Ngân hàng - Bảo hiểm
Cuộc đua huy động tiết kiệm tiếp tục tăng nhiệt
Thuỳ Vinh - 23/05/2016 15:20
Các nhà băng đang ra sức khuyến mại, đưa ra lãi suất cạnh tranh và cộng thêm biên độ, nhằm hút nguồn tiền gửi.
TPBank áp dụng mức lãi suất cho kỳ hạn 36 tháng lên đến 7,8%/năm lĩnh lãi cuối kỳ

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn tại hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần đã gần chạm trần 5,5%/năm, trong khi ở kỳ hạn dài đa số áp dụng từ 6,5 - 8%/năm.

Tại VPBank, mức lãi suất tiền gửi cao nhất là 7,4%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng, áp dụng cho khoản tiết kiệm từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng. Còn SHB đang tính mức cao nhất 7,3%/năm đối với khoản tiền gửi trên 2 tỷ đồng ở kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng.

TPBank áp dụng mức lãi suất cho kỳ hạn 36 tháng lên đến 7,8%/năm lĩnh lãi cuối kỳ. Eximbank có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, nhưng số tiền gửi phải tối thiểu 500 tỷ đồng. Trong khi đó, OCB áp mức lãi suất 7,7%/năm cho kỳ hạn 13 tháng đối với số tiền gửi 500 tỷ đồng…

Các ngân hàng cũng “chạy đua” chính sách khuyến mãi để thu hút tiền nhàn rỗi. Chẳng hạn, Maritime Bank triển khai chương trình gửi tiền trúng thưởng 100%. Với mỗi 100 triệu đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn tối thiểu 3 tháng, khách hàng sẽ được quay thưởng trực tiếp tại quầy, có cơ hội được nhận ngay giải thưởng bằng tiền mặt lên đến 100 triệu đồng.

Trong khi đó, VietBank có sản phẩm tiết kiệm lãi suất thả nổi và lợi nhuận tối ưu, kỳ hạn 6 tháng được hưởng lãi suất 6,6%/năm và biên độ 0,3%/năm; kỳ hạn 13 tháng lãi suất 7,2%/năm và 15 tháng là 7,3%, biên độ 0,4%/năm. Khách hàng không rút trước một phần vốn được cộng thêm 0,2%/năm, khi tái tục gửi tiền, lãi suất được tính bằng lãi suất sản phẩm tại kỳ tái tục cộng thêm 0,1%/năm.

Tại Sacombank, từ nay đến hết ngày 13/7, Ngân hàng triển khai chương trình khuyến mãi “Gửi tiền - trúng liền”, dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại các điểm giao dịch của Sacombank trên toàn quốc với tổng giá trị giải thưởng hơn 60 tỷ đồng…

So với đầu năm 2016, mặt bằng lãi suất huy động của các NHTM đã tăng khá cao và mức độ cạnh tranh ngày càng lớn. Tại Vietcombank, kỳ hạn trên 12 tháng cũng áp dụng lãi suất 6,5%/năm, BIDV áp dụng lãi suất 6,9%/năm, các kỳ hạn 12, 13, 18 tháng đến 36 tháng lên đến 7,2%/năm.

Theo phân tích của một số chuyên gia tài chính - ngân hàng, lãi suất đang chịu sức ép từ một số yếu tố. Thứ nhất, nguồn vốn huy động của ngân hàng  chịu tác động từ việc Bộ Tài chính đẩy mạnh huy động trái phiếu chính phủ khiến nhu cầu huy động vốn tăng. Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã phát hành 111.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ và theo kế hoạch sẽ phát hành tiếp khoảng 110.000 tỷ đồng trong năm nay. Thứ hai, các ngân hàng tăng huy động để “chạy trước” quy định tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN (giảm tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống còn 40%). Thứ ba, mặt bằng lãi suất đồng VND sẽ chịu tác động từ diễn biến tăng lãi suất USD (khiến giá USD tăng) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong biên bản mới nhất, Fed hé lộ khả năng tăng lãi trong tháng tới nếu các số liệu kinh tế theo hướng thuận lợi. Điều này dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng, gây tác động tới chính sách lãi suất.

Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital, có thể lạm phát trong năm nay sẽ cao hơn năm trước, song khả năng lãi suất chỉ biến động nhẹ. Một trong những nguyên nhân khiến lãi suất đầu vào tăng nhẹ thời gian qua, theo ông Tuấn, không nằm ngoại mục đích ngân hàng tăng huy động để cơ cấu lại nguồn vốn trước dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Thực tế, các ngân hàng đã tăng huy động tiết kiệm kỳ hạn trung, dài hạn. Lãi suất đầu vào tăng, theo nguyên lý đầu ra sẽ tăng theo. Song lãi suất cho vay chưa thể điều chỉnh tăng.

“Nếu tăng lãi suất trước tình hình hiện nay sẽ làm giảm nhu cầu về tín dụng. Nhưng cũng không kỳ vọng lãi suất giảm thêm so với mặt bằng hiện nay”, ông Tuấn nhận định.      

Tin liên quan
Tin khác