Năm lần, bảy lượt lên kế hoạch, đưa vào nghị quyết và hô “quyết tâm”, nhưng cuộc “đại di dời” hơn 21.000 hộ dân của hơn 21.000 căn nhà ven kênh rạch của TP.HCM chỉ mới đạt 12,4%. Đa số chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư, chưa kêu gọi được dự án vốn ngoài ngân sách. Quá nhiều vướng víu về vốn cùng hành lang pháp lý, hành chính đã dẫn tới tình cảnh trên.
TP.HCM còn hàng chục ngàn căn nhà xập xệ ven kênh rạch. Ảnh: Lê Toàn |
Bài 3: Vốn công dự án trọng điểm chỉ đủ… đo vẽ
Sau nhiều năm tê liệt, mới đây, Dự án Cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) và Dự án Cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) được bố trí vốn, nhưng chỉ đủ để… đo vẽ khảo sát.
Dự án rạch Văn Thánh... thanh vắng
Rạch Văn Thánh (thuộc hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) có phạm vi từ cầu Điện Biên Phủ đến ngã ba kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, qua các phường 19, 21, 22 (quận Bình Thạnh), tổng chiều dài khoảng 1,5 km. Cùng với sông Sài Gòn, kênh rạch này có vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thoát nước khu vực quận Bình Thạnh, cũng là khu vực mà tuyến metro đầu tiên của TP.HCM (Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên) sẽ đi qua, kết nối đoạn đi trên cao (Điện Biên Phủ) với đoạn đi ngầm (Ba Son).
Tuy nhiên, tình trạng bị bồi lấp và lấn chiếm trong thời gian dài khiến rạch Văn Thánh bị ô nhiễm nặng, giảm khả năng thoát nước và mất dần khả năng giao thông đường thủy. Thế nên, việc cải tạo rạch Văn Thánh được xếp dự án trọng điểm về di dời nhà ở ven và trên kênh rạch.
Từ tháng 2/2018, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư cải tạo kênh rạch lớn, bao gồm Dự án Cải tạo rạch Văn Thánh. Theo đó, chi phí thực hiện nạo vét rạch, thi công xây dựng đường giao thông ven rạch khoảng 430 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, thanh toán bằng quỹ đất.
Sau khi thực hiện, TP.HCM sẽ san lấp vùng khoét lõm tại phường 22 cạnh nhà ga tuyến Metro số 1 diện tích khoảng 1,8 ha tạo quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư. Còn việc bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.300 tỷ đồng cho tổng số 844 căn nhà dân bị ảnh hưởng thì dùng nguồn vốn ngân sách.
Tại hội nghị trên, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định, Dự án đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2017, được UBND TP.HCM ghi vốn chuẩn bị đầu tư 1,7 tỷ đồng để triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Còn đại diện Ngân hàng Vietcombank cam kết, bên cạnh việc tham gia đầu tư các dự án trọng điểm của Thành phố, sẽ đồng hành kêu gọi vốn đầu tư cả trong nước và nước ngoài thông qua mối quan hệ chiến lược với các tổ chức tín dụng và phi tín dụng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, do quá nhiều vướng mắc, hình thức hợp đồng BT bị tạm ngưng, buộc TP.HCM phải chuyển sang hình thức đầu tư công và được bổ sung vào Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Dự án kênh Hy Vọng... vô vọng quá dài
Dự án Cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) cũng là dự án trọng điểm của TP.HCM về di dời nhà ở ven và trên kênh rạch. Kênh này có vai trò rất quan trọng trong tiêu thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất (hướng thoát ra kênh Tham Lương) và dân cư ở khu vực. Tuy nhiên, suốt thời gian dài, kênh bị bồi lấp bởi lượng rác thải khổng lồ khiến khu vực này luôn bị ngập mỗi khi trời mưa. Đặc biệt, tình trạng ngập nước khi trời mưa thường xuyên xảy ra tại khu vực bên ngoài và trong khu vực sân đỗ máy bay, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất.
Tư liệu chúng tôi thể hiện, Dự án Cải tạo kênh Hy Vọng đã được TP.HCM chấp thuận chủ trương từ năm 2013, tới năm 2016 được phê duyệt thiết kế cơ sở, là dự án thành phần của Dự án Quản lý rủi ro chống ngập cho TP.HCM, sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, đến giữa năm 2017, WB thông báo dừng hỗ trợ 400 triệu USD cho Dự án Quản lý rủi ro chống ngập cho TP.HCM khiến việc cải tạo kênh Hy Vọng phải dừng.
Bế tắc vốn, Dự án “nằm im” tới năm 2021 thì UBND TP.HCM thống nhất triển khai và bổ sung vào Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Vốn công cho dự án trọng điểm chỉ đủ… đo vẽ
Như đã nêu trên, cả 2 dự án cải tạo kênh Hy Vọng và rạch Văn Thánh đều được xếp là dự án trọng điểm của TP.HCM. Trong đó, Dự án Cải tạo kênh Hy Vọng được TP.HCM bổ sung vào Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, với tổng mức đầu tư dự kiến 1.980 tỷ đồng, để giải quyết thoát nước mưa, giảm ngập cho khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, di dời 190 căn nhà. Dự án Nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh cũng vừa được bổ sung vào Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, với tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng, di dời 834 căn nhà.
Điều dở khóc dở cười là, theo Sở Xây dựng TP.HCM, tổng tiền đầu tư 2 dự án lên tới 3.180 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn chuẩn bị đầu tư chỉ có vài tỷ đồng/dự án. Số tiền này dùng để thực hiện các công tác như điều tra, khảo sát, đo vẽ… và chưa sắp xếp, bố trí được nguồn vốn thực hiện công tác bồi thường, di dời và xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật.
Những dự án “xếp hàng” chờ vốn công, tư
Tuy vốn “như muối bỏ biển”, nhưng dẫu sao, 2 dự án trên cũng được bố trí vốn, cùng với Dự án rạch Xuyên Tâm.
Theo Quyết định số 3837/ QĐ-UBND ngày 10/11/2021 của UBND TP.HCM về kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn Thành phố, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, chỉ tính đồng vốn đầu tư công, Thành phố còn phải tiếp tục thực hiện 14 dự án di dời 3.250 căn nhà trên và ven kênh rạch, với vốn đầu tư dự kiến hơn 5.500 tỷ đồng.
Cả 14 dự án trên đã triển khai xong các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, 8 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư công gồm: mở rộng đường Tôn Thất Thuyết và công viên cây xanh bờ Kênh Tẻ giai đoạn III; công viên hồ Khánh Hội giai đoạn IV (quận 4); kênh Hàng Bàng giai đoạn III (quận 6 ); rạch nhánh Câu Sơn (quận Bình Thạnh); mương Nhật Bản (quận Tân Bình); kênh A41 (quận Tân Bình); rạch Bà Tiếng (quận Bình Tân) và cống hộp kênh Liên xã (quận Bình Tân).
Sáu dự án đã phê duyệt dự án bồi thường gồm: Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, đoạn 3 (quận Bình Thạnh); Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên giai đoạn II (quận 12); Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên giai đoạn II (quận Gò Vấp); cống ngăn triều Vàm Thuật (quận 12); cống điều tiết kết hợp âu thuyền rạch Nước Lên (quận Bình Tân), rạch Ông Búp (quận Bình Tân).
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đa số các dự trên đều chưa được bố trí vốn để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 do không được lựa chọn là các dự án cấp bách, ưu tiên. Điều đáng lo ngại, trong số trên có tới 8 dự án trước đó đã được phê duyệt chủ trương đầu tư công, giao kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư, hoặc đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện kéo dài, điều chỉnh, làm thay đổi tổng mức đầu tư, hoặc đổi chủ đầu tư, nên phải lập lại thủ tục trình phê duyệt chủ trương. Như vậy, 8 dự án này có khả năng sẽ lại đội vốn khủng - vốn là căn bệnh trầm kha không chỉ riêng ở TP.HCM.
Ngoài dự án dùng vốn công, giai đoạn 2021-2025, TP.HCM cũng… quyết tâm tập trung hoàn tất các thủ tục chuẩn bị để sớm tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện 6 dự án vốn ngoài ngân sách để di dời hơn 6.600 căn nhà gồm: Dự án bờ Nam kênh Đôi (quận 8); Dự án chỉnh trang đô thị rạch Song Tân (quận 7); Dự án chỉnh trang đô thị rạch Bần Đôn (quận 7); Khu nhà ở cao tầng dọc rạch Hiệp Ân (quận 8); Khu công viên văn hóa - du lịch - thể thao phía Nam đường Tạ Quang Bửu (quận 8); Khu trung tâm thương mại, công viên phía Bắc đường Tạ Quang Bửu (quận 8).
Quyết tâm là vậy, nhưng tại một báo cáo tham luận mới đây gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM thông tin rằng, phần lớn các tuyến rạch nhánh, rạch nhỏ không thực hiện mở rộng biên chỉnh trang hoặc không có giá trị thương mại, không hấp dẫn các nhà đầu tư.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, chỉ tiêu đề ra từ năm 2021 đến năm 2025, TP.HCM sẽ di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, với tổng kinh phí khoảng 18.500 tỷ đồng, chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất thuộc 3 dự án rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh và kênh Hy Vọng đã được bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Nhóm thứ hai với 14 dự án dù đã phê duyệt trong nhiệm kỳ trước, ngân sách hơn 6.000 tỷ đồng, nhưng đa số chưa được bố trí vốn để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.
(Còn tiếp)