Thời sự
Đã cháy là trụi
Hữu Tuấn - 19/09/2013 07:42
Đã cháy là trụi. Hình ảnh về vụ hỏa hoạn vừa xảy ra tại Trung tâm Thương mại ở Hải Dương thiêu rụi hơn 500 tỷ đồng hàng hóa, tài sản của các hộ kinh doanh tiểu thương đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy, chữa cháy cùng vấn đề bảo hiểm quầy hàng.

Đều đặn hàng năm, “bà hỏa” viếng thăm liên tục các trung tâm thương mại, chợ, kho xưởng. Không ai có thể quên những vụ cháy chợ kinh hoàng trải rộng từ Bắc vào Nam.

Đó là vụ cháy chợ Đồng Xuân (Hà Nội) năm 1994 gây thiệt hại hơn 300 tỷ đồng, vụ cháy Trung tâm Thương mại quốc tế (TP.HCM) khiến hàng chục người thiệt mạng năm 2002, vụ cháy chợ Hà Đông (Hà Tây cũ) năm 2005, cháy chợ Lớn Quy Nhơn năm 2006, cháy chợ xe Dịch Vọng (Hà Nội) năm 2008, cháy chợ Vinh (Nghệ An) năm 2011...

Các vụ hỏa hoạn trên đã gây thiệt hại không nhỏ về người và của, để lại hậu quả nặng nề cho hàng ngàn hộ dân.

Sự thật phũ phàng là, một khi hỏa hoạn xảy ra, các chợ, trung tâm thương mại hầu như bị thiêu trụi hoàn toàn

Có một sự thật phũ phàng là, một khi hỏa hoạn xảy ra, thì hầu như tất cả các chợ, trung tâm thương mại này bị thiêu trụi hoàn toàn, không cứu vãn nổi.

Lý do là hàng hóa, tài sản ở đây đều là vật dễ bắt lửa, cháy nhanh và tập trung khối lượng lớn, nên cho dù có nhanh chóng tập trung lực lượng ứng cứu thì cũng khốn thể cữu vãn được tình thế.

Hiện trường các vụ cháy cũng cho thấy năng lực hạn chế của công tác phòng cháy, chữa cháy.

Cháy là rụi, nên đáng lẽ công tác phòng cháy phải là ưu tiên hàng đầu, chứ không phải là các phương án chữa cháy khi sự cố xảy ra.

Đáng tiếc là dù đã có nhiều cảnh báo, nhiều đợt kiểm tra, nhiều quy định phòng cháy tại các chợ và trung tâm thương mại được đưa ra, nhưng người dân vẫn còn xem nhẹ. Một khi ý thức sử dụng điện có nguy cơ cháy nổ chưa được coi trọng, một khi vẫn tiếp diễn cảnh thờ cúng, đốt vàng mã bừa bãi trong chợ hay trung tâm thương mại, thì cháy nổ còn tái diễn.

Đã biết cháy là sẽ mất trắng tài sản, mất sổ nợ, sổ ghi hàng, nhập hàng, nhưng bà con tiểu thương lại chưa coi trọng việc mua bảo hiểm. Dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 8/11/2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, trong đó bắt buộc các trung tâm thương mại, chợ phải mua bảo hiểm, nhưng ít người dân nào tuân thủ, vì cho rằng “mua bảo hiểm là tốn tiền mà chắc gì đã cháy”.

Ở đây cũng phải đề cập một khía cạnh khác, đó là tiểu thương muốn mua bảo hiểm cũng không dễ. Nguyên nhân là việc nhập hàng, bán hàng thường xuyên biến động nên rất khó để định lượng giá trị hàng hóa và các công ty bảo hiểm cũng “ngại” bán bảo hiểm cháy nổ cho người dân do rủi ro rất cao. Và khi cháy nổ xảy ra, những tiểu thương bị thiệt hại không biết trông vào đâu để tái lập kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ, thì cùng với việc xem xét lại quy hoạch, thiết kế chợ, trung tâm thương mại, có lẽ, điều quan trọng nhất hiện nay là phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống cháy nổ, giám sát chặt công tác phòng cháy, tránh tiếp diễn tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Tin liên quan
Tin khác