Điểm nóng
Cựu quan chức Bộ Y tế tiếp tay Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm
Huệ Nguyễn - 04/01/2024 17:15
Để được hiệp thương giá bán kit xét nghiệm cao gấp 3 lần, Phan Quốc Việt được sự hỗ trợ tích cực từ hai cựu Vụ trưởng tại Bộ Y tế là Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Nam Liên.

Không có cơ sở, vẫn “chốt” giá hiệp thương cao gấp 3 lần

Ngày 4/1, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội bước sang ngày xét xử thứ 2 vụ án liên quan tới các vi phạm tại Công ty Việt Á, trong quá trình nghiên cứu, sản xuất và bán thương mại kit xét nghiệm.

Liên quan tới các vi phạm tại Bộ Y tế, sau khi được cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo “hỗ trợ” Công ty Việt Á sớm ra được kit xét nghiệm, cựu Thư ký Nguyễn Huỳnh tiếp tục liên hệ với Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế và Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, tác động để được hiệp thương giá bán.

Cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế Nguyễn Minh Tuấn trình bày trước tòa.

Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Minh Tuấn, quá trình tiếp nhận, tham mưu hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm của Công ty Việt Á đều do Phan Quốc Việt trực tiếp đề nghị.

Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Huỳnh và Nguyễn Văn Trịnh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng cũng yêu cầu quan tâm, tạo điều kiện cho Công ty Việt Á, do đó, bị cáo Tuấn đã tích cực trao đổi, hướng dẫn cho Việt về việc hoàn thiện hồ sơ đăng ký lưu hành: làm việc với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để có kết quả đánh giá chất lượng kit xét nghiệm…

Trong quá trình hiệp thương giá, có sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Nguyễn Minh Tuấn bị cáo buộc cấu kết với Nguyễn Nam Liên, thống nhất chốt giá cuối cùng là 470.000 đồng/kit (đắt gấp hơn 3 lần giá trị thực tế). Việc này, các bị cáo thường xuyên nhắn tin, báo cáo với cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.

Khai báo tại tòa, bị cáo Nguyễn Nam Liên nói “biết việc hồ sơ của Công ty Việt Á thiếu bảng chi tiết yếu tố hình thành giá; thiếu căn cứ tính giá theo quy định”, nhưng cựu Vụ trưởng và các cá nhân đại diện Bộ Y tế không kiểm tra tính hợp lệ của chi phí cấu thành giá, mà chỉ yêu cầu Phan Quốc Việt giảm lợi nhuận định mức xuống 5%.

Hai bị cáo này cũng thừa nhận, cáo trạng buộc tội đối với bản thân là đúng. Nguyễn Minh Tuấn khai đã được Phan Quốc Việt “cảm ơn” 300.000 USD; còn Nguyễn Nam Liên nhận 100.00 USD.

“Bị cáo không nhận, nhưng Việt cứ để lại. Khi bị cáo kiểm tra thì biết bên trong có 100.000 USD. Số tiền này trong thâm tâm bị cáo không muốn nhận”, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính trình bày, và cho rằng ban đầu chỉ nghĩ đây là túi quà bình thường.

Luôn sẵn sàng chi hối lộ, hoa hồng

Trong vụ án này, Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Việt Á được đánh giá là cánh tay đắc lực, giúp sức cho Việt trong việc tiếp cận các cựu quan chức để hối lộ, hoặc liên hệ, giao dịch với các tỉnh, thành phố có nhu cầu mua kit xét nghiệm và thỏa thuận ăn chia.

Trình bày phần xét hỏi của Hội đồng xét xử, Hiệp khai được Phan Quốc Việt giao quản lý mảng kinh doanh phía Bắc của công ty và thực hiện ký kết các hợp đồng mua bán của công ty.

“Khi công ty tham gia bán kit xét nghiệm cho các tỉnh, bị cáo là người trực tiếp tham gia và chi phần trăm hoa hồng cho các địa phương”, bị cáo này thừa nhận.

Theo bị cáo Hiệp, quá trình thực hiện có 2 phương án: Địa phương mượn kit trước rồi làm hợp đồng thanh toán sau hoặc mua trực tiếp rồi đến lấy. Cùng với đó, sau khi thanh toán xong, bị cáo Hiệp là người tổng hợp danh sách, trình Phan Quốc Việt ký duyệt và xuất tiền để trích lại % cho các đơn vị, do “quá trình chống dịch vất vả”.

Cũng theo lời Phó tổng giám đốc Việt Á, các bị cáo luôn mang theo người rất nhiều tiền, từ 50.000 đến 300.000 USD, với mục đích để “cảm ơn” khi cần thiết, hoặc chi hoa hồng. Tổng số tiền bị cáo này đã chi “cảm ơn” khoảng hơn 32 tỷ đồng.

Theo lý giải, khoản tiền này được Việt Á coi như là “định mức” được Phan Quốc Việt thống nhất thực hiện, tương tự việc chiết khấu lại cho các đại lý, từ 15-40% giá trị hàng hóa.

Trước đó, theo lời khai của Phan Quốc Việt, bị cáo cũng chỉ đạo kế toán đổi tiền Việt thành USD để “cho gọn” và thường “cảm ơn” tối thiểu là 50.000 USD.

Trong vụ án này, Viện Kiểm sát xác định, các vi phạm liên quan tới Công ty Việt Á đã gây thiệt hại hơn 1.235 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 402 tỷ đồng.

Trong số này, có 222 tỷ đồng được xác định do CDC các tỉnh: Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương gây ra trong quá trình mua, tiêu thụ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á; 15 tỉnh, thành phố khác gây thiệt hại 180 tỷ đồng.

Phan Quốc Việt đã thực hiện hối lộ các cựu quan chức số tiền lên tới hơn 3,5 triệu USD và chi hàng trăm tỷ đồng “hoa hồng” cho lãnh đạo, cán bộ các tỉnh, thành tiêu thụ kit xét nghiệm của Việt Á.

Tin liên quan
Tin khác