Đường dễ thành khó
Tại Việt Nam, Toyota, Honda lựa chọn cách liên doanh với đối tác trong nước để lập nhà máy sản xuất và kinh doanh ô tô. Mazda tuy chưa lập liên doanh, nhưng cũng chọn được đối tác lừng danh là Trường Hải để mở rộng thị phần, còn Nissan lại có cách đi của riêng mình.
Chính thức hiện diện tại Việt Nam vào năm 2008, là liên doanh giữa Tập đoàn Nissan Motor Nhật Bản với Kjaer Group A/S của Đan Mạch, Công ty Nissan Việt Nam có vốn đầu tư ban đầu là 10 triệu USD. Để có sản phẩm, Nissan Việt Nam đã thuê Công ty liên doanh Ô tô Hoà Bình lắp ráp các sản phẩm trên bộ linh kiện nhập khẩu do mình cung cấp. Nissan Việt Nam cũng đã đầu tư khoảng 2,5 triệu USD để nâng cấp các trang thiết bị phục vụ cho lắp ráp xe Nissan tại cơ sở của đối tác, cũng như cử các chuyên gia Nhật Bản đến giám sát chất lượng.
Nissan X-Trail |
Cách đi này từng được xem là giúp Nissan nhanh chóng tiếp cận được người tiêu dùng mà không phải chờ đợi đầu tư nhà máy mới khi thời gian xây dựng có thể lên tới 2-3 năm. Nissan đã kỳ vọng, tới năm 2014 sẽ chiếm 5,5% thị phần xe hơi dưới 9 chỗ tại Việt Nam, bao gồm cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, giấc mơ này vẫn đang ở trạng thái ước mong.
Tháng 10/2011, đối tác Đan Mạch đã chuyển cổ phần của mình sang Tập đoàn Tan Chong (Malaysia) và Nissan được kỳ vọng sẽ có bước đột phá lớn, bởi đối tác mới là đơn vị độc quyền bán xe Nissan tại thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, cũng như đã có 60 năm gắn bó với thương hiệu này.
Nhưng ngay năm 2012, Nissan Việt Nam đã gặp cú sốc truy thu thuế vài trăm tỷ đồng với bộ linh kiện của xe Grand Livina bởi cách hoạt động thuê đơn vị ngoài lắp ráp. Tranh cãi với cơ quan hữu trách đã khiến Nissan Việt Nam không có nhiều hoạt động bán hàng trong năm 2012 tới giữa năm 2013.
Khi nhà máy Nissan Đà Nẵng với vốn đầu tư 40 triệu USD cũng do Tập đoàn Tan Chong xây dựng đi vào sản xuất tháng 6/2013, Nissan Việt Nam mới lại được điểm danh với mẫu xe Sunny lắp ráp tại đây.
Tuy nhiên, Nissan Sunny đã không tạo ra cơn sốt nào trên thị trường Việt Nam, bởi không phải là mẫu xe mới và các đối thủ cạnh tranh rất ngang ngửa. Tới giờ, Nissan Việt Nam mới tiếp tục lắp ráp X-Trail và đang hân hoan với những tín hiệu tốt từ thị trường.
Ông Ang Bon Beng, Chủ tịch Nissan Việt Nam cho biết: “Nissan tuy có quan tâm tới thị trường, nhưng họ đưa ra sản phẩm nào thì chúng tôi phải bán sản phẩm đó. Khác với ở Malaysia, chúng tôi có các nhà máy phụ trợ nên có thể cải tiến một vài chi tiết trên sản phẩm, nhưng ở Việt Nam không thể làm được, nên chỉ có thể bán đúng sản phẩm mà Nissan đưa ra”.
Chiến lược giá
Lạc quan, vui mừng với lượng đơn hàng đang đổ về ào ào là cảm xúc mà các lãnh đạo đến từ công ty mẹ là Tập đoàn Tan Chong và Công ty Nissan Việt Nam được tận hưởng kể từ khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Sự lạc quan này có thể hiểu được khi nhìn vào mức giá 1,198 tỷ đồng cho phiên bản X-Trail 2.5L SV 4WD, hay mức thấp nhất là 998 triệu đồng cho phiên bản X-Trail 2.0L 2WD Xtronic-CVT. So với mức giá các phiên bản cao nhất của Honda CR-V là 1,178 tỷ đồng hay Mazda CX-5 là 1,07 tỷ đồng - những đối thủ mà Nissan Việt Nam xem là cạnh tranh trực diện, thì X-Trail có sự vượt trội bởi những trang thiết bị đi kèm mà quan trọng nhất là hệ thống dẫn động 2 cầu 4 bánh.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, với những trang bị vượt trội này, ban đầu X-Trail được lên kế hoạch với một mức giá cao hơn nhiều, dự tính không dưới 1,3 tỷ đồng cho phiên bản cao nhất. Tuy nhiên, vào đúng thời điểm Nissan Việt Nam quyết định giới thiệu xe với các khách hàng tiềm năng, Mazda CX-5 đã tung những chương trình khuyến mại trị giá tới gần trăm triệu đồng. Bởi vậy, chiến lược giá của X-Trail đã được xem xét lại. “Thậm chí, chúng tôi đang chịu lỗ với mức giá này để có thể thâm nhập vào thị trường SUV đang phát triển rất nhanh và đứng thứ 2 trong số các phân khúc trên thị trường ô tô”, một lãnh đạo của Nissan Việt Nam nói.
Quyết định này đã nhanh chóng đem lại cho X-Trail những kết quả ấn tượng. Số lượng đơn hàng tới thời điểm giới thiệu chính thức đã lên tới 400 xe. Con số này cao gấp đôi mục tiêu được Nissan Nhật Bản đặt ra chỉ là 200 xe/tháng. Với sản phẩm tốt, Nissan hy vọng sẽ giành 20-30% thị phần, tương đương 2.000-3.000 xe/năm.
Dẫu vậy, chiến lược giá không phải là bền vững, bởi có khách hàng cho hay, đã nhận được mức chào giá 1,035 tỷ đồng cho Mazda CX-5 đời 2016, nếu mặc cả tốt thì còn giảm được thêm nữa. Như vậy, X-Trail sẽ cao hơn CX-5 khoảng 200 triệu đồng.
Cuộc đấu để giành thị phần trong phân khúc crossover giữa 3 ông lớn cùng đến từ Nhật Bản là CX-5, CRV và X-Trail hứa hẹn còn nhiều bất ngờ.