Nhà thầu huy động thiết bị máy móc thi công đồng loạt nhiều mũi trên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình |
Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án 2, đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, việc nối lại cấp vốn tín dụng cho Dự án có thể bắt đầu vào cuối tháng 3/2017, trong bối cảnh nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn SHB đã tìm được tiếng nói chung để giải quyết các vướng mắc liên quan đến phương án tài chính.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang đã có văn bản đề nghị người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo Ngân hàng SHB - Chi nhánh Ba Đình (đơn vị tài trợ vốn) sớm nối lại công tác giải ngân để Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức BOT hoàn thành đúng tiến độ.
Ông Quang cho biết, kể từ ngày 1/9/2016, Ngân hàng SHB - Chi nhánh Ba Đình đã dừng không giải ngân và yêu cầu nhà đầu tư (Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình) thực hiện một số việc như: giá vé, thời gian thu phí, tính toán lại hiệu quả đầu tư.
Theo Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình, nhà đầu tư này đã hoàn thành các yêu cầu của phía Ngân hàng, tuy nhiên, đến nay SHB chưa tiếp tục giải ngân cho Dự án.Việc tạm dừng giải ngân từ 1/9/2016 đến nay đã làm ảnh hưởng đến tiến độ Dự án, đặc biệt là trong giai đoạn thi công nước rút nhằm hoàn thành công trình vào cuối tháng 4/2017.
Trong văn bản gửi tới SHB vào đầu tháng 1/2017, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình muốn nhà tài trợ nối lại việc giải ngân cho Dự án chậm nhất trước ngày 20/1/2017.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 theo hình thức BOT cũng nằm trong danh sách các công trình kiểm tra do Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện. Dự kiến, đoàn Giám sát sẽ làm việc với các chủ thể đầu tư dự án nào vào đầu tháng 4/2017.
Tuyến đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình có chiều dài 25,6 km, tổng mức đầu tư 2.375 tỷ đồng, do liên danh Tổng công ty 36 - Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội - Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư, Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án. Theo thiết kế, đoạn không qua đô thị là cao tốc loại B có vận tốc 100 km/giờ, rộng 33 m, gồm sáu làn xe; đoạn qua đô thị có vận tốc 60 km/giờ, rộng 42 m. Trên toàn tuyến có bảy nút giao thông và 12 công trình cầu lớn, nhỏ.
Khi dự án hoàn thành, sẽ nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, bảo đảm an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội, tỉnh Hòa Bình và cải thiện hệ thống GTVT đường bộ hướng tây nam của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hoàn thiện dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy hoạt động vận tải hàng hóa, mang lại động lực phát triển kinh tế cho địa phương và vùng tây bắc.