Thông tin trên được ông Nguyễn Thế An, Giám đốc quan hệ định chế tài chính NovaGroup đưa ra tại Hội thảo giới thiệu cổ phiếu Nova Consumer – Tiềm năng và cơ hội đầu tư, diễn ra vào chiều 22/2.
Niêm yết cổ phiếu vào tháng 5/2022
Cổ phiếu của Nova Consumer sẽ được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM vào tháng 5/2022 (ảnh: Trọng Tín) |
Nova Consumer đang thực hiện việc báo chào bán 10,9 triệu cổ phiếu (tương đương 10% vốn điều lệ hiện tại), với giá chào bán tối thiểu là 43.462 đồng/cổ phiếu. Thời gian đăng ký mua và nộp tiền đặt cọc: Từ 7/2 đến 28/2/2022. Thời gian thông báo kết quả đặt mua cổ phiếu: Dự kiến ngày 4/3/2022.
Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư vì sao giá khởi điểm của cổ phiếu Nova Consumer lại là 43.462 đồng/ cổ phiếu, dựa vào yếu tố nào để định mức giá đó? ông Nguyễn Thế An cho biết, đây là mức giá trên sổ sách tại thời điểm doanh nghiệp xin ý kiến tại ĐHĐCĐ để tiến hành IPO và niêm yết cổ phiếu.
Ông An nhấn mạnh, mức giá khởi điểm mà doanh nghiệp đưa ra tương đối hấp dẫn với những nhà đầu tư tham gia vào đợt IPO, bởi cổ phiếu vẫn còn rất nhiều tiềm năng để nhà đầu tư có thể có được lợi nhuận trong thời gian sắp tới.
Tạm tính theo mức giá chào bán thì Nova Consumer có mức định giá pre-IPO vào khoảng hơn 4.700 tỷ đồng và định giá sau chào bán là 5.200 tỷ đồng (tương đương gần 220 triệu USD).
“Đây chỉ là mức giá dựa trên chỉ số tăng trưởng của những ngành truyền thống, hiện nay mảng nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng doanh thu lớn, nhưng bước sang năm 2022, chúng tôi sẽ hoàn thiện danh mục sản phẩm trong ngành hành tiêu dùng và bắt đầu có sự tăng trưởng bên cạnh sự tăng trưởng của mảng nông nghiệp”, ông An nói và đồng thời nhấn mạnh, cơ hội tăng trưởng trong tương lai cũng như thanh khoản của cổ phiếu vẫn còn lớn.
Một yếu tố khác mà ông An tin rằng đây là mức giá hợp lý có thể mang lại nhiều giá trị cho nhà đầu tư, bởi hiện nay, cổ phiếu của Nova Consumer đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư.
“Hiện chúng tôi đang làm việc với hai tổ chức đầu tư quốc tế, lượng đặt mua của hai nhà đầu tư này đã vượt trên hai lần số lượng cổ phiếu chúng tôi chào bán”, ông An thông tin.
Về thời gian niêm yết cổ phiếu Nova Consumer trên sàn chứng khoán, ông An cho biết, theo lộ trình, giữa tháng 3/2022 sẽ hoàn tất việc hoàn tất chào bán, ngay sau đó sẽ báo cáo kết quả chào bán với ủy ban chứng khoán, song song đó sẽ thực hiện các hồ sơ đăng ký với Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và trung tâm lưu ký chứng khoán, để có thể có giấy phép chấp thuận niêm yết vào cuối tháng 4 hoặc tuần đầu tiên của tháng 5/2022.
M&A để bước vào ngành hàng tiêu dùng
Nếu đợt IPO này thành công, lượng vốn Nova Consumer huy động dự kiến vào khoảng 474 tỷ đồng. Số tiền huy động được, doanh nghiệp sẽ dùng 430 tỷ đồng để mua lại phần vốn Công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc (Sunrie Food) thuộc sở hữu Công ty cổ phần Đầu tư Tiêu dùng và gần 35 tỷ đồng để góp vốn vào công ty này. Phần còn lại bổ sung vào vốn lưu động.
Mặc dù điều kiện thị trường đầy thách thức, biên lợi nhuận và biên lợi nhuận gộp của Nova Consumer vẫn được cải thiện (Nguồn: NCG) |
Nói về lý do M&A lại công ty Sunrie Food, ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc khối tài chính kế toán Nova Consumer, cho biết ngoài các chỉ số tài chính của Sunrie Food khá lành mạnh, doanh nghiệp còn xem xét đến các yếu tố khác.
Thứ nhất, chiến lược phát triển của Nova Consumer là tiến vào ngành hàng tiêu dùng, cho nên doanh nghiệp bắt buộc phải chọn những doanh nghiệp có hệ thống phân phối khá tốt.
“Sunrie Food là công ty gián tiếp sở hữu Công ty Anco Farmily Food – là công ty có hệ thống phân phối với 80.000 điểm bán lẻ truyền thống, cùng với hơn 4.000 điểm bán lẻ tại siêu thị nên đây là một bàn đạp rất tốt để chúng tôi tiến vào ngành hàng tiêu dùng trong thời gian tới”, ông Hải nói.
Thứ hai, Công ty Anco Farmily Food đã có cơ sở sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến nền tảng thịt. Đồng thời, doanh nghiệp này đã có một danh mục hàng hóa khá tốt trên thị trường như xúc xích, bánh gạo và đồ hộp.
“Các sản phẩm liên quan đến xúc xích như Xuxifarm, Bé khỏe đã có chổ đứng nhất định trên thị trường với thị phần đạt 30%”, ông Hải nói và nhấn mạnh, đó là những lý do mà Nova Consumer quyết định huy động vốn đợt này để mua vào mảng Food – một mảnh ghép trong ba mảng ghép mà doanh nghiệp phát triển trong tương lai đó là thực phẩm, thức uống và sản phẩm dinh dưỡng.
Trong giai đoạn 2022 – 2024, Nova Consumer sẽ phát triển đội ngũ bán hàng lên khoảng 1.500 nhân sự, mỗi nhân sự phụ trách từ 200 đến 300 điểm bán hàng.
Từ năm 2025, Công ty sẽ phát triển mạnh các nền tảng phân phối O2O (Online to Offline), giúp kết nối tốt hơn giữa các nhà phân phối, cửa hàng với Nova Consumer, từ đó tạo ra liên kết trực tiếp với 250.000 điểm bán hàng và gián tiếp lên đến trên 400.000 điểm bán hàng.
Kỳ vọng vốn hóa tỷ USD
Hiện tại, Nova Consumer đã và đang kinh doanh hiệu quả và tăng trưởng bền vững trong nhiều lĩnh vực, nhất là mảng sức khỏe vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, trang trại và nông trại. Các mảng kinh doanh này đều tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế cao nhất trong ngành như HACCP, WHO-GMP, GLOBAL G.A.P.
Dự phóng lợi nhuận và biên lợi nhuận của Nova Consumer đến năm 2026 (ảnh: NCG) |
Năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số lần lượt 3.700 tỷ và 300 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trong doanh thu của Nova Consumer chủ yếu đến từ ngành nông nghiệp khi đang chiếm 74% và còn lại là hàng tiêu dùng.
Nhưng từ năm 2021, Nova Consumer bắt đầu mở rộng sang mảng kinh doanh hàng tiêu dùng để khép kín chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn. Kỳ vọng đến năm 2026, hàng tiêu dùng sẽ có sự tăng trưởng rất nhanh với 79% trên tổng doanh thu và 21% cho ngành nông nghiệp.
Trả lời câu hỏi của của các nhà đầu tư làm thế nào để chiếm lấy thị phần khi quyết định mở rộng ra thị trường hàng tiêu dùng, trong bối cảnh thị trường này đang có sự cạnh tranh khốc liệt, đại diện lãnh đạo Consumer bày tỏ, những thách thức đó cũng là những trăn trở lớn khi tiến vào ngành hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, trong quá trình phân tích thị trường, ông lại có một góc nhìn khác. Đối với ngành hàng tiêu dùng, ở Việt Nam mức tiêu thụ bình quân trên đầu người vẫn còn khá thấp.
Chẳng hạn như những sản phẩm về sữa, dinh dưỡng chỉ mới tiêu thụ khoảng 26 lít/năm/người, nếu so sánh với các nước phát triển thì họ đã vượt chúng ta gấp 3 - 4 lần. Thậm chí, nếu so sánh với những nước kế bên chỉ mới bằng 60%. Do vậy, dư địa vẫn còn rất lớn dành cho những người tham gia sau, có cơ hội được phục vụ người tiêu dùng.
“Trong chiến lược phát triển thì chúng tôi xác định sẽ tham gia theo chiều rộng, nghĩa là những ngành hàng nào có giá trị thị trường lớn thì chúng tôi sẽ tham gia vào, tuy nhiên, trong thị trường lớn đó, chúng tôi sẽ tìm ra một phân khúc mà chúng tôi có thể dẫn đầu xu hướng tiêu dùng”, vị đại diện nói.
Đặc biệt, Nova Consumer đang mở rộng mảng trang trại để phục vụ nguồn vào cho các sản phẩm tiêu dùng, nhưng doanh nghiệp sẽ không bán thịt heo nóng nữa mà chuyển sang thịt lạnh.
“Hiện tại các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu cùng nhau chuyển đổi hành vi người tiêu dùng chuyển từ thịt nóng sang thịt mát, bởi vệ sinh an toàn thực phẩm với thịt nóng vẫn đang là câu hỏi rất lớn, chính vì thế cùng với các doanh nghiệp lớn, Nova Consumer cũng tham gia đóng góp vào sự chuyển dịch đó”, ông Đề nói và nhấn mạnh, cơ hội để tăng doanh thu từ đợt chuyển dịch này là rất lớn.
“Chúng tôi sẽ không giành thị phần với bất cứ đối thủ nào, với dư địa rất lớn, với xu hướng tiêu dùng chuyển đổi cùng với nhiều lợi thế khác, Nova Consumer có thể thành công trong chiến lược mở rộng ngành hàng của mình”, vị đại diện nhấn mạnh.
Với chiến lược phát triển như trên, Nova Consumer đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 4 - 5 lần trong giai đoạn 2022 - 2026 so với mức 300 tỷ đồng của năm 2021, đạt từ 1.300 đến 1.500 tỷ đồng. Với kỳ vọng lợi nhuận và tiềm năng tăng trưởng cùng hệ thống quản trị vững chắc, Nova Consumer kỳ vọng có thể đạt đến mục tiêu vốn hoá vượt ngưỡng 1 tỷ USD trong ba năm tới, gấp 4 lần so với hiện tại.