Agribank “vô địch”, Vietcombank xếp cuối về huy động vốn
Theo báo cáo tài chính vừa được các ngân hàng thông báo, tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản của cả 4 ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước chi phối đều vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô và độ “hấp dẫn” trên thị trường của các ngân hàng lại không giống nhau.
Xét về tổng tài sản, “tứ hùng” gồm BIDV, VietinBank, Agribank và Vietcombank đều có quy mô trên 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, Agribank có quy mô lớn nhất (1,2 triệu tỷ đồng), BIDV đứng vị trí á quân (1,176 triệu tỷ đồng), VietinBank xếp ở vị trí tiếp theo (1,1 triệu tỷ đồng). Vietcombank lần đầu tiên lọt vào danh sách này, với tổng tài sản hơn 1 triệu tỷ đồng.
. |
Tương ứng với quy mô tổng tài sản, trong số 4 nhà băng trên, BIDV và Agribank đang là hai ngân hàng ngân hàng “hút” tiền gửi tốt nhất, với mức huy động vốn khoảng 1,1 triệu tỷ đồng. VietinBank huy động được hơn 1 triệu tỷ đồng. Xếp cuối về thị phần huy động vốn là Vietcombank, với hơn 889.700 tỷ đồng.
Mặc dù có tổng huy động vốn cao nhất nhì hệ thống, song Agribank, do đặc thù tập trung vào phân khúc nhỏ lẻ ở nông thôn, nên chi phí huy động vốn khá lớn. Ưu điểm của ngân hàng này là chủ yếu huy động từ dân cư, nên cơ cấu vốn huy động rất vững.
Ngược lại, Vietcombank, dù huy động vốn thấp nhất, song chi phí huy động vốn có lẽ rẻ nhất. Thống kê cho thấy, huy động vốn không kỳ hạn thị trường 1 của Vietcombank năm 2017 chiếm tới gần 30% tổng huy động vốn. Như vậy, Vietcombank đã huy động được số vốn khủng mà chỉ phải trả lãi “bèo”.
“Tứ hùng” phân chia miếng bánh thị phần
Xét về lợi nhuận, Vietcombank đang dẫn đầu với 11.000 tỷ đồng, tiếp đến là VietinBank (9.206 tỷ đồng), BIDV (8.800 tỷ đồng), cuối cùng là Agribank (5.018 tỷ đồng). Tuy vậy, lợi nhuận chưa phản ánh đúng tiềm năng cũng như sức mạnh của từng ngân hàng - vốn thể hiện qua nhiều yếu tố như thị phần huy động, cho vay, khách hàng…
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, dù cho vay ít, song Vietcombank vượt xa các ngân hàng nhóm “tứ hùng” về lợi nhuận là do ngân hàng này đã huy động được các nguồn vốn rất rẻ trong khi đẩy mạnh cho vay bán lẻ với lãi suất cao. Bên cạnh đó, Vietcombank đã xử lý “sạch” nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), khiến áp lực trích lập dự phòng rủi ro giảm. Trong khi đó, các ngân hàng còn lại, phải trích lập dự phòng rủi ro rất lớn, khiến lợi nhuận bị co hẹp.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, vị trí quán quân lợi nhuận của Vietcombank sẽ bị bám đuổi quyết liệt. Không chỉ bởi áp đảo về thị phần thị phần huy động và tín dụng, mà VietinBank và BIDV cũng đang ráo riết đẩy mạnh về bán lẻ. Chưa kể, tới đây, một phần đáng kể nợ xấu của BIDV, VietinBank, Agribank sẽ biến thành lợi nhuận khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu đi vào cuộc sống.
Trong số 4 ngân hàng, Agribank tuy dẫn đầu về quy mô tổng tài sản, huy động vốn lẫn tín dụng, song lợi nhuận lại thấp nhất hệ thống. Điều này xuất phát từ chỗ, Agribank vẫn đang bị gánh hai vai, vừa là ngân hàng thương mại, vừa thực hiện nhiệm vụ của một ngân hàng chính sách, phục vụ chủ yếu đối tượng yếu thế ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, với thế mạnh ở thị trường nông thôn - vốn còn rất nhiều dư địa - trong tương lai, với sự chuyển đổi mạnh mẽ, nếu được cổ phần hóa, Agribank có thể sẽ tạo bất ngờ.
Rõ ràng, với thế mạnh riêng trong từng lĩnh vực, “tứ hùng” nhà băng đang quyết liệt phân chia miếng bánh trên thị trường bán lẻ. Miếng bánh này sẽ còn thay đổi với sự tham gia của khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân và sự tác động mạnh mẽ của cách mạng 4.0.
Được biết, hiện cả 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống nói trên đều sở hữu lượng khách hàng tương đương nhau (khoảng 10 triệu khách hàng). Phần thắng sẽ thuộc vào những ngân hàng tận dụng tốt cách mạng công nghệ, mang lại những dịch vụ tiện ích và trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.