn sóng Hàn

Thực ra, Samsung, Lotte, E-Mart hay CJ đều có thể coi là những “tân binh” Hàn trên đất Việt, dù họ cũng đã xuất hiện ở Việt Nam từ gần 20 năm trước. Gọi là người mới, bởi chỉ mấy năm gần đây, cùng với làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, họ mới cấp tập dốc vốn và dốc rất lớn.

Có thâm niên lâu hơn, Kumho Asinana, Posco, Hyundai, GS E&C, Doosan… đều đã và đang rất thành công ở thị trường Việt Nam. Kumho có Kumho Asiana Plaza, 255 triệu USD, ở TP.HCM. Kumho Tires, chuyên sản xuất lốp xe, 200 triệu USD, ở Bình Dương và đang có kế hoạch đầu tư thêm 100 triệu USD nữa trong năm nay.

Các đường bay của Kumho Asiana Airlines tới Việt Nam cũng đang tiếp tục được mở rộng. Tập đoàn này còn mong muốn có một Kumho Asiana Plaza ở Hà Nội và kế hoạch xây dựng một nhà máy điện ở Việt Nam.

Trong khi đó, Doosan có Doosan Vina ở Quảng Ngãi, rất nổi tiếng với các thiết bị lò hơi cho nhà máy nhiệt điện và thiết bị khử nước mặn. Cũng phải kể tới T.H.T rất nỗ lực với một đại đô thị Tây Hồ Tây – đang dần hình thành.

Sắp tới, C&N Vina – Hàn Quốc sẽ đầu tư một “làng Hàn Quốc” ở Quảng Nam, với diện tích 1.600 ha. Hiện tại, đã có Khu công nghiệp Tam Anh trong khu vực này được cấp chứng nhận đầu tư, với vốn đăng ký 25 triệu USD…

“Việt Nam đang có cơ hội tăng nhanh thu hút đầu tư từ Hàn Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao”, ông Kim Jung In, Chủ tịch Phòng thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), khẳng định và cho rằng, việc Việt Nam áp dụng lại chính sách ưu đãi thuế đối với phần đầu tư mở rộng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng đầu tư vào Việt Nam.

Đặc biệt, sự xuất hiện của đông đảo các đại gia Hàn, như Samsung, LG, Hyundai, Lotte… sẽ là động lực thu hút các nhà đầu tư nhỏ hơn, các nhà sản xuất vệ tinh tới Việt Nam. Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/8/2013, Hàn Quốc đã có tới gần 3.400 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 26 tỷ USD. Trong danh sách các nền kinh tế đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, họ chỉ đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Có điều, chắc không nhiều người biết, khoản đầu tư đã được cấp phép hiện tại của Samsung – 4,5 tỷ USD, không được tính vào thành tích của người Hàn Quốc, bởi khi vào Việt Nam, Samsung đều đăng ký qua công ty con của họ ở Singapore. Nếu tính thêm cả khoản vốn này, Hàn Quốc có hơn 30 tỷ USD, chỉ đứng sau Nhật Bản, với trên 33 tỷ USD mà thôi.

Nhiều người gọi làn sóng hiện tại là làn sóng thứ ba, với “khẩu vị” đầu tư khác. Thay vì bất động sản, tài chính, các nhà đầu tư xứ Hàn đang dấn bước vào các lĩnh vực giải trí và công nghệ, trong đó công nghệ là điểm nhấn hàng đầu.

Đặc biệt, sự quan tâm của Samsung trong lĩnh vực năng lượng cũng có thể coi là một sự dịch chuyển rất đáng chú ý. Trong Tuyên bố chung Việt Nam – Hàn Quốc hồi tuần qua, hai bên cũng đã nhắc đến việc khởi động nghiên cứu tiền khả thi một nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, cũng như nhất trí hợp tác và hỗ trợ để các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia các dự án hạ tầng năng lượng, như Dự án Kho dự trữ dầu Dung Quất, Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện tại khu vực phía Nam Việt Nam.

Việc UBND tỉnh Thanh Hóa và Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc ký biên bản ghi nhớ thúc đẩy việc thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 cũng là một động thái đáng chú ý nữa.

Có một câu chuyện thú vị không phải ai cũng biết. Đó là vào cuối tháng 7/2012, khi sang Việt Nam, ông Sam-Koo Park, Chủ tịch Tập đoàn Kumho Asiana đã chia sẻ rất thật với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh rằng, không ở được 1.000 năm như Thăng Long – Hà Nội đã trường tồn thì Kumho Asiana cũng mong muốn có thể “bám rễ” ở Việt Nam 500 năm. Có thể, đó chỉ là câu nói vui, song nó cũng cho thấy, Kumho Asiana có ý định làm ăn rất lâu dài tại Việt Nam.

Còn ông Lee Kwon Sang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển T.H.T, chủ đầu tư Dự án Tây Hồ Tây đã làm nhiều người ngạc nhiên khi tỏ ra thấu hiểu và thông cảm với việc các ông bố, bà mẹ Việt Nam cứ 5 giờ chiều lại phải rời công sở để đón con, sau đó lại quay trở lại làm việc. Những người hiểu và gắn bó với Việt Nam như thế có lẽ không nhiều.

Nhưng các nhà đầu tư Hàn Quốc đã làm được điều đó. Họ thậm chí đã coi Việt Nam như ngôi nhà thứ hai của mình, gần gũi và thân thiết. Họ cũng đã và đang lựa chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu và liên tục đổ vốn vào thị trường này, thị trường mà ngay cả Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng đánh giá cao.

Vị Tổng thống này, khi trao đổi với báo giới nhân chuyến thăm Việt Nam vừa qua đã khẳng định rằng, hợp tác đầu tư giữa hai nước tính đến thời điểm này chủ yếu thiên về lĩnh vực công nghiệp nhẹ, giờ đây cần phát triển sang các lĩnh vực đa dạng khác có giá trị gia tăng cao.

“Để đưa quan hệ hợp tác kinh tế phát triển thêm một bậc nữa, nhất thiết cần xây dựng khung chính sách thông qua Hiệp định Thương mại tự do mang tính toàn diện và ở tầm cao; cơ cấu công nghiệp hai nước có sự bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau rất lớn sẽ mang lại kết quả tương hỗ cùng có lợi cho cả hai bên”, Tổng thống Park Geun-hye nói.

Những gì đang diễn ra trong thực tế có vẻ như cũng đã và dần từng bước đáp ứng nguyện vọng của vị nữ Tổng thống đầu tiên của xứ Hàn. Và hơn cả nguyện vọng, chuyến thăm của Tổng thống Park Geun-hye tới Việt Nam – quốc gia mà bà đã chọn là điểm đến đầu tiên trong khu vực ASEAN kể từ khi nhậm chức – sẽ tạo thêm xung lực cho hợp tác đầu tư Hàn Quốc – Việt Nam và tạo lực đẩy để làn sóng đầu tư thứ ba từ Hàn Quốc sang Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn.


Theo Vĩ Thanh (Doanh Nhân)

Tin liên quan
Tin khác