Năm nay, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ có số lượng học sinh đăng ký thi và có mức độ cạnh tranh cao nhất với 3.083 thí sinh/525 chỉ tiêu.
Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ có số lượng học sinh đăng ký thi và có mức độ cạnh tranh cao nhất với 3.083 thí sinh/525 chỉ tiêu. |
Ngoài ra, theo thông tin chỉ tiêu tuyển sinh sở công bố trước đó, trường THPT Chu Văn An tuyển 350 thí sinh cho các lớp chuyên/tổng số 1.953 thí sinh đăng ký xét tuyển.
Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tuyển 655 chỉ tiêu/ 2.343 thí sinh đăng ký. Trong khi đó, mức độ cạnh tranh vào lớp chuyên tại trường THPT Sơn Tây dễ thở hơn khi trường lấy 315 thí sinh trong số 323 thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1.
Theo quy định, học sinh đăng ký vào các trường THPT chuyên/có lớp chuyên không được thay đổi nguyện vọng đăng ký dự thi.
Thí sinh chỉ đăng ký thi vào trường chuyên hoặc trường có lớp chuyên ở Hà Nội cần dự thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ theo lịch thi chung và thi thêm môn chuyên.
Thông tin chỉ tiêu và số lượng thí sinh đăng ký vào 4 trường chuyên. |
Đề thi môn chuyên được đưa ra dưới hình thức tự luận, gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục hiện hành, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, đảm bảo các cấp độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Riêng môn Ngoại ngữ kết hợp tự luận và trắc nghiệm để đánh giá các kỹ năng nghe, đọc, viết của học sinh.
Cách tính điểm xét tuyển vào lớp 10 trường chuyên ở Hà Nội: Điểm xét tuyển = Tổng điểm các bài thi không chuyên (hệ số 1) + Điểm bài thi chuyên (hệ số 2).
Theo kế hoạch hiện tại, thí sinh thi Ngữ văn vào buổi sáng, Toán vào buổi chiều ngày 10/6. Sáng 11/6, thí sinh thi Ngoại ngữ. Chiều 11/6 là lịch thi các môn chuyên Ngữ văn, Toán, Sinh học, Tin học, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn.
Sáng 12/6, thí sinh tiếp tục thi các môn vào trường chuyên, gồm Vật lý, Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Tiếng Anh.
Trước đó, ngày 23/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng công bố số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào lớp 10 công lập.
Trong đó, trường THPT Yên Hòa có tỷ lệ "chọi" lớn nhất trong khối không chuyên. Cụ thể, trường chỉ tuyển 720 chỉ tiêu nhưng có đến 2.096 học sinh đăng ký.
Các trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông; THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Quang Trung, Hà Đông, THPT Nhân Chính, THPT Kim Liên, THPT Phan Đình Phùng, THPT Cầu Giấy cũng có số lượng thí sinh đăng ký lớn gấp hơn 2 lần so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Trong khi đó, nhiều trường THPT ở Hà Nội có số lượng thí sinh đăng ký thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Thậm chí, tại trường Nguyễn Văn Trỗi, Minh Quang, số lượng đăng ký chỉ bằng 1/2 chỉ tiêu tuyển.
Được biết, năm học 2021-2022, đối với các trường THPT công lập, TPP. Hà Nội vẫn phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh như các năm học trước.
Học sinh xác định khu vực tuyển sinh dựa vào hộ khẩu thường trú của học sinh (hoặc của bố, mẹ học sinh). Với một số trường hợp cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ xem xét tạo điều kiện để các em được đổi khu vực tuyển sinh.
Nếu học sinh có hộ khẩu ở địa bàn này nhưng cư trú thực tế tại nơi khác thì gia đình học sinh làm đơn, có xác nhận của chính quyền địa phương, Sở GD&ĐT sẽ xem xét, cho phép học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển ở khu vực tuyển sinh theo nơi cư trú thực tế.
Về nguyện vọng dự tuyển, mỗi học sinh sẽ được đăng ký nguyện vọng dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.
Theo dự kiến trong kế hoạch, năm nay số lượng thí sinh tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập khoảng 90.730 học sinh.
Các trường ngoài công lập và công lập tự chủ tài chỉnh tuyển khoảng 24.370 học sinh. Các trung tâm GDNN- GDTX tuyển khoảng 8.860 học viên; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển khoảng 8.860 học viên.