Các chỉ số chứng khoán tại Nhật Bản, Hồng Kông và Australia đều lao dốc sau khi chứng khoán Mỹ có phiên giao dịch giảm điểm mạnh nhất trong 2 năm qua, với việc chỉ số S&P 500 giảm hơn 4% chỉ trong 1 phiên và Nasdaq 100 giảm hơn 5%. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 1 phiên kể từ năm 2020.
Chỉ số đo sức mạnh của USD tăng hơn 1%, thể hiện đồng bạc xanh tiếp tục tăng giá so với rổ 10 loại tiền tệ khác. Trong khi đó, bitcoin giảm hơn 10%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2022 khi đà bán tháo tại các thị trường tài chính tác động tiêu cực tới lĩnh vực tài sản số.
Các thành viên thị trường tin rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong phiên họp tuần tới sau khi số liệu CPI tháng 8 được công bố gây bất ngờ. Theo đó, CPI tháng 8 của Mỹ tăng 0,1% trong tháng 8 và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trên thực tế, giá năng lượng tháng 8 tại Mỹ đã "hạ nhiệt" 5%, kéo chỉ số giá xăng dầu giảm 10,6%. Tuy nhiên, các mức giảm này đã không xoa dịu được mức nhiệt gia tăng của giá cả các mặt hàng khác.
Diễn biến này khiến giới đầu tư đánh giá, Fed sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ hơn nữa, thậm chí có thể nâng lãi suất lên 1%, đẩy các thị trường đầu tư nhiểu rủi ro hơn như chứng khoán vào tình thế tiêu cực.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm - sản phẩm trái phiếu nhạy cảm nhất với các thay đổi chính sách tăng cao hơn nữa, đưa chênh lệch lãi suất với trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên hơn 30 điểm cơ bản. Đây là tín hiệu cho thấy các thành viên thị trường tin rằng khủng hoảng đã đến gần.
“Các nhà đầu tư đang cố gắng đoán định bước đi tiếp theo và đây chính là tình thế nguy hiểm cho bất kỳ ai tham gia thị trường”, Carol Schleif, giám đốc đầu tư tại BMO Family Office chia sẻ.