Năm lần, bảy lượt lên kế hoạch, đưa vào nghị quyết và hô “quyết tâm”, nhưng cuộc “đại di dời” hơn 21.000 hộ dân của hơn 21.000 căn nhà ven kênh rạch của TP.HCM chỉ mới đạt 12,4%. Đa số chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư, chưa kêu gọi được dự án vốn ngoài ngân sách. Quá nhiều vướng víu về vốn cùng hành lang pháp lý, hành chính đã dẫn tới tình cảnh trên.
Hàng ngàn căn nhà lụp xụp ven kênh Đôi, quận 8. Ảnh: Lê Toàn |
Bài 2: Mịt mù dự án 2 bờ Nam - Bắc kênh Đôi
Số hộ dân sống ven kênh rạch của quận 8 chiếm tới 30% tổng số dân phải di dời khỏi kênh rạch của TP.HCM, tập trung chủ yếu ở 2 bờ Nam - Bắc của kênh Đôi. Từ năm 2015 đến nay, chính quyền đã “trải thảm”, nhưng không doanh nghiệp nào bỏ tiền vào “đại dự án di dời” hơn 6.000 căn nhà với hàng chục ngàn dân 2 bờ Nam - Bắc này.
Dự án dùng ngân sách thì tăng gấp đôi vốn
Tại kỳ họp thứ 6, HĐND TP.HCM khóa X, ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch UBND quận 8 cho biết, qua khảo sát 16 phường, quận 8 có 12.389 căn nhà lụp xụp, với 52.503 nhân khẩu đang sinh sống. Trong đó, riêng kênh Đôi tại bờ Nam dài khoảng 9,7 km có hơn 5.000 căn nhà và bờ Bắc có hơn 1.000 căn. Những căn nhà này diện tích nhỏ, không có pháp lý đầy đủ và không có các tiện nghi căn bản như điện, nước. Người dân ở đây xả chất thải trực tiếp xuống kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Cơ quan chức năng đã lập 2 dự án bờ Nam và bờ Bắc kênh Đôi, đưa vào chương trình hành động, kế hoạch xóa nhà trên và ven kênh được duyệt giai đoạn 2015- 2020. Theo đó, Dự án tại bờ Bắc kênh Đôi được đầu tư ngân sách, Dự án bờ Nam kênh Đôi đầu tư bằng hình thức kết hợp giữa ngân sách và nhà đầu tư xã hội hóa.
Được đầu tư bằng ngân sách, Dự án tại bờ Bắc kênh Đôi đi qua 5 phường của quận 8, với tổng diện tích thu hồi hơn 21.000 m2, hơn 1.000 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 997 trường hợp giải tỏa toàn bộ, 21 trường hợp giải tỏa một phần. Dự án trước đây đã được TP.HCM ghi vốn khoảng 500 tỷ đồng, nhưng quá chậm triển khai. Tới năm 2019, tại một báo cáo của UBND quận 8 gửi UBND TP.HCM, tổng vốn của Dự án đã đội lên 1.666 tỷ đồng ngân sách.
Cũng theo báo cáo của quận 8, tại thời điểm năm 2019, chính quyền mới hoàn thành việc ban hành thông báo thu hồi đất cho các hộ dân; hoàn thành công tác điều tra xã hội học, khảo sát, đo đạc kiểm đếm; lập dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để xây dựng kè bờ Bắc kênh Đôi.
Còn tới giờ này, như báo cáo tại kỳ họp thứ 6, HĐND TP.HCM khóa X, ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch UBND quận 8 cho hay, sẽ phải lập lại dự án để trình UBND TP.HCM. Tức là dự án sẽ được rời sang chương trình di dời nhà ở trên và ven kêch rạch giai đoạn 2021-2025.
Nguyên nhân chậm triển khai dẫn tới đội vốn là vốn ngân sách thành phố thiếu để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân, xây dựng bờ kè, hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp hệ thống thoát nước. Trong khi đó, quy mô, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đến thời điểm này cũng có nhiều thay đổi.
Điều đáng suy ngẫm là, dự án chậm gây tăng vọt vốn do ngân sách hạn chế, nhưng UBND quận 8 vẫn kiến nghị UBND TP.HCM tiếp tục… chấp thuận đầu tư bằng ngân sách.
Dự án dùng vốn xã hội hóa càng “đói” hơn
Dự án bờ Bắc kênh Đôi chỉ di dời hơn 1.000 căn nhà, nên dùng vốn ngân sách. Còn Dự án bờ Nam kênh Đôi lớn gấp… 5 lần Dự án bờ Bắc, tới hơn 5.000 căn nhà tại 7 phường của quận 8 phải giải tỏa, nên ngành chức năng chọn giải pháp đầu tư kết hợp giữa ngân sách và nhà đầu tư xã hội hóa.
Theo quyết tâm của cơ quan chức năng lúc bấy giờ, Dự án bờ Nam kênh Đôi sẽ di dời, giải tỏa và tái định cư cho toàn bộ các hộ dân đang sống trên và ven bờ Nam kênh Đôi (đa số là các hộ dân lấn, chiếm, sử dụng trái phép), nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, cải tạo hệ thống thoát nước, xây dựng cảnh quan... thực hiện theo chương trình chỉnh trang đô thị nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.
Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là bộ phận dân cư nghèo, có thu nhập thấp, bố trí lại dân cư với nơi ở mới tốt hơn; chuyển đổi từ một nơi ở tạm bợ trên và ven kênh rạch, ô nhiễm, có nguy cơ sạt lở, môi trường sống không đảm bảo chuyển sang chỗ ở ổn định và chất lượng sống tốt hơn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, đảm bảo an sinh xã hội trong nhịp sống phát triển của Thành phố, hình thành và phát triển hạ tầng du lịch, phát triển giao thông đường thủy.
Dự án được duyệt và UBND quận 8 đã tạm ứng 6 tỷ đồng ngân sách phục vụ công tác điều tra, khảo sát, đo vẽ hiện trạng. Tới tháng 4/2017, tại buổi làm việc với Tổ công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch thuộc địa bàn quận 8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM lúc bấy giờ là ông Lê Văn Khoa cho hay, ngân sách thành phố không đủ, nên phải kêu gọi nhà đầu tư ứng 13.000 tỷ đồng và không tính lãi suất trong 3 năm để thực hiện di dời 5.000 căn nhà ven và trên kênh rạch tại bờ Nam kênh Đôi.
Cũng tại buổi làm việc này, Tổ công tác cho biết, đã có 5 nhà đầu tư xin thực hiện Dự án. Vì thế, ông Khoa giao Tổ công tác làm việc và đề xuất UBND TP.HCM phương án xin Chính phủ chủ trương, cơ chế để được chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức PPP (đối tác công tư), bởi đây là dự án đặc thù, cần phải thực hiện di dời và tái định cư cho người dân.
Trong khi đó, nếu thực hiện cơ chế đấu thầu, sẽ tốn nhiều thời gian. Hơn nữa, rà soát cho thấy, dù có nhiều chủ đầu tư muốn tham gia thực hiện, nhưng không có nhiều đơn vị có khả năng tài chính và năng lực thực hiện dự án.
Qua quá trình triển khai, Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật di dời nhà ven kênh do đầu tư theo phương thức PPP có nhiều vướng mắc, nên Dự án bờ Nam kênh Đôi không kêu gọi được đầu tư.
Tới tháng 2/2018, UBND TP.HCM tổ chức một hội nghị lớn mời gọi đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh, rạch, chỉnh trang đô thị, với sự tham dự của nhiều đại diện các bộ, ngành trung ương, cùng các doanh nghiệp. Tại hội nghị này, Dự án di dời và tái định cư các hộ dân sống trên và ven bờ Nam kênh Đôi nằm trong danh mục các dự án mời gọi đầu tư.
Tuy nhiên, Dự án vẫn… đứng im, bởi đây là dự án có quy mô lớn, khối lượng bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều, nhưng các chỉ tiêu quy hoạch chưa thu hút, chưa tìm được nhà đầu tư.
Mặt khác, theo thừa nhận của một doanh nghiệp, ngoài nguồn lợi “không thấm vào đâu”, cái khó lớn hơn là hầu hết các hộ dân tại khu vực này sử dụng phần đất lấn chiếm, xây dựng không phép, không đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, dẫn đến giá trị bồi thường thấp, không đảm bảo điều kiện ổn định cuộc sống sau khi di dời. Từ đó, rất khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng tiến độ, tức đồng vốn doanh nghiệp sẽ bị “chôn” rất lâu.
Năm 2019, với kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tại Thông báo số 507/TB-VP ngày 9/8/2019, UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 Dự án để tạo sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Đồ án điều chỉnh quy hoạch được quận 8 phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM thực hiện và trình, nhưng tới giờ chưa được thông qua, vì phải xem xét thống nhất lại một số chỉ tiêu cho phù hợp.
Và cũng như Dự án bờ Bắc, Dự án bờ Nam kênh Đôi được rời sang giai đoạn 2021-2025. Ở giai đoạn mới, UBND quận 8 vẫn đề nghị vừa đầu tư bằng ngân sách, vừa xã hội hóa, nhưng chia Dự án thành 2 giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn I, sẽ dùng ngân sách để giải tỏa hơn 2.600 căn nhà với kinh phí khoảng 9.000 tỷ đồng (gồm bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 7.700 tỷ đồng). Giai đoạn còn lại sẽ mời gọi đầu tư xã hội hóa để di dời, giải tỏa hơn 2.380 căn nhà trên diện tích 39 ha còn lại của bờ Nam.
Như vậy, Dự án bờ Nam kênh Đôi đáng lẽ phải hoàn thành năm 2020, thì nay lại trở về vạch xuất phát. Đáng nói là, giải pháp để hình thành cơ chế chính sách đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả đôi bên vẫn chưa… có gì mới. Vậy liệu có doanh nghiệp nào bỏ tiền túi ra đầu tư Dự án?
Rốt cục, khốn khổ nhất vẫn là hàng chục ngàn người dân dự án 2 bờ Nam - Bắc kênh Đôi, chưa biết đến bao giờ mới thoát cảnh ăn, ngủ, nghỉ trong những căn nhà không điện, nước, lụp xụp ven dòng kênh ngập ngụa ô nhiễm.
Với dự án kết hợp giữa ngân sách và nhà đầu tư xã hội hóa, việc kêu gọi vốn cho chương trình chỉnh trang đô thị, nhất là chương trình di dời nhà ở ven kênh, rạch gặp khó khăn hơn các chương trình khác, vì việc thực hiện dự án thường kéo dài, phức tạp, lợi nhuận không cao, nên doanh nghiệp không mặn mà tham gia.
(Còn tiếp)