Bước ngoặt mới của CWS
Ông có thể chia sẻ ngày làm việc đầu tiên của mình với gói thầu Oakland?
Mệt, nhưng rất vui, CWS đã trúng thầu từ năm ngoái, nhưng mãi đến ngày 22/5 vừa qua, Hội đồng TP. Oakland mới thông qua và ngày 1/7 mới chính thức vận hành. Sáng nay, tôi phải dậy sớm để cùng 70 xe của CWS ra quân cùng lúc, báo cáo nhanh đến chiều cho thấy, mọi việc đều diễn tiến thuận lợi.
Ông David Dương đứng trước dàn xe tải CNG ra quân thực hiện gói thầu xử lý rác cho thành phố Oakland |
Có thông tin cho rằng, CWS bị mất gói thầu này về tay đối thủ cạnh tranh?
Hợp đồng này có 3 gói thầu nhỏ. Lớn nhất là gói tái chế, thứ nhì là chôn lấp và thứ ba là xử lý cây xanh. Đối thủ của chúng tôi là Công ty Waste Management, công ty về thu gom và xử lý rác lớn nhất Hoa Kỳ, lại rất mạnh về chôn lấp vì họ đang sở hữu một bãi chôn lấp có diện tích rất lớn. Tuy nhiên, theo tính toán ban đầu của chúng tôi, gói thầu chôn lấp và gói cây xanh trị giá không cao, nên chúng tôi quyết định nhượng lại hai gói này cho Waste Management, còn CWS sẽ đảm nhận gói tái chế.
Mặt khác, trong cam kết với TP. Oakland, gói chôn lấp và cây xanh chỉ có niên hạn 10 năm, nhưng gói tái chế CWS đã thuyết phục Hội đồng nâng lên niên hạn 20 năm, nên CWS cùng lúc trúng “hai đích”. Thứ nhất, có thêm công ăn việc làm cho người lao động; thứ hai, lợi nhuận cao và bền vững hơn.
CWS có dự định mở rộng đầu tư sau thương vụ này?
Với gói thầu Oakland, CWS sẽ thu gom khoảng 550 - 600 tấn rác tái chế/ngày. Hiện nay ở Oakland, chúng tôi có hai nhà máy lọc tái chế, về công suất, hai nhà máy này đều dư tải nếu tính khối lượng thu gom của Thành phố.
Tuy nhiên, CWS vẫn tiến hành mua lại của Thành phố một miếng đất 20 ha để đầu tư xây dựng một nhà máy tái chế mới, với công nghệ hiện đại, tổng vốn đầu tư khoảng 87 triệu USD. Dự kiến 2 năm nữa, nhà máy sẽ hoàn thành và khi đó chúng tôi sẽ đóng cửa hai nhà máy cũ (công suất xử lý 1.800 - 2.000 tấn rác/ngày) để tập trung về nhà máy đó. Khi hoàn thành, nhà máy này có công suất 10.000 tấn/ngày.
Công suất xử lý đang dư tải, tại sao CWS vẫn đầu tư nhà máy mới?
Khảo sát của tôi cho thấy, hiện nay nhiều nhà máy trong khu vực lân cận đều là nhà máy cũ và họ chưa dám đầu tư hiệu chỉnh vì chi phí cao. Quan điểm nhất quán trong đầu tư của chúng tôi là phải đi tiên phong để đón đầu xu thế.
VWS không độc quyền
Vừa qua có một số thông tin nói về sự bất hợp lý trong chênh lệch đơn giá xử lý rác giữa VWS với các công ty xử lý rác khác của Việt Nam, với vai trò chủ đầu tư VWS, ông có thể cho biết quan điểm của mình?
Theo tôi, nên xem lại quy trình và công nghệ xử lý, trước khi VWS hình thành giá xử lý của Thành phố là khoảng hơn 4 USD/tấn, nhưng qua khảo sát thực tế của chúng tôi và được trình bày với sự chấp thuận của Hội đồng do Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì, đã công nhận đấy không phải là giá thực tế, mà chỉ là chi phí vận hành. Do vậy, khi tính các chi phí xử lý, lợi thế về đất đai và các yếu tố khác thì giá thành vào thời điểm đó đã đội lên hơn 20 USD/tấn, trong khi giá của CWS chỉ khoảng hơn 16 USD/tấn.
Vấn đề ở đây là với giá thành như vậy, tương thích với công nghệ xử lý nào, Có tác hại đến môi trường hay không. Đó là chưa kể trong giá thành của chúng tôi luôn có kinh phí dự phòng hậu xử lý với nguồn nước, môi trường xung quanh như thế nào khi đóng bãi, có bảo đảm đúng yêu cầu hay không. Riêng khoản này hiện nay chỉ có VWS thực hiện.
Có ý kiến lo ngại, sau khi giao hết rác của Phước Hiệp về Đa Phước sẽ tạo ra sự độc quyền xử lý rác cho VWS?
Ở Hoa Kỳ, Hội đồng Các thành phố luôn giao một công ty xử lý rác duy nhất với thời hạn từ 10 đến 20 năm, hoặc làm vĩnh viễn. Tuy nhiên, các công ty này đều bị giám sát thường xuyên với những tiêu chí rất rõ ràng, nếu vi phạm, gây ô nhiễm sẽ bị rút giấy phép ngay lập tức và chỉ có cách phá sản.
Trở lại với VWS, chúng tôi không độc quyền, TP.HCM có nhiều giấy phép đầu tư và hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp cũng đang tham gia xử lý rác cho Thành phố. Hãy nhìn ở góc độ tích cực, tôi cho rằng, việc đóng cửa bãi rác Phước Hiệp là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp khác cũng đang nhận rác của Thành phố phải gia tăng đầu tư và tăng cường công nghệ để Thành phố thật sự có công nghệ xử lý rác tốt.
Hiện tại, VWS tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng mỗi năm. Đây là khu xử lý rác hiện đại với công nghệ tiên tiến của thế giới, mỗi ngày tiếp nhận và xử lý 5.000 tấn rác của thành phố. Rác không chỉ được chôn lấp xử lý theo tiêu chuẩn, mà nó còn tạo ra nhiều lợi ích như một lượng rác được nhà máy phân loại làm phân compost, nước rỉ rác được xử lý qua công nghệ hiện đại để dùng lại trong sinh hoạt.
Hướng về quê hương
Tại một hội nghị mới đây tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM về các giải pháp xử lý rác thải đô thị, các chuyên gia đều cho rằng, đốt rác là tiên tiến nhất hiện nay, nguồn nhiệt từ đốt rác sẽ được sử dụng làm điện rất hiệu quả. Đây là giải pháp được cho là hợp lý với TP.HCM vốn quỹ đất đang ngày càng hẹp, không phù hợp đặc thù chôn lấp, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Hiện nay ở Hoa Kỳ đều có nhà máy đốt rác công suất lớn 2.000-3.000 tấn/ngày, nhưng suất đầu tư 400-600 triệu USD/nhà máy. Tôi đã mất nhiều năm khảo sát ở Việt Nam và nhận thấy, suất đầu tư sản xuất điện từ đốt rác là rất cao, trong khi giá thành mua điện lại thấp. Mặt khác, nghiên cứu của VWS cho thấy, nếu tiến hành đốt rác thì xử lý khói trong quá trình đốt và các chất thải khác nếu không kiểm soát sẽ gây các nguy hại cho môi trường.
VWS có giải pháp nào cho vấn đề này?
Thế giới hiện nay chưa có công ty nào đầu tư xử lý đốt rác với công suất nhỏ. Nhưng với trách nhiệm với quê hương, VWS đã làm việc với một công ty chuyên về sản xuất máy đốt rác để đặt hàng chế tạo máy công suất nhỏ, phù hợp điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Xin báo một tin vui là đơn hàng này đã hoàn thiện đến 95%, đang trong quá trình thử nghiệm với trị giá đầu tư ước tính ban đầu khoảng 20-30 triệu USD/lò. Chúng tôi có thể đưa về sử dụng tại Việt Nam và có thể mở rộng xuất khẩu sang các nước châu Á, có điều kiện tương đồng về rác như Việt Nam.
Theo tính toán của ông, nếu sử dụng lò đốt này, giá thành xử lý sẽ như thế nào?
Theo tính toán của tôi, với điều kiện hiện nay của Việt Nam, giá thành xử lý đốt rác khoảng 30 USD/tấn, nhưng nếu Chính phủ hỗ trợ thêm cơ chế bán điện giá cao thì giá thành xử lý sẽ xuống thấp hơn.
Ông có thể cho biết tiến độ dự án đầu tư tại Long An?
Vào tháng 11/2014 vừa qua, VWS đã chính thức khởi công Dự án Khu xử lý chất thải công nghệ xanh tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, Long An. Dự án này có diện tích 1.760 ha, có hình bông sen nhìn từ trên cao xuống, với một trung tâm giáo dục và đào tạo môi trường, cùng khu vực vành đai cây xanh cách ly, được bao bọc xung quanh 4 phía là các kênh rạch. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án gần 500 triệu USD. Đây sẽ là nơi có khả năng xử lý các chất thải từ rác thải sinh hoạt đến rác thải nguy hại, rác thải y tế; rác thải công nghiệp; rác thải điện tử, phân bón hầm cầu; bùn cống rãnh ô nhiễm, nước thải, vỏ xe cũ... Dự án sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ xử lý môi trường của Hoa Kỳ. Cơ sở xử lý của khu này bao gồm các bãi chôn lấp kiểu mẫu đạt tiêu chuẩn vệ sinh, một nhà máy xử lý nước rỉ rác công nghệ cao, một nhà máy làm phân compost cùng nhà máy sản xuất điện từ khí bãi chôn lấp; khu tái chế chất thải thành nhiên liệu lỏng và nhiên liệu hơi đốt; khu điều hành; vành đai xanh... theo một giải pháp khép kín từ đầu đến cuối.
Toàn bộ dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải cho cả Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Khi hoàn tất, khu xử lý này sẽ tạo công ăn việc làm cho từ 8.000 đến 10.000 lao động.