Đầu tư
Cuối năm 2022 sẵn sàng khởi công tuyến cao tốc từ Ninh Bình đến Hải Phòng
Liên Tùng - 13/07/2022 10:36
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có buổi làm việc với các tỉnh, thành phố về triển khai tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì buổi làm việc với các tỉnh, thành phố về triển khai tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng

Tuyến đường bộ cao tốc từ Ninh Bình đến Hải Phòng đi qua các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hình thức hợp đồng BOT. Tuyến đường dự kiến có chiều dài khoảng 80 km, trong đó có 18 km đi qua Ninh Bình, khoảng 33 km qua Thái Bình, khoảng 29 km qua Nam Định và 9 km từ cầu vượt sông Thái Bình đến Quốc lộ 37 do thành phố Hải Phòng đầu tư.

Bên cạnh tuyến đường ven biển, đầu tư tuyến đường bộ cao tốc từ Ninh Bình đến Hải Phòng sẽ tạo động lực phát triển khu vực phía Nam Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, có ý nghĩa hết sức quan trọng, kết nối nhiều tỉnh, thành phố.

Theo ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình: Ngay sau khi có chủ trương thực hiện dự án, Thái Bình đã phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai, rà soát trên thực địa với tinh thần khẩn trương, kịp thời; đồng thời giao cho các sở, ngành chức năng của tỉnh tham mưu cho tỉnh các giải pháp trong triển khai dự án trên địa bàn, nhất là các nội dung liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, rà soát để bảo đảm vật liệu xây dựng, san lấp dự án cũng như có phương án bố trí nguồn vốn trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm thành lập tổ công tác triển khai thực hiện dự án. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành trung ương một số nội dung liên quan đến bổ sung quy hoạch sử dụng đất của tỉnh để dự án triển khai thuận lợi, hỗ trợ vốn từ nguồn ngân sách trung ương, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương để đẩy nhanh triển khai thực hiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, ủng hộ các tỉnh liên quan triển khai thực hiện dự án theo phương thực đối tác công tư PPP, loại hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT).

Tại buổi làm việc, các bộ, ban, ngành của trung ương, nhà đầu tư, các tỉnh, thành phố đã thảo luận các nội dung, công việc trong triển khai thực hiện dự án, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến nguồn vốn phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng, vấn đề hướng tuyến cao tốc, kế hoạch sử dụng đất, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng phục vụ triển khai thực hiện dự án…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết: Tỉnh Thái Bình sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành của trung ương, các tỉnh, thành phố và các đơn vị trong triển khai thực hiện dự án. Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cũng góp  ý cụ thể vào một số nội dung được thảo luận tại buổi làm việc, nhất là các nội dung về hướng tuyến cao tốc, quy mô dự án, phạm vi giải phóng mặt bằng...

Chủ trì buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, đây là tuyến cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng, là hành lang kết nối từ các địa phương với sân bay, cảng biển, tạo động lực mới để phát triển kinh tế, xã hội, do đó, việc đầu tư dự án là cần thiết, phù hợp với quy hoạch và cần được triển khai sớm. Đề nghị các cơ quan tham mưu cho Chính phủ, cho các tỉnh, thành phố cần nâng cao vai trò trách nhiệm, bảo đảm tính chuẩn xác, đúng quy định của pháp luật trong việc triển khai đầu tư dự án; sớm đưa dự án vào sử dụng bảo đảm lợi ích của người dân; nâng cao động lực phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Các địa phương có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công, trong đó, tập trung bố trí nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, triển khai song song các công việc liên quan như hoàn thiện các thủ tục phê duyệt đầu tư dự án, sau đó tiến hành ngay các phương án kiểm đếm, đền bù giải phóng mặt bằng.

Đơn vị tư vấn và chủ đầu tư phải thật sự sát sao với triển khai các công việc liên quan đến dự án; nhất là các nội dung phối hợp với các tỉnh, thành phố trong thống nhất hướng tuyến cao tốc, vấn đề về phương án bố trí vật tư xây dựng và các nội dung quan trọng trong thực hiện dự án.

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ các công việc phục vụ đầu tư dự án, muộn nhất là cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ sẵn sàng khởi công dự án.

Tin liên quan
Tin khác